Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Quà Tết của cô giáo vùng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên điểm trường A Sau (A Vao, Đakrông)
“Ở chốn heo hút này, giữ chân được học trò đến lớp đông đủ mỗi ngày đã là món quà Tết ấm áp nhất đối với những giáo viên cắm bản như chúng tôi, không còn mong gì hơn”, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên ở bản A Sau (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) bày tỏ. Đó cũng là tâm tư chung của hàng trăm giáo viên đang ngày đêm miệt mài gieo chữ ở các bản làng trên dãy Trường Sơn đầy cách trở.
1. Con đường trở lại bản Cuôi – bản làng xa xôi cách trở nhất nằm phía Bắc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) – những ngày này vẫn phải nhọc nhằn len lỏi qua các khóm cây rừng, bờ suối lởm chởm đá. Dù được hỗ trợ chiếc xe ba cầu của Đoàn KTQP 337 nhưng nhiều đoạn chúng tôi vẫn phải cuốc bộ. Những vạt rừng rù rì ven sông, suối chảy qua những vách đá hiểm trở như muốn thi gan cùng sức mạnh của dòng nước. Chúng tôi ngược dòng Sê Băng Hiêng, với quãng đường tầm 30 cây số mà phải mất đến gần 3 giờ mới đặt chân vào đến bản. Đón chúng tôi tận đầu lối mòn dẫn vào điểm trường bản Cuôi (thuộc Trường Tiểu học xã Hướng Lộc), thầy Nguyễn Đình Quảng – giáo viên dạy ở điểm này – hồ hởi: “Mới đó mà đã bốn năm rồi nhỉ, nhà báo xem sau bốn năm, trường lớp và sự học ở nơi đây đã thay đổi lắm rồi”. Theo bước chân thầy giáo trẻ, đập vào mắt chúng tôi là một ngôi trường nhỏ được thay mới bằng ván gỗ, có bàn ghế tương đối đầy đủ. Điều đáng mừng nhất là đã có hai thầy giáo trẻ cắm bản thay cho những người lính biên phòng.
Nhớ lại cách đây 4 năm, trường lớp nơi đây hãy còn tạm bợ bằng tranh tre nứa lá, thậm chí thầy giáo là người lính biên phòng phải mượn tạm nhà tình thương của dân để tổ chức lớp học. Ngày ấy Thiếu úy Hồ Văn Hải và Thượng úy Nguyễn Xuân Thuyết được phân công phụ trách địa bàn, họ vừa mày mò tự học vừa  dạy cho con em biết con chữ, người lớn có thêm kiến thức làm ăn với hy vọng thoát khỏi cái đói nghèo. Lần này trở lại, thầy Quảng cho biết, lớp học ngày ấy nhiều em đã lên THCS. Nhiều người trong bản đã xóa được nạn mù chữ…
2. Bản Cuôi hôm nay đã có trường lớp khá kiên cố, lớp học được tổ chức cả ngày (có 12 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5) và có tới 2 giáo viên cắm bản. Thầy Quảng bảo, để giữ được sĩ số lớp học ở đây cũng là điều còn lắm gian nan. Nhất là từ khi cơn lốc đào vàng chạm đến bản này thì số học sinh vơi dần đi vì các em mải đi làm thuê, trong khi sự quan tâm của phụ huynh đối với chuyện học của con cái bị xem nhẹ. Mỗi ngày, thầy giáo phải bắc “loa miệng” đi từ đầu đến cuối thôn vừa rao vừa vận động các em tới lớp. Cuộc sống của những người cắm bản ở miền sơn cước này lắm gian nan. Không đường, không điện, nhà ở dành cho giáo viên cũng chỉ bằng vài tấm ván cũ ghép lại trên nền đất ướt sền sệt. Ban đêm đối với họ là một sự tách biệt hoàn toàn với đời sống.

