Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thâm nhập “động vàng” lúc nửa đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Xâm nhập vào hang ổ của “vàng tặc”
Những đợt gió Lào đầu mùa ở núi rừng miền Tây Quảng Trị bắt đầu róng riết thổi. Sông Đakrông chảy qua “thị tứ vàng” (thị tứ Tà Rụt) rồi đổ về xuôi mang theo dòng nước đỏ quạch – hậu quả của nạn khai thác, đào đãi vàng. Men theo các con suối khuất sâu tận vùng rừng già, hàng trăm con người đến từ khắp nơi đang ngày đêm nổ mìn, phá núi lấy vàng ở vùng rừng già A Vao, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Việc xâm nhập các điểm “vàng tặc” ở đây quả là khó khăn và hiểm nguy.
Nửa đêm vào “động vàng”
12 giờ đêm, từ huyện lỵ Đakrông đến cầu treo Đakrông rẽ trái, chúng tôi vật lộn với con đường đèo dốc ngoằn ngoèo. Vượt qua chặng đường dài gần trăm cây số, chúng tôi đến thị tứ Tà Rụt. Rồi từ đây rẽ phải theo con đường cấp phối đầy đá dăm để vào A Vao.
Bao quanh “động vàng” là hàng chục bóng đèn pin của các trạm vệ tinh do “vàng tặc” bố trí nhằm canh chừng người lạ xâm nhập vào. Vì vậy, cứ thấy đèn xe ô tô là họ liền huơ đèn qua lại để xem biển số. Giọng một thanh niên lầm bầm vọng ra từ một cái lán lụp xụp được che phủ bằng tấm bạt màu xanh úa màu: “Xe quen!”.
Khi chiếc U-óat trườn qua đoạn đường lởm chởm đá, đi sâu hơn vào bãi vàng, chúng tôi phát hiện có ba chiếc xe máy đang đỏ đèn phụ nấp trong đám cây rậm rạp. Đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến đi, xe đang chạy, lập tức Đại úy Nguyễn Thanh Hồng, Công an huyện Đakrông bật cửa ô tô nhảy lao vào, khống chế một đối tượng đang loay hoay bấm điện thoại gọi cho đồng bọn. Một mắt xích vệ tinh bị khóa an toàn!
Đoàn tiếp tục băng qua một con suối, gặp một vách núi dựng đứng. “Đỗ xe lại, đi bộ lên”, giọng Đại úy Hồng rắn đanh trong đêm tối. 3 giờ sáng, sương rừng đổ xiên qua lá cây rét buốt, khiến mặt đất trơn trượt. Theo chân các chiến sĩ công an, chúng tôi bấm chặt ngón chân lần từng bước một, chừng 50 mét thì phải dừng lại bám vào gốc cây nghỉ lấy sức. “Gắng tí nữa, gần lên tới đỉnh rồi, đường sẽ dễ đi hơn”, Đại úy Hồ Văn Choàng, Công an huyện Đakrông động viên.
Tiến tới gần một điểm quặng vàng, lực lượng truy đuổi phát hiện một ánh đèn pin rọi lên trời. Đại úy Choàng phát lệnh: “Bọn chúng đã phát hiện ra rồi, chúng ta phải nhanh tới đó”. Tiếp đó là âm thanh của phát súng chỉ thiên phát lệnh chỉ nhích hơn tiếng máy nổ của gần chục giàn máy đang gầm rú, xé toạc màn đêm núi rừng A Vao. Chúng tôi trượt chân theo lối mòn từ một quả đồi xuống bãi đất bằng, nơi Đại úy Choàng và đồng đội đang khống chế bọn “vàng tặc”. Nghe động, từ trong lòng núi được đào bới, gia cố như những “địa đạo”, hàng chục tên “vàng tặc” chui ra bên ngoài nghe ngóng. Thoáng thấy các chiến sĩ công an, bọn chúng liền nhanh chóng quay trở lại hang tối. Từ trong các ngõ ngách được đào xuyên lòng núi này, bọn chúng thông tin cho nhau để đốt lốp xe, hun khói thổi ngược ra bên ngoài, nhằm ngăn chặn lực lượng xâm nhập, tìm kiếm.
Cuộc truy bắt kết thúc sau hơn một giờ đồng hồ. Nghỉ ngơi chốc lát, lực lượng truy quét “vàng tặc” ở khe Ho tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, tháo dỡ hàng chục lán trại, phá hỏng 7 giàn máy nổ xay đá lọc vàng cùng với nhiều vật tư phương tiện khác phục vụ việc khai thác vàng của bọn chúng. Cùng lúc đó, họ kiểm tra hành chính và đẩy đuổi hơn 50 đối tượng “vàng tặc” ra khỏi địa bàn.
Đại úy Nguyễn Thanh Hồng áo quần lấm lem bụi đất, phấn khởi cho biết: “Đây là chuyến truy quét khá thành công bởi lực lượng đã vô hiệu hóa được phần lớn hệ thống vệ tinh của “vàng tặc””.
Đakrông, ai là “vàng tặc”?

Núi đá ở A Vao đang bị đào bới, tàn phá dữ dội
“Vàng tặc” xuất hiện ở các vùng rừng già trên địa bàn Đakrông từ những năm 1990. Nạn đào đãi vàng ở đây đã gây ra không biết bao nhiêu tai họa, từ thiên tai bão lụt, tàn phá núi sông, đất đai sản xuất, nhà cửa của người dân và các công trình phúc lợi đến đủ các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… Đáng báo động là tệ nạn này đã biến bao nhiêu trẻ em tuổi còn cắp sách đến trường thành người hư hỏng. Mặc dù, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều phương án nhằm triệt tiêu “vàng tặc”, nhưng đến nay, việc giải quyết vấn nạn này vẫn là một bài toán vô cùng nan giải.
Núi đá, rừng già ở các điểm quặng vàng khe Ho, khe Poóc, khe Kluông thuộc hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa vẫn từng ngày, từng giờ bị đào bới, chặt phá dữ dội hơn. Riêng tại khe Ho, theo ghi nhận của lực lượng công an Đakrông, khoảng 3 tháng trở lại đây, “vàng tặc” đã mở mới trên 10 hầm tại 3 trái núi lớn. Hầm ngắn nhất dài 400 mét, dài nhất lên đến 700 mét với hàng chục ngóc ngách xuyên vào lòng núi. Trong các hầm đều có chứa đầy đủ các vật tư phương tiện phục vụ cho việc nổ mìn, phá và chẻ đá, vận chuyển ra bên ngoài để xay lọc lấy vàng.
Bọn “vàng tặc” tiến hành phá núi, xẻ rừng không cần tính hệ quả mai sau. Hiện tại, cứ đến mỗi mùa mưa bão, hàng trăm mạng người, tài sản của người dân cả ở miền núi lẫn đồng bằng bị đe dọa bởi lũ quét, sạt lở đất… Nguy cơ cái đói hiển hiện ngay trước mắt.
Nghe hỏi về tương lai của hành trình triệt xóa vấn nạn “vàng tặc” ở A Vao, Đại úy Hồ Văn Choàng cho biết, đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải do có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, các lực lượng chức năng đảm trách nhiệm vụ này rất mỏng; đường sá, rừng núi lại hiểm trở. Nguyên nhân chính khác là do bọn “vàng tặc” và số ít lực lượng làm nhiệm vụ thăm dò vàng sa khoáng được cấp phép ở đây thường xuyên trà trộn vào nhau, trong đó có lực lượng của Công ty Khoáng sản 4 nên việc phát hiện để xử lý là vô cùng nan giải.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)