Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rùng mình “công nghệ” chế biến mỡ

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, nhiều cơ sở chế biến mỡ nước, bì heo ở các tỉnh phía Bắc bị cơ quan chức năng kết luận không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tại TP.HCM, nếu chứng kiến tận mắt một số điểm chế biến mỡ nước, bì heo thì thấy còn kinh hoàng hơn.

Thấy chế biến hết dám ăn
Tại điểm chế biến mỡ heo trong một con hẻm trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), nếu ai bước vào khu vực sơ chế chắc không khỏi rùng mình khi thấy gần chục người ngồi chồm hổm lọc da, xắt mỡ.
Mỡ bầy nhầy đầy dưới nền nhà dơ bẩn. Cứ thế, mỡ được cho thẳng vào chảo để thắng, thắng xong đổ vào thùng nhựa giao ngay cho khách hàng với giá 10.000 đồng/kg. Trong lúc chủ cơ sở cho biết mỡ nước được bán cho các chợ và quán ăn thì nhân công cứ vô tư đi lại trên đống mỡ, thấy nhờn nhợn.

Sơ chế bì heo trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh. (Ảnh: Trần Ngọc)
Tương tự khi chúng tôi bước vào tham quan cơ sở chế biến mỡ bẩn trong căn nhà không số của bà Dung. Tại khu vực sơ chế, thịt mỡ tung tóe trên nền nhà nhầy nhụa, đất cát, ruồi nhặng bu đầy. Mỡ nước ra lò trong điều kiện mất vệ sinh như thế nhưng được bà Dung hét bán 15.000 đồng/kg.
Trước đó, đoàn liên ngành VSATTP quận 8 kiểm tra và phát hiện điểm chế biến mỡ nước của ông Nguyễn Văn Hoàng (Bến Ba Đình) rất mất vệ sinh. Mỡ bò được sơ chế trên nền đường gần cống nước, sau đó bỏ vào chảo nấu. Do không bảo đảm VSATTP nên Trạm Thú y quận 8 đề nghị điểm chế biến mỡ nước của ông Hoàng tạm ngưng hoạt động.
Dùng hóa chất tẩy bì heo
Mặc dù không bảng hiệu nhưng điểm chế biến bì heo của ông Giao tại số 2A88 ấp 2, xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh) mỗi ngày đưa ra thị trường không dưới 100 kg.
Khu vực chế biến đầy bụi bặm, mạng nhện, chung quanh toàn ao nước đọng đen ngòm, hôi hám. Cạnh đó, da heo được ngâm trong các thùng nhựa không nắp đậy, lềnh bềnh xác ruồi và bốc mùi khó ngửi. Theo ông Giao, da heo tươi được thu mua trôi nổi từ các chợ, không qua kiểm dịch thú y.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP quận Bình Thạnh phát hiện một cơ sở trên đường Tăng Bạt Hổ đã sử dụng hóa chất tẩy trắng da heo và làm dai, giòn bì heo. Đoàn kiểm tra đã tiêu hủy ba tấn da heo, hàng chục ký bì và 100 kg hóa chất.

Trước thực trạng đáng báo động về điều kiện VSATTP đối với mỡ nước và bì heo, ngày 15-10, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP đề nghị UBND các tỉnh, TP tăng cường biện pháp kiểm soát những chế phẩm động vật (mỡ, bì…) để phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Ban chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành tăng cường giám sát VSATTP trong giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng phủ tạng, mỡ, bì… gia súc trên địa bàn.
Ban chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra liên ngành phối hợp cùng địa phương kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở chế biến mỡ, bì da vi phạm quy định về VSATTP và vệ sinh môi trường.
Thịt bẩn tuồn ra thị trường?
Trước thông tin sản phẩm động vật nhập khẩu kém chất lượng được tung ra thị trường, ngày 20-10, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi các quận, huyện yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra VSATTP đối với sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu đang lưu thông.
Do quy định trước đây, sản phẩm động vật nhập khẩu vào cảng thì doanh nghiệp được Cơ quan Thú y vùng VI cấp giấy vận chuyển về kho lạnh chờ kiểm dịch. Cầm trong tay giấy chứng nhận này, một số doanh nghiệp vội vàng bán ra thị trường. Đến khi có kết quả mẫu xét nghiệm không đạt thì lô hàng trong kho đã bốc hơi.
Theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng VI, hiện có 17 lô hàng của tám doanh nghiệp với hơn 310 tấn sản phẩm tại các kho lạnh trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương bị buộc tái xuất hoặc tiêu hủy. Do không được giám sát chặt chẽ nên không loại trừ thịt bẩn được tuồn ra ngoài.
Bà Đinh Thị Hồng Hạnh, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh, cho biết hồi tháng 8, Công ty Trường Vinh nhập hơn 24 tấn đùi gà. Dù số đùi gà bị nhiễm khuẩn nhưng trạm không thể xử lý vì Cơ quan Thú y vùng VI chưa cấp giấy chứng nhận lô hàng. Trạm chỉ có thể yêu cầu chủ hàng không được xuất bán lô hàng nhưng thực tế có doanh nghiệp đã bán hàng kém chất lượng ra thị trường nhằm gỡ gạc chi phí.
Trường hợp Công ty Seaprodex có trên 56 tấn thịt trâu nhập khẩu được chứa tại kho Sea SàiGòn (Bình Dương). Trong khi đó, ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, cho rằng không biết 56 tấn thịt trâu có nằm trong kho hay không (!?).
Một cán bộ trong ngành thú y TP.HCM cho rằng doanh nghiệp thuê kho lạnh để chứa hàng nên không thể niêm phong kho mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp cam kết không xuất hàng kém chất lượng ra ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp cứ lén lút tiêu thụ lô hàng vi phạm ra ngoài.
Hiện các cơ quan chức năng không dám quả quyết hơn 310 tấn thịt bẩn vẫn còn nằm trong kho hay bị thất thoát tung ra thị trường khiến người tiêu dùng càng quan tâm, lo ngại.
Theo Trần Ngọc (PLO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)