Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỳ tích của anh nông dân khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Hậu nhận giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi 2013
Lưng bị gù, đi lại rất khó khăn nhưng anh nông dân Hoàng Trọng Hậu ở thôn Tam Đa, xã Tam Đa, huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) đã khiến nhiều người phải nể phục. Đi lên từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh Hậu đã có một gia tài kha khá đối với một người làm nông.
Ngày 12-12-2013 vừa qua, anh là một trong những người vinh dự được nhận giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi 2013 tại Hà Nội.
Bắt đầu từ “gà ngố”
Sinh năm 1976 tại một miền quê nghèo của tỉnh Hưng Yên, anh Hậu không được may mắn như các bạn cùng trang lứa khi chẳng may bị gù lưng. Đi lại không được thuận lợi đã khiến anh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Lập gia đình với một cô thôn nữ năm 2000 và được bố mẹ cho ra ở riêng. Nhưng chỉ sau ba năm, vợ chồng anh lại quyết định quay về nhà bố mẹ đẻ sống để phát triển mô hình chăn nuôi. Năm 2006, anh nảy ra ý tưởng mô hình nuôi gà Đông Tảo (một giống gà chân to, đặc sản của huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Tuy nhiên gia đình và hàng xóm đều nghi ngờ khả năng thành công của mô hình này. Vì không ai tin một người khuyết tật như anh vừa thiếu vốn, vừa thiếu kỹ thuật có thể thành công. Với quyết tâm chứng tỏ với gia đình và mọi người xung quanh rằng mình “tàn mà không phế”, anh vẫn quyết tâm vay vốn để đầu tư thực hiện kế hoạch phát triển trang trại chăn nuôi theo mô hình gà Đông Tảo – lợn nái. Anh tìm đến chương trình tài chính vi mô của Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision – WV) vay 2 triệu đồng để mua 100 con gà Đông Tảo. Chỉ sau 6 tháng, đàn gà đã bắt đầu đẻ trứng với số lượng trung bình 50 quả/ngày và cho ra thành phẩm 30 con gà giống sau khi ấp.
Trong giai đoạn đầu, người tiêu dùng chưa quen với giống gà Đông Tảo (vì mọi người nghĩ gà Đông Tảo là giống gà ngố, gà tồ…) nên e ngại mua loại này. Do vậy anh Hậu đã nuôi thí điểm 50 con để bán tiếp thị. Khi gà lớn, anh chở gà đến bán khuyến mại ở các khu chợ tại Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội và Hà Tây. Sau khi ăn, mọi người nhận thấy gà Đông Tảo ngon như gà ta nhưng giá thành rẻ hơn nên bắt đầu đặt những đơn hàng mua con giống. Kể cả với bà con trong thôn, xã – khi họ còn e dè mua con gà giống – anh đã cam kết với mọi người rằng: Nếu không bán được, mang gà đến anh “bắt đền”…
Từ đó, gia đình anh có thu nhập ổn định và tăng dần lên cùng với việc người đến đặt mua con giống cũng tăng lên. Trong khi đó, việc vay tín chấp và trả dần hàng tháng dễ dàng, cứ trả xong là anh được vay lại ngay số vốn lớn hơn nên việc kinh doanh rất thuận lợi.
Những cái đầu tiên

