Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Yêu thương là nguồn tạo nên hạnh phúc

Tạp Chí Giáo Dục

 Cô Nguyễn Thị Ngọc Hải- ngoài một nhà văn- nhà báo  còn là một nhà tư vấn tâm lý. Cô đến với công việc tư vấn tâm lý  từ lúc đảm nhận mục thư tâm sự  Thanh Tâm trên Báo Phụ Nữ VN do tòa soạn phân công, sau này cộng tác mục thư  chị Hạnh Dung trên Báo Phụ Nữ TPHCM, những tờ báo gắn liền với giới nữ cả nước. Công việc tay trái này của nhà văn nhà báo Ngọc Hải góp phần  làm cho những cuốn sách, những bài báo của cô thấm đẫm tình người và có chiều sâu tâm lý hơn

Chân dung nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải –Ảnh: Nhân Tiến

LẮNG NGHE VA ĐẶT CÂU HỎI 

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn- ĐHTH Hà Nội năm 1971, cô SV Nguyễn Thị Ngọc Hải được phân công về làm ở Báo Phụ Nữ Việt Nam, viết ở mảng Hôn nhân gia đình. Và cũng từ đó cô đã mang cái nghiệp “lắng nghe và chia sẻ” vào thân. Vừa làm phóng viên, vừa làm công việc tư vấn lúc còn trẻ nên công việc cũng khá vất vả. Vừa tiếp khách, vừa trả lời thư bạn đọc trên báo, vừa phải trả lời hàng chục bức thư trực tiếp cho bạn đọc hàng tuần. Bao nhiêu thư, bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu ca tư vấn là bấy nhiêu mảnh đời. Để làm tốt công việc xem có vẻ như bình dị nhưng không kém phần vất vả và thú vị này, cô phải liên tục cập nhật những kiến thức tâm lý, luật pháp từ sách vở, từ học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, những người có gia đình. Cũng từ đó một con người biết lắng nghe người khác đã hình thành trong cô phóng viên trẻ.

Theo cô sự giống nhau và khác nhau giữa các vấn nạn hôn nhân của giai đoạn trước và hiện nay là gì?

Chuyện Hôn nhân- Gia đình muôn thuở vẫn là xử lý các mối quan hệ. Hàng ngày, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền ra, hai vợ chồng còn phải xử lý bao mối quan hệ, đó là mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa hai vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa hai vợ chồng và họ hàng, với bạn bè, đồng nghiệp…vv. Tất cả những mối quan hệ này sẽ là một nguyên nhân gây stress nếu chúng ta không biết xử lý khéo. Từ stress dẫn đến sai lầm, có khi thành bạo hành với mình và với người vì không làm chủ được cảm xúc, ý nghĩ tiêu cực của mình. Giai đoạn trước họ bạo hành với nhau vì thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết  luật lệ, vì nghèo khổ nay thì có luật lệ, có hiểu biết nhưng họ lại có nhiều sai lầm khác trong ứng xử. Đó là một vấn nạn cần tìm lời giải đáp từ nhiều phía. 

Thời bao cấp, đoàn thể, cơ quan rất hay quan tâm đến chuyện hạnh phúc gia đình, đến mối quan hệ nam nữ của nhân viên. Điều đó có cái hay là hạn chế rất nhiều sự đổ vỡ, hạn chế sai lầm cá nhân nhưng hiện nay vai trò của tổ chức bắt đầu mờ nhạt trong chuyện mâu thuẫn gia đình vì họ cho đó là chuyện riêng, họ không can thiệp sâu. Dù có nhiều trung tâm tư vấn, có nhiều luật lệ chặt chẽ nhưng có những phần luật lệ hành chính không bao giờ có thể chạm tới được nhiều chuyện cụ thể  trong tâm hồn con người.

Do đó đối với tôi, khi tư vấn cho những thân chủ dưới một góc độ nhà báo tôi làm một công việc duy nhất đó là lắng nghe từ trái tim mình, lắng nghe không thành kiến, lắng nghe một cách chân thành dù trước mặt tôi là doanh nhân, giáo sư, tiến sĩ hay người bình dân, người không biết chữ. Khi được lắng nghe, những góc khuất trong tâm hồn của họ sẽ được giãi bày. Từ đó, tôi thảo luận, suy nghĩ cùng với họ, giúp họ tự nhìn nhận chính xác vấn đề và tự biết lựa chọn giải pháp phù hợp, tôi không đưa ra lời khuyên võ đoán.

Có một vị giảng viên ở trường ĐH X. (xin được phép giấu tên) sau khi được giãi bày với tôi những khúc mắc của cuộc hôn nhân mình, tôi đặt lại một số câu hỏi, người ấy như bừng sáng nhận ra điều gì đó trước đây chưa nghĩ tới. Có rất nhiều ca như vậy. Cũng có thể sau buổi trò chuyện với tôi, họ quyết định chia tay nhau nhưng tâm hồn họ không có thù hằn, không có những vết thương quá sâu khi họ biết tha thứ cho chính mình và người khác. Tôi chỉ nghe và đặt câu hỏi để họ thấy vấn đề ở nhiều góc nhìn khác nhau  và nhận ra hướng giải quyết phù hợp.

Có lần tôi đi chợ, một phụ nữ chạy đến chào tôi, nói cảm ơn rối rít, cô nói nhờ trò chuyện với tôi mà cô ấy tìm ra cách giải quyết, nay đi học nghề nuôi con, và vẫn hạnh phúc dù không có người đàn ông bên cạnh. Tôi mới sực nhớ ra đó là một trong những thân chủ đã từng đến với mình.

 Đó là những niềm vui khó tả mà công việc này mang lại cho tôi.

