Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Bidoup- Lớp học nơi hoang dã

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên nước ngoài đang tìm hiểu trực tiếp các loài thực vật tại Vườn Quốc gia Bidoup
Tôi có cuộc khám phá khá thú vị Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Tại đây, lần đầu tiên tôi được hòa mình vào không gian rừng nguyên sinh đa dạng và tiếp cận một “sân chơi” lý thú, bổ ích dành cho HS, SV, nghiên cứu, học tập…
Cuộc trải nghiệm xuyên quốc gia
Nhận điện thoại của Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thuộc VQG Bidoup – Núi Bà (gọi tắt là trung tâm), tôi vội vã lên đường với chiếc xe máy độc hành xuyên qua 50 cây số đường rừng để đến với sân chơi hấp dẫn nhân có đoàn SV Thái Lan sang tham quan, nghiên cứu và học tập.
Đa số SV nước bạn lần đầu tiên đứng trước mênh mông đại ngàn Tây Nguyên; được khám phá rừng nguyên sinh VQG Bidoup – Núi Bà nên mọi thứ đều rất mới lạ và lý thú. Sau khi được tổ “diễn giải môi trường” của trung tâm hướng dẫn, thuyết minh… nhóm SV Thái (gồm 10 thành viên) bắt đầu tổ chức các hoạt động theo kế hoạch. Sink Chair (trưởng nhóm) cho biết, tham gia trong nhóm đều là những SV đang học ngành sinh học nên sẽ tập trung nghiên cứu quá trình sinh trưởng, phát triển của các loài thực vật, nhất là các loại cây thuốc, cây dược liệu quý có ở VQG này để thực hiện đề án bảo tồn, nhân giống, phát triển nguồn gen trong tương lai. “Qua tài liệu tham khảo, ở VQG Bidoup – Núi Bà đặc biệt còn có rất nhiều loại rau rừng ăn được, loại cây để chế phẩm màu dùng nhuộm vải, thổ cẩm; loại cây dùng làm vật trang điểm cho phụ nữ… mà chỉ có người đồng bào dân tộc bản địa biết và truyền nhau bí kíp sử dụng”, Sink Chair bộc bạch.

Lớp học giữa rừng nguyên sinh
Còn cô SV KiaSakLamas có làn da trắng mịn, nhỏ nhắn lần đầu tiên đến Việt Nam và khám phá rừng nguyên sinh Tây Nguyên, với cô là một chuyến đi không thể quên trong đời. KiaSakLamas tâm sự, ở Thái Lan có những VQG, vườn thú hoang dã nổi tiếng nhưng để giữ gìn, bảo tồn một VQG rất đa dạng sinh học như Bidoup – Núi Bà thì thật rất đáng quý. Trong thời gian lưu lại, nhóm SV đã đi thực tế vào các khu rừng đặc dụng, rừng lá kim, rừng nguyên sinh nghiên cứu các loại thực vật, động vật quý hiếm của kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới hiện hữu ở VQG này…
Trong chuyến vào VQG Bidoup – Núi Bà, tôi còn tình cờ gặp gỡ một nữ tình nguyện viên đến từ xứ sở hoa anh đào đang làm tình nguyện viên tại đây trong thời gian 2 năm. Đó là Nikanishi Miki (30 tuổi) – người đã quá quen thân với đồng bào dân tộc bản địa sinh sống gần VQG này. Cô trực tiếp tìm hiểu đời sống, lao động, nghề dệt thổ cẩm, nét văn hóa của đồng bào dân tộc nhằm giúp đỡ người dân khôi phục lại các làng nghề truyền thống để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và cải thiện đời sống cộng đồng thuộc vùng đệm của VQG… Nhờ sống gần gũi với đồng bào dân tộc, dù tiếng Việt chưa sỏi, nhưng cô gái Nhật lại “rành” một số câu, từ tiếng dân tộc Cơ Ho trong giao tiếp thông thường.
Học giữa thiên nhiên

Cắm trại để tham quan, học tập tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
VQG Bidoup – Núi Bà nằm trên 5 xã, thị trấn của huyện Lạc Dương và một phần của 2 xã huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Với mô hình này, mỗi năm, VQG Bidoup – Núi Bà thu hút gần chục ngàn lượt khách tham quan; trong đó chiếm gần 50% lượng khách là HS, SV. Song, thu hút khách du lịch không thuần túy để tăng doanh thu mà mục tiêu là nhằm giới thiệu cho du khách tham quan, nghiên cứu; qua đó tăng cường giáo dục tình yêu thiên nhiên, động thực vật quý hiếm, kêu gọi cộng đồng chung tay gìn giữ, bảo tồn rừng.
Ông Nguyễn Lương Minh, Giám đốc trung tâm cho biết, đến nay trung tâm đã kết nối và tổ chức cho HS, SV của nhiều trường học tham quan, nghiên cứu, học tập tại VQG như: Trường ĐH Đà Lạt, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM, các trường THCS và THPT ở các tỉnh Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai… Ngoài ra, qua chương trình hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, VQG đã tiến hành ký kết hợp tác với một số trường ĐH và tập đoàn lớn trên thế giới như: Trường ĐH Columbia, ĐH Laval (Canada), ĐH Wisconsin – Madison (Mỹ), Quỹ các vườn thực vật Australia; Viện Bảo tồn thực vật quốc gia BREST (Pháp)…
Riêng trên địa bàn Lâm Đồng, trung tâm phối hợp với Khoa Sinh học Trường ĐH Đà Lạt biên soạn tài liệu Giáo dục môi trường dành cho HS từ lớp 6 đến lớp 12 và phát cho các trường. Trong tài liệu này đưa các chương trình giáo dục môi trường phù hợp với lứa tuổi và kiến thức của HS. Ví như tài liệu dành cho lớp 6 chủ đề “Vai trò của thực vật”, “Tìm hiểu về côn trùng”; “Rừng là môi trường sống” (lớp 7); “Động vật hoang dã” (lớp 8); “Tìm hiểu về những loài cây lá kim quý hiếm” (lớp 12). Trung tâm cũng đã phối hợp với các trường học thành lập “Câu lạc bộ xanh” với 240 HS tham gia; cung cấp cây xanh, hoa cho HS các trường trồng, chăm sóc…
Chương trình gắn kết, hỗ trợ  HS, SV dã ngoại, nghiên cứu, học tập tại VQG Bidoup – Núi Bà đang được đông đảo phụ huynh và HS, SV hưởng ứng.
Thanh Dương Hồng
 

Bình luận (0)