Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cắm bản ở vùng đất năm không

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học cũng là nhà ở của giáo viên cắm bản ở bản Cát

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ, bản Cát (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) – vùng đất với biệt danh nhiều “không”: Không nước sạch sinh hoạt, không điện thắp sáng, không trạm y tế… Và con đường dẫn vào bản làng lẫn đường đến đỉnh cao tri thức vẫn còn dài đằng đẵng…
Ốc đảo giữa ngàn mây
Ngược quốc lộ 9 rồi băng qua đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại ngót 140 cây số, chúng tôi có mặt tại bản Nguồn Rào (trung tâm xã Hướng Sơn). Đón chúng tôi tận ngoài đường cái, ông Hồ Văn Trí, Trưởng bản Cát sau cái bắt tay thật chặt, nói tiếng Việt chậm rãi: “Từ trung tâm vào làng Cát mất gần cả ngày đi bộ, băng qua rừng núi, suối sâu. Không mấy khi bà con dân bản được đón khách lạ nên nghe tin có khách ai cũng vui cái bụng lắm, nhưng nếu các bạn lượng sức đi không nổi thì nên ở lại xã”. Sau vài phút do dự, chúng tôi quyết định đến làng Cát để được mục sở thị cuộc sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở “ốc đảo” đã từng đi vào lịch sử này.
Sau hơn 8 giờ cật lực đi bộ, băng qua 3 bản làng với khoảng 5 con suối cắt ngang lối mòn giữa rừng sâu, bản Cát hiện ra trong không gian mờ ảo của sương chiều. Bản Cát trước mắt chúng tôi chẳng khác một “ốc đảo” là mấy khi không có một con đường đi xe máy thông ra trung tâm xã, huyện. Ngược đường đi, đôi vợ chồng trẻ hớt hải bế con chạy tất tả. “Cháu 10 tháng tuổi, bị ốm mấy hôm nay, giờ sốt nặng quá bỏ cả ăn nên vợ chồng miềng (mình – PV) đưa con ra trạm y tế xã để khám”, người đàn ông tên Hùng, tầm ngoài 30 tuổi vừa nói, đôi tay ôm chặt đứa bé với vẻ mặt thất thần. “Ở đây những người được học cái chữ, hiểu biết về bệnh tật như anh Hùng không nhiều. Nhiều người dân khi con ốm đau thường phó mặc cho số phận hoặc nhờ vào thầy mo, thầy cúng”, ông Trí lắc đầu.
Núi rừng vào những ngày lập đông, màn đêm buông xuống rất nhanh. Sau hồi kẻng báo làng có khách, người già lẫn trẻ con từ các ngôi nhà sàn đổ về nhà ông Trí Trưởng bản. Ánh sáng lập lòe phát ra từ bếp lửa cộng tiếng cười nói, ánh mắt tò mò trước khách lạ dường như không xua tan nổi sự thâm u, tĩnh mịch vốn ngự trị hàng thế kỷ ở chốn này. Lặng lẽ châm lửa vào tẩu thuốc, ông Trí vẫn không đổi thần khí, chất giọng nói tiếng Kinh chậm như người ta nhặt hạt thóc: “Đường sá khó khăn, mọi thứ đều ở trung tâm. Người già mỗi năm nhiều lắm là ra khỏi bản đôi lần. Đó lại là những lần đặc biệt như ốm đau hay cần một việc gì quan trọng lắm. Bà con phần lớn nghèo, ít người có điều kiện nên con cái cứ thất học mãi. Bệnh tật còn khổ hơn. Mỗi năm vài ba người mất vì bệnh. Cứu răng kịp? Bệnh khẩn mà võng cáng cũng mất cả ngày trời. Thanh niên đi vắng, người già, trẻ nhỏ đành chịu để con ma rừng bắt đi”.
Ngôi trường “hai trong một”