DAY DỨT TỪNG PHẬN NGƯỜI

Trò chuyện với cô, tôi còn thấy cô là người luôn day dứt từng số phận con người. Cô hay “lặn sâu” vào biển tâm hồn của người đối diện bằng ánh mắt chân thành, bằng câu hỏi đánh thức trái tim của họ chứ không phải tra vấn hay xem tình cảnh đó thuộc bộ luật nào để xử cho đúng pháp luật, cô thường “tò mò một cách chân thành”- đó là lời của vua phỏng vấn Larry King- cũng là tiêu chí hành nghề báo hay nghề tư vấn của cô. Chính nó đã giúp cô tiếp cận được nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn-một người muốn giữ im lặng đến phút cuối, để có thể viết lên cuốn “Phạm Xuân Ẩn- tên người như cuộc đời”.

Cô có thể chia sẻ một ca tư vấn thất bại mà cô nhớ nhất không?

Thất bại thì cũng nhiều. Nhưng có lẽ gần đây nhất, tôi day dứt mãi ca tư vấn cho một cụ già gần 85 tuổi. Bà ấy bị con trai bạo hành bằng cách đem con mình ra đánh đập. Qua những câu hỏi, tôi cũng tìm ra được nguyên nhân sâu thẳm dẫn đến tình trạng bạo hành của con trai bà. Cậu ấy vốn bị bố bạo hành từ nhỏ, và có những khúc quanh cuộc đời rất kinh khủng, những thứ ấy hằn sâu vào ký ức, đến nay khi cuộc sống không như ý mình thay vì điều chỉnh mình thì cậu ấy trút hết vào con cho hả dạ, để trả thù bố mẹ. Đó là một dạng bệnh lý. Tôi day dứt về trường hợp này rất nhiều, rất tội cho bà mẹ già cô đơn ấy. Công an hay pháp luật ở trường hợp này đã không làm gì được cho bà.

Đối với những người như vậy ta không thể dùng đạo đức để nói cho họ chuyển đổi được. Tôi vẫn đang lắng nghe, đang tìm hiểu để giúp những người như vậy. Và điều đáng lo là những bệnh nhân tinh thần như vậy ngày càng tăng. Họ vừa là nạn nhân của gia đình, của cuộc sống và cũng là thủ phạm gây bạo hành cho những người xung quanh.

Có những ca rất khó, vì thân chủ luôn cho mình đúng, luôn bắt người khác phải theo ý mình ..

Cứ như thế, cô thầm lặng lắng nghe, thầm lặng giúp đỡ, luôn tìm tòi học hỏi những phương cách hữu hiệu nhất để hy vọng có thể phần nào giúp được con người vơi bớt khổ đau, để những ai tiếp xúc với cô đều được nói hết những điều mà mình không thể nói với ai.

BÍ QUYẾT GIỮ HẠNH PHÚC

Theo cô muốn có hạnh phúc gia đình cần có những điều kiện gì?

Ngoài các điều kiện đảm bảo đời sống, cần có lòng yêu thương, mở rộng tâm hồn, có kiến thức gia đình, và một văn hóa nền thật vững. Hiện nay theo tôi thấy sự đổ vỡ của các gia đình trẻ vì phần lớn họ phát triển cái tôi ích kỷ, cái tôi tiêu cực quá lớn. Họ thiếu sự quan tâm và thông cảm đối với bạn đời và những người xung quanh.

Cũng có những gia đình quá khó khăn về vật chất nên dẫn đến cãi vã, bất hòa, chia tay, nhưng cũng có những gia đình nghèo nhưng rất hạnh phúc. Đó là tùy quan niệm nhưng tôi thấy cần nhất vẫn là lòng yêu thương, thông cảm và sự hy sinh cho nhau, cho con cái, cho người thân yêu. Khi bạn có hai thứ này có thể bạn chưa có nhiều tiền nhưng bạn vẫn hạnh phúc. Nhưng khi bạn có nhiều tiền nếu thiếu hai thứ này thì hạnh phúc sẽ không đến với bạn. Hạnh phúc theo tôi đó là sự đầy đủ thoải mái về tinh thần và bảo đảm những điều kiện vật chất tối thiểu.

Tôi tán thành quan điểm này của cô.  

Xin tò mò một cách chân thành, gia đình cô có hạnh phúc không? Có những lúc cô bối rối thì cô nhờ ai giúp?

Đương nhiên có những lúc tôi cũng bị căng thẳng vì những bộn bề của cuộc sống, vì những chịu đựng thầm lặng của những việc không tên. Cũng như mọi người, tôi phải cố gắng từng ngày và tự nhận thấy thành công duy nhất mà tôi có được, đó chính là hai người con trưởng thành, có tài và tử tế. Những lúc quá căng thẳng, bối rối thiền đã giúp tôi tìm ra bình an nội tâm và giúp cho tôi lắng nghe ngày càng sâu hơn những tiếng nói vô thanh của những góc khuất trong tâm hồn của tôi, của từng con người mà tôi tiếp xúc.

Tôi cũng coi đây là một ân huệ mà nghề báo đã cho tôi.

Nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải

Sinh năm 1944

Vào nghề năm 1971

– Chuyên viết về ký chân dung những người nổi tiếng.

– Hội viên hội nhà văn, hội nhà báo Việt Nam

– Hội viên hội  nhà văn, hội  nhà báo TPHCM

Tác phẩm  tiêu biểu đã xuất bản gần đây:

– Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời (Ký sự nhân vật – 2002)

– Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo (Ký sự nhân vật – 2004)

– Đại tướng Mai Chí Thọ (Ký sự nhân vật – 2005)

– Tò mò một cách chân thành (2011)

 

NHÂN TIẾN

 

 

Bình luận (0)