Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người – Bài 6: Vì yêu mẹ nên yêu cả nghề của mẹ!

Tạp Chí Giáo Dục

NGND Vũ Thị Oanh Cơ (nguyên Phó trưởng phòng GD quận 1, TP.HCM) được nhiều người biết đến không chỉ là một cô giáo dạy giỏi mà còn là một cán bộ quản lý đầy năng lực. Khi bà bước vào nghề dạy học cũng là lúc cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Kim Dung cất tiếng khóc chào đời. Không ngờ gần 20 năm sau Kim Dung đã chọn nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý” để nối nghiệp mẹ và sau đó đã trở thành một hiệu trưởng tài năng.

Cô nuôi dạy trẻ thời sơ tán
NGND Vũ Thị Oanh Cơ
Lớn lên ở một xóm lao động nghèo của quận Phú Nhuận, ngay từ nhỏ mấy anh em bà đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người cha. Người mẹ gầy yếu như thân cò lặn lội một mình tần tảo nuôi bốn đứa con để chồng ra vùng ngoại ô hoạt động. Năm 1953, nỗi đau đã ập vào ngôi nhà nhỏ khi nghe tin người cha đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Gánh nặng cơm áo lại càng đè nặng lên vai người vợ và một đàn con. Biết gia đình có người đi kháng chiến, không ngày nào bọn giặc để yên nên mấy mẹ con phải bỏ xứ ra đi. Bước chân lên tàu hỏa cùng với gia đình, cô bé 11 tuổi đành để lại phía sau cả một quãng đời thơ ấu đầy kỷ niệm. Nhìn mẹ lau nước mắt, lòng cô bé Cơ cũng không khỏi bùi ngùi. Ra đến Hà Nội chiến tranh vẫn còn ác liệt nên việc học hành của mấy anh em bà bị gián đoạn. Mỗi khi nhớ bạn bè, thầy cô và trường lớp bà lại lấy sách ra đọc, lấy bút ra ghi. Mấy anh em bà chỉ mong ước mau đến ngày độc lập để được cắp sách đến trường. Năm 1954, khi thủ đô giải phóng những đứa trẻ như bà mới có được niềm vui học hành, ca hát. Sân trường lớp học lại giang rộng vòng tay chào đón những gương mặt hồn hậu, thơ ngây của học trò. Giáo viên từ vùng chiến khu ra
Nhà giáo Kim Dung tâm sự: “Nhờ theo mẹ đi dạy nên từ nhỏ tôi đã được sống trong cảm xúc của nghề dạy học, cảm xúc đó dần dần trở thành hơi thở máu thịt của mình tự lúc nào không hay. Tôi yêu mẹ và yêu cả nghề của mẹ”.
không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em những điều hay lẽ phải nên tình cảm thầy trò ngày một gắn bó. Sau một năm học, bà lại chứng kiến những buổi chia tay biết bao quyến luyến nhớ thương. Có lẽ vì thế mà sau khi đi hết quãng đời học sinh, bà đã không băn khoăn khi lựa chọn ngành nghề mà quyết định vào học trường sư phạm để trở thành cô nuôi dạy trẻ. Thế nhưng, những năm đầu bà đến với nghề lại là thời kỳ giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc. Các lớp học của Trường Mẫu giáo Chim Non tạm xa Hà Nội để sơ tán về nông thôn. Bố mẹ, người thân ở lại sản xuất và chiến đấu, các cháu mới 4, 5 tuổi đã phải sống tự lập, chỉ biết trông nhờ vào bàn tay chăm sóc của cô giáo. Bà Oanh Cơ kể: “Mỗi lớp có hơn 30 cháu do hai cô giáo phụ trách phải lo từ chuyện học hành, ăn ngủ tắm giặt. Ban ngày học trong nhà nhưng ban đêm phải đưa các cháu xuống hầm ngủ để tránh máy bay của giặc. Nhiều đêm cả cô và trò không ngủ được vì tiếng máy bay gầm rít và tiếng bom của giặc bắn phá ở những vùng trọng điểm. Thời kỳ máy bay B52 đánh phá ác liệt trên vùng trời Hà Nội, cô trò lại sơ tán về vùng núi Kim Phương – Hà Tây cùng với các đơn vị bộ đội. Dù vất vả đến đâu nhưng các cô phải bằng mọi cách đảm bảo tính mạng cho các cháu luôn được an toàn, được học hành vui chơi trong mọi hoàn cảnh của chiến tranh. Có một lần chưa kịp ổn định chỗ ở thì nhà trường được lệnh đưa các cháu đi sơ tán khẩn cấp. Đồ đạc nồi xoong lỉnh kỉnh, các cô còn phải tay bế tay bồng cháu nhỏ vượt núi trèo đèo đến chỗ mới mở lớp. Mấy ngày sau quay lại chỗ cũ thì đã có hai hố bom giặc ném xuống ngay lớp học trước đây”.
Mẹ là chỗ dựa của con
Mới 2 tuổi Kim Dung đã theo mẹ sơ tán về Chương Mỹ (Hà Tây). Bắt đầu từ đó tuổi thơ của cô bé cũng hòa vào trong không khí sinh hoạt và học tập của các lớp mầm non thời lửa đạn. Mỗi lần thấy mẹ dạy hát, tập múa Dung đứng ngoài cửa nhìn vào rồi mấp máy môi theo giọng bổng trầm và thuộc hết bài ca lúc nào không hay. Lớn lên một chút khi được làm học trò của mẹ, xen lẫn trong niềm vui là niềm tự hào của cô bé. Cũng chính là con của một giáo viên, Dung càng hiểu hơn nỗi vất vả của những cô giáo nuôi dạy trẻ. Cô không thể nào