Thầy cô giáo cắm bản hiểu rằng chính những ánh mắt trẻ thơ nơi đây cần họ
Thầy Quảng tâm tư: “Đời sống kinh tế của bà con ở đây còn nghèo lắm, đến manh áo ấm cho con trẻ còn khó nói chi chuyện đồng phục trường lớp. Mỗi dịp về xuôi, chúng tôi đều tranh thủ xin quần áo cũ còn dùng được để giúp các em. Động viên phụ huynh mong sao cho con em được biết cái chữ”. Đang hồi câu chuyện vui, chúng tôi hỏi thầy Quảng chuyện quà Tết. Chững lại giây lát, thầy cười nói tiếp: “Các bạn thấy đấy, đồng bào nghèo, tỉnh mình nghèo và ngành giáo dục cũng nghèo. Cái nghèo chung như thế thì tụi mình đâu đòi hỏi quà Tết. Nói chung cũng có, đủ mua về cho mẹ… vài bao trà xanh làm quà Tết!”.
3. Ngược con đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi đến với xã A Vao, một xã xa xôi nhất của huyện miền núi Đakrông. Cũng không khác gì mấy so với bản Cuôi, có chăng chỉ là con đường bê tông được nối vào các bản làng. Ở đây không khí Tết dường như vẫn chưa hề chạm ngõ. Câu chuyện quà Tết có vẻ rất xa vời và ít ai nhắc đến. Thầy Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS A Vao, bảo: “Thời gian gần đây, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã biết quan tâm hơn đến việc học của con cái. Ở A Vao, mỗi sáng thầy cô giáo không phải dùng “loa miệng” để gọi từng em mà đánh trống để các em tới lớp”. Hỏi đến chuyện quà Tết, thầy Vĩnh trầm giọng: “Ở những vùng khó khăn như A Vao, chuyện thưởng quà Tết cho giáo viên chỉ mang tính chất động viên. Những ngày lễ tết, học trò thường tặng thầy cô vài đóa hoa rừng, hoặc bó rau lang. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là con em biết viết cái chữ, làm thạo con tính và sự quan tâm của phụ huynh đối với con em họ”. Cô Nguyễn Thị Thanh – giáo viên ở bản A Sau (xã A Vao) – nói: “Tụi em khi tình nguyện lên đây cũng chỉ có tâm nguyện cho các em đỡ thiệt thòi. Người giáo viên vui khi học trò mình học tốt. Còn chuyện quà Tết nghĩ cũng xót xa lắm. Đi làm cả năm, đến Tết muốn sắm cho con cái áo mới cũng phải căn ke từng tí một”.
Cuộc sống của những người ở miền sơn cước này lắm gian nan. Không đường, không điện, nhà ở dành cho giáo viên cũng chỉ bằng vài tấm ván cũ ghép lại trên nền đất ướt sền sệt. Ban đêm đối với họ là một sự tách biệt hoàn toàn với đời sống.
Giọng cô Thanh chợt chùng xuống như độc thoại: “Nghĩ lại nếu mình cũng về xuôi thì lấy ai dạy các em biết cái chữ, nếu mình không làm thì ai lo cho bà con”.
4. Chia tay các thầy cô giáo cắm bản, đường trở về thành phố dường như dài hơn bởi nỗi trăn trở. Miên man ý nghĩ cùng thanh âm lúc réo rắt, lúc cuồng nộ của những ngọn suối bạc đầu thi nhau đổ về xuôi, tiếng rì rào của cây rù rì cheo leo trên vách đá và tiếng lá xào xạc của đại ngàn Trường Sơn thâm u, chợt chúng tôi nhớ tới câu nói của cô Thanh: “Gửi lại miền xuôi tổ ấm gia đình, đến với đồng bào nơi đây, niềm vui của chúng tôi là dạy con chữ cho những đứa trẻ thiệt thòi do cách trở địa hình. Món quà Tết ấm áp nhất của chúng tôi là giữ được chân học trò tới lớp mỗi ngày, và sau kì nghỉ Tết vẫn thấy lớp học đủ đầy sĩ số!”.
Vĩnh Yên – Thiên Phúc
Ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Ngành GD-ĐT tỉnh cùng với Công đoàn có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến đời sống của giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng cao. Tuy nhiên, thuộc một tỉnh nghèo nên những hình thức như quà Tết cho giáo viên đôi khi chỉ mang tính chất động viên, chia sẻ”. 
 

Bình luận (0)