Tiền chị Tốt làm ra phải lo chi tiêu tiền chợ và lo cho hai con ăn học. Chồng chị đạp xích lô thu nhập chỉ đủ trả điện, nước, khi nào dư dả thì phụ chị mua gạo |
Có 1.001 lý do để những phụ nữ chân yếu tay mềm vốn là nội trợ, làm công việc nhẹ… nay phải chuyển sang làm những công việc cơ bắp.
Bất đắc dĩ
Mặt trời sắp đứng bóng, dưới cái nắng gay gắt, tôi đến công trình xây dựng nhà trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú. Công trình đang trong giai đoạn đổ sàn bê tông. Hơn chục người thợ đang tất bật với các công đoạn, trong số ấy có gần phân nửa là phụ nữ. Người lớn tuổi nhất cũng đã ngót 60, đó là chị Hạnh (quê Bắc Giang), làm phụ hồ. Trước đây chị Hạnh cùng chồng đi nhặt bao ni lông nhưng gần đây công việc này không còn kiếm ra tiền như trước nên chị tìm đến đây xin việc. “Vừa rồi, thằng nhỏ đến tuổi đi học nhưng cả hai vợ chồng đi làm chỉ đủ mua gạo, thuê nhà. Mong sao ông trời thương năm nay làm ăn được dành dụm để năm tới cho con đi học”. Giọng chị Hạnh chùng xuống não nề.
Hoàn cảnh của chị Tuyết (Vĩnh Long) cũng chẳng hơn chẳng kém. Anh Nguyễn Văn Sành (chồng chị Tuyết) là thợ xây giỏi của công trình này vừa mới bị tai nạn do sập giàn giáo. Chị Tuyết kể lại: “Làm cả năm nay vợ chồng cũng tiết kiệm được gần chục triệu đồng nhưng tai nạn xảy ra, ảnh nằm viện ngốn hết ngần ấy số tiền. Công ty chỉ chi trả phần nào thôi, bây giờ một mình tôi phải gánh vác đủ mọi chuyện gia đình”.
Với lối kể chuyện hóm hỉnh, “siêng” nói, cười pha trò nên rất được nhiều người làm chung yêu mến. Sắp bước sang cái tuổi 55 nhưng lại làm những công việc nặng mà thanh niên trai tráng ai cũng phải nể. Đó là chị Trần Ngọc Tốt (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè). Công trình mà chị Tốt làm nhiều tháng nay là công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư ở quận 7. Ngày công của chị được 80.000 đồng/ ngày với các công việc đẩy đất, cát, bốc vác gạch, xi măng và san nền. “Tôi làm nghề này gần 20 năm, ổng (tức chồng chị Tốt – PV) thì đạp xích lô. Lúc mới xin vô làm người ta bảo tôi không làm được nhưng sau hai ngày thì giám sát thi công rất tin tưởng”. Được biết, với thu nhập bữa có bữa không của chồng, một mình chị Tốt phải đảm đương việc lo cho hai đứa con đến trường”. Anh Dân, người làm chung với chị Tốt cho biết: “Ở đây phụ nữ thì nhiều nhưng chỉ có chị Tốt là làm “chạy” việc, làm gì cũng mau lẹ nên được trả tiền cao hơn”.
Tiếng lòng thợ nữ
Cuối tháng 9 vừa qua, chồng chị Trần Ngọc Bích (huyện Bình Chánh) lại nằm trong nhóm công nhân bị công ty cơ khí cho nghỉ việc vì làm ăn thua lỗ. Khoản thu nhập chính của gia đình gần 2,5 triệu đồng/ tháng của anh mất đi lại nhằm ngay trong thời điểm mẹ chồng đau ốm. Không còn cách nào khác, chị Bích đành phải tất tả đạp xe đến các công trình để tìm một chân phụ hồ. Chị tổ trưởng tổ dân phố nơi vợ chồng chị Bích thuê trọ dẫn tôi đến nơi chị Bích đang làm việc. Khi tôi đến nơi chị làm việc thì chị đang uốn thép để đổ trụ bê tông. Chị Bích phân trần: “Cực mấy tôi cũng chịu được, tôi chỉ lo là làm xong công trình này lại phải tìm việc ở công trình khác, bây giờ tìm việc không dễ, nhất là phận nữ như mình”.
Nghỉ giải lao, người mang ra kẹo, bánh, người thì trái cây, riêng chị Hồng (Vĩnh Long) lấy ra một đòn bánh tét nhân chuối. Chưa kịp hỏi han, chị Hồng mở lời ngay: “Hôm qua đi làm về mắc mưa, thấy trong người ê ẩm sợ bị sốt nặng, sáng chưa kịp ăn bây giờ phải ăn lót dạ để uống thuốc chứ không đi làm nổi thì khổ”. Quay sang tôi, chị Bích cho hay: “Tội nghiệp con Hồng, có chồng cũng như không, ăn nhậu tối ngày chẳng lo làm ăn gì cả. Đã vậy còn gây ra một đống nợ, thân vậy chứ phải làm nuôi chồng rồi còn phải gánh nợ cho chồng nữa”. Vừa dứt lời, một chị khác miệng oang oang trách mắng chị Hồng: “Bảo bỏ thằng đó đi mà nó có chịu nghe đâu. Tao chưa thấy ai dại như mày, nó không đáng để mày phải nai lưng ra trả nợ”. Tôi thoáng thấy nơi khóe mắt chị Hồng ươn ướt. Anh Đặng Thanh Bảo, giám sát công trình cho hay: “Dù là phận nữ nhưng chị em ở đây khỏe và siêng năng lắm. Mỗi người một cảnh, là phụ nữ nhưng không chỉ phụ phồ, uốn thép mà chị nào có khả năng chúng tôi đưa lên làm thợ chính như đàn ông, thanh niên để tăng thu nhập”.
Để có thu nhập cao, không ít “bóng hồng” còn leo giàn giáo. Nghe tôi nhắc đến những vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian qua, chị Tốt nói: “Phải nhắm mắt làm liều mới đủ sống”. |
Tuy An
Bình luận (0)