Cuộc sống hoang dã, con suối vừa là nước sinh hoạt vừa dùng để tắm rửa

Chuyện dạy và học ở bản Cát vô cùng khó khăn. Cả bản có 60 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 với 5 giáo viên đứng lớp. Nằm giữa trung tâm của bản có một ngôi trường cấp 1. Học sinh hết lớp 5, nếu muốn tiếp tục học lên cấp 2 thì phải vượt gần 30 cây số đường rừng lên trung tâm xã để học bán trú. Vì vậy chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế thì con cái mới học lên cấp 2, số còn lại chỉ học xong cấp 1 lại tiếp tục vòng luẩn quẩn theo chân ba mẹ lên rẫy trồng cây lúa nương, đặt cái bẫy bắt chim thú rồi lập gia đình… Con chữ vì thế cứ rụng dần theo cuộc mưu sinh gian nan vất vả.
Học sinh khổ, đời sống của giáo viên ở bản Cát cũng khó khăn không kém. Ngôi trường cấp 1 ở trung tâm bản gọi là trường cũng đúng mà nhà cũng không sai. Lớp học được chia làm đôi, phía cuối phòng kê giường ngủ của thầy giáo. Thầy Hồ Văn Bảy, giáo viên có thâm niên 10 năm dạy học ở Trường Tiểu học Bản Cát chia sẻ: Trước đây, 5 giáo viên cắm bản cũng có 2 phòng ở nhưng sau cơn bão năm 2008, trường tốc mái, hư hỏng gần hết. Thầy cô giáo đành dọn đồ đạc vào lớp học. Ban ngày đứng lớp, ban đêm ngủ luôn ở phòng, mọi sinh hoạt cũng diễn ra ở đây. “Sau trận bão, vài lần các ban ngành chức năng về kiểm tra, xem xét. Nhưng đã bốn năm trôi qua, mọi giải pháp vẫn còn nằm đâu đó trên giấy tờ và… trên lời hứa. Thầy cô vẫn phải lấy lớp học làm nhà. Nhưng thầy cô giáo vẫn ở lại với học trò bản Cát, cùng vượt qua muôn vàn khổ ải để gieo cái chữ, với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề”, thầy Hồ Văn Bảy ưu tư nói.
Ở chốn núi rừng hoang vu này, một cuộc điện thoại từ gia đình, người thân là món ăn tinh thần quý giá nhất với những người ngày đêm lặng thầm gieo chữ. Cứ đến cuối tuần, thầy cô lại kéo nhau băng qua mấy quả núi, mất mấy tiếng đồng hồ mới đến được điểm có sóng điện thoại. Mà muốn có sóng điện thoại, thầy cô lại phải là những “tay leo trèo” giỏi, bởi sóng điện thoại chỉ có… trên ngọn cây! Vì thế, mỗi tin nhắn đối với họ quý như lá thư thời chiến. Trừ những tin nhắn khẩn cấp, số còn lại không ai dám mở đọc ngay lúc nhận được mà cứ “để dành” đọc dần mỗi ngày, vào lúc buồn hay nhớ nhà. Đợi đến tuần sau lại tiếp tục hành trình vượt núi… nhận tin nhà.
Dẫn chúng tôi đi trên lối mòn hai bên có ruộng lúa đang vào mùa gặt rộ, gương mặt nhăn nheo hốc hác của những người nông dân chân lấm tay bùn dường như giãn ra trước thành quả thu hoạch. Thầy Hồ Văn Bảy bảo, đây là thời điểm vui nhất của bản. Bởi sau vụ gặt không lâu, người dân lại rơi vào thiếu thốn, trẻ con vì thế cứ vơi dần để lên núi kiếm cái ăn. Nhìn ánh mắt của thầy Bảy buồn bã khi nhắc tới sự học rơi rụng theo kế mưu sinh, lòng chúng tôi chùng xuống trên suốt chặng đường trở lại miền xuôi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Hiện tại cả bản mới chỉ có 1 em học trung học sư phạm mầm non, 1 em học trường nội trú tỉnh và 2 em học trường nội trú huyện. Số còn lại hết lớp 4 lại ở nhà, lấy vợ, gả chồng”, thầy Hồ Văn Bảy xót xa thống kê lại chuyện học ở đây.
Ông Hồ Văn Trí, Trưởng bản Cát buông tiếng thở dài thườn thượt: “Khổ nhất vẫn là cái đường đi. Mấy chục năm nay cuộc sống của đồng bào chủ yếu tự cung tự cấp. Vì vậy trong số 67 hộ gia đình với 360 nhân khẩu thì có đến 51 hộ nghèo”. 
 
 

Bình luận (0)