Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tôi đi làm thám tử tư: Kỳ cuối: Nghề không của riêng ai

Tạp Chí Giáo Dục

Đồ “hành nghề” của một thám tử tư

Đủ tư liệu cho bài phóng sự cũng là lúc chân tướng của thám tử bị lộ diện. Nhiệm vụ mới của tôi kể từ thời điểm ấy là “kín cái miệng…”.
Chân tướng thám tử bị lộ diện
Hai hôm sau, thám tử Phát tìm tôi báo tin: “Ông được trung tâm cho vào làm chính thức”. Thấy tôi có vẻ không vui, thám tử Phát nói: “Mới có một hợp đồng đã ngán rồi à?”. Tôi chữa ngay: “Thì anh hay nói thám tử phải hạn chế sự phấn khích, gặp chuyện vui, buồn gì cũng bình thường mà”. Thám tử Phát tấm tắc khen: “Ông đúng là người chúng tôi cần”.
Kể từ ngày kết thúc hợp đồng đầu tiên, tôi suy nghĩ có nên nói thật cho thám tử Phát biết chuyện mình xin làm thám tử là để kiếm tư liệu viết bài hay không? Không còn cách nào khác, tôi đành phải nói ra sự thật. Cứ ngỡ thám tử Phát sẽ khó chịu với tôi nhưng không, tôi vừa dứt lời, anh ta phán một “câu xanh rờn”: “Không chỉ mình tui biết mà cả trung tâm đều biết. Bây giờ, ông không làm thám tử nữa nhưng nhiệm vụ vẫn còn, đó là “kín miệng và không đưa bất kỳ hình ảnh của đối tượng cũng như thám tử lên mặt báo”.
Ngồi trong quán cà phê Trung Nguyên, thám tử Phát đang nhép miệng ca theo bài Monday morning thì chuông điện thoại đổ dồn. Anh đi vào nhà vệ sinh, chưa đầy một phút lại trở ra bảo: “Có một hợp đồng mới. Lưu ý, cái này ông “đánh” lẻ, không liên quan đến trung tâm. Thích thì đi, không thì thôi”. Tôi hỏi: “Có đậm không?”. “Chục chai”. Chúng tôi có mặt trước Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Lý Tự Trọng lúc 15 giờ để theo dõi một cậu ấm có đến trường hay không. Thám tử Phát yêu cầu tôi dắt xe lên lề, anh lấy một xấp hình từ cái túi bao tử đeo trước bụng ra. Anh xem xong rồi chuyền cho tôi xem những kiểu ảnh của đối tượng. Thám tử Phát lưu ý tôi: “Nó mới cắt tóc ngắn, như trong hình thẻ”. Ngày đầu, đối tượng đến lớp và ra về đúng giờ, không la cà, chúng tôi ghi hình đầy đủ. Ngày thứ hai cũng thế, nhưng đến ngày thứ 3, “con mồi” lại mất dấu. Thám tử Phát lại lôi ra danh sách địa chỉ và số điện thoại liên lạc của đám bạn mà đối tượng thường giao du. Sau nhiều cuộc gọi, thám tử Phát giục tôi lên xe rồ ga phóng nhanh về khu cà phê Bắc Hải (quận 10).
Một kiểu ảnh của đối tượng được thám tử Phát ghi nhanh sau khi hớp một ngụm cà phê. Theo yêu cầu của mẹ cậu ấm này thì hình ảnh khi rửa ra phải thể hiện được ngày tháng, mọi thông tin về giờ giấc đi lại, kể cả chuyện đi tiêu, đi tiểu, uống nước gì… lúc mấy giờ để cậu ấm phải “tâm phục khẩu phục”.
Nỗi niềm thám tử
Thu nhập của thám tử tư không chỉ được trả bằng lương của trung tâm mà còn là những khoản chi hậu hĩnh của người thuê. Thám tử Cao Trung Quang (văn phòng thám tử tư Gia Đình) cho biết: “Nghề thám tử không phải nghề của riêng ai. Có người sinh ra là để làm nghề này, nói chung phải có duyên thì mới thành công”. Còn thám tử Phát tâm sự: “Tôi từng thực hiện thành công nhiều hợp đồng giúp các đại gia phát hiện con cái của họ bỏ học, nghiện ngập, nhưng con cái của mình thì có khi cả tháng mới gặp một lần, đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Khi đến nhà trọ của Phương để tìm hiểu, tôi bị người dân địa phương nghi là công an hình sự đi thu thập thông tin. Như thế là còn oai chứ đôi khi còn bị gán là kẻ trộm đột nhập vào nhà, kẻ bệnh hoạn… là chuyện thường ngày mà thám tử gặp phải. Thám tử Cao Trung Quang từng bị đánh một trận tơi bời vì “cái tội” leo tường rào, đột nhập vào một nhà nghỉ để ghi hình ông chồng dắt bồ nhí vào đó hú hí. Thám tử Quang nhớ lại: “Không hiểu sao lúc ấy mình “say” nghề đến vậy, đã có trong tay đầy đủ hình ảnh, tư liệu của đối tượng mà lại muốn có thêm nữa nên mới bị nạn. Cũng may bà vợ (tức người thuê) hô hoán tôi là người nhà đi bắt ghen nên đám bảo vệ mới ngưng đánh, không thì tiêu rồi”.
Anh Nguyễn Văn Chiến, thành viên nhóm thám tử nghiệp dư ở cầu Ông Lãnh (quận 1) có thâm niên 8 năm trong nghề, không nhớ nổi mình đã gặp bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười. Anh Chiến kể lại vụ nhóm của anh thực hiện một hợp đồng cho chủ lò mổ để ghi hình tố cáo với cơ quan chức năng một lò mổ gia cầm lậu ở quận 8: “Lò mổ gia cầm này nằm gần con rạch sình lầy, đường ra phía sau lò mổ chỉ duy nhất là lội dưới rạch. Trong vai một người đi xung điện bắt cá, tôi tiếp cận được điểm xả nước cũng như chất thải ra kênh của lò mổ này. Tôi bọc kín chiếc máy ảnh bằng túi ni lông và buộc chặt ở đầu cây xung điện để tránh bị ướt. Đang loay hoay tìm vị trí thích hợp để ghi hình thì tôi nghe tiếng rào… rào ở bụi dừa nước. Vừa ngước mặt lên nhìn thì nguyên một bao xốp nặng trịch quất thẳng vào mặt, nước bẩn bắn tung tóe. Thật kinh tởm đó là bịch đựng phân và nội tạng của gia cầm… mà lò vứt bỏ”.
Thám tử tư đã trải qua không biết bao hiểm nguy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Song, bên cạnh đó họ cũng có được niềm vui, niềm hãnh diện, nhưng đôi lúc họ cũng thấy lòng mình ray rứt…
Trải qua những ngày làm thám tử với các “phi vụ” đơn giản nhưng tôi cũng đã nếm trải đủ đắng, cay, ngọt, bùi. Ám ảnh và kinh khủng nhất là chuyện tìm chỗ để “giải quyết”…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Tay xoay chiếc điện thoại di động, anh Chiến tiếp: “Ngồi nghĩ lại thấy đồng tiền mình làm ra chẳng xứng đáng chút nào. Cầm tiền của người này đi tìm bằng chứng để hại một người khác… lòng đau lắm nhưng không làm lấy gì sống”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)