Anh Hậu chăm sóc đàn gà Đông Tảo
Khi con gà Đông Tảo bão hòa trên thị trường, anh Hậu chuyển sang chăn nuôi con khác. Và con giống mà anh nghĩ đến chính là con ngan. Nhưng nuôi ngan khó hơn nhiều so với nuôi vịt vì ngan dễ bị rụng lông bụng. Nếu để rụng, phải mất một tháng chăm sóc thì lông bụng mới mọc lại. Sau khi đi tìm hiểu kinh nghiệm của một số người ở Hải Dương, anh quyết định nuôi ngan trên sàn lưới nhựa. Lưới được đặt cách sàn 40cm, ngan sẽ sống ở trên, phân lọt xuống dưới. Gia đình anh sẽ tận dụng số phân đó để làm biogas phục vụ sinh hoạt, còn chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ. Những lứa ngan đầu tiên đã cho kết quả rất khả quan và khẳng định chắc chắn mô hình chăn nuôi của anh đã đúng. Năm 2012, anh đã xuất được trên 6 tấn ngan ra thị trường. Để có được đồng công cao hơn, anh đã trực tiếp mang ngan ra tận thị trường Hải Phòng để bán. Hiện nay, Hải Phòng là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm của anh. Nhận thấy việc nuôi ngan thu lại nguồn vốn nhanh hơn nuôi gà, sắp tới anh sẽ san lấp 720m2 ao để làm chuồng trại. Anh Hậu cho biết anh không chỉ là người đầu tiên ở huyện Phù Cừnuôi gà Đông Tảo mà còn là người đầu tiên nuôi ngan trên sàn lưới nhựa.
Người nông dân ham học hỏi
Dường như trong câu chuyện anh Hậu kể, người nghe dễ dàng cảm nhận được tinh thần ham học hỏi, niềm say mê với công việc chăn nuôi của anh. Với mong muốn có được loại kháng sinh tự nhiên giúp ngan, gà, lợn phòng bệnh, anh đã không ngần ngại ra tận Hải Dương để học hỏi. Thực chất công thức pha chế kháng sinh tự nhiên của bạn anh rất đơn giản, chỉ là tỏi ngâm rượu, sau 15 ngày cho gia cầm, gia súc uống theo một tỉ lệ nhất định. Chính vì công thức này mà anh đã đỡ được rất nhiều tiền mua thuốc cho gia cầm, gia súc của mình. Không những thế, nó còn giúp anh cung cấp ra thị trường các sản phẩm sạch. Tuy nhiên, dù đã truyền lại với mọi người trong thôn nhưng hình như không ai mặn mà với công thức này của anh. Có lẽ họ đã quen dùng thuốc cho gia cầm, gia súc của mình – giống như con người, cứ ốm là tìm đến thuốc kháng sinh mà quên mất các loại thảo dược cũng có thể giúp khỏi bệnh.
Trong quá trình chăn nuôi anh cũng đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm. Sắp tới anh sẽ xây thêm 150m2 chuồng để nuôi ngan. Nhưng thay vì lợp bằng tấm Proximang hoặc tôn thì anh sẽ lợp bằng dạ. Dạ sẽ giúp chuồng trại ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè, giảm được cho anh rất nhiều chi phí mà lại thân thiện với môi trường…
Tinh thần ham học hỏi, không ngừng vươn lên đã giúp anh Hậu từ số vốn vay ít ỏi ban đầu, giờ đã có một gia tài kha khá. Hai con anh được ăn học đàng hoàng, anh cũng có đồng ra đồng vào để chữa bệnh. Chia sẻ về dự định của mình, anh cho biết ngoài việc tiếp tục phát triển con ngan thịt, thời gian tới anh sẽ chuyển dần sang nuôi ngan sinh sản để cung cấp con giống cho thị trường.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Đảm bảo sự phát triển bền vững
Chương trình tài chính vi mô của WV so với chương trình tín dụng của ngân hàng hiện nay có nhiều điểm khác biệt. Đó là nguồn vốn cho vay nhỏ, từ mức thấp đến mức cao rất phù hợp với người nông dân khi muốn đầu tư nhỏ. Mức vay nhỏ nhất là 5 triệu đồng, lớn nhất là 20 triệu đồng. Người được vay không phải thế chấp tài sản và hàng tháng trả một phần gốc cộng với lãi. Thời gian vay trả trong một lần là từ 10 đến 12 tháng. Đối tượng được vay là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp, ưu tiên phụ nữ và gia đình có trẻ em. Với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững, cán bộ WV còn tổ chức hàng trăm khóa tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tương ứng với mô hình sản xuất của bà con khi vay vốn. Bên cạnh nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, chương trình còn có vốn vay an sinh, khách hàng có thể vay với mục đích sửa chữa, xây dựng nhà cửa; giáo dục, y tế, nước sạch vệ sinh, môi trường; đồ dùng thiết yếu của gia đình. Chương trình hiện phủ sóng 10 huyện thuộc 5 tỉnh trên toàn quốc, bao gồm Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam.
 
 

Bình luận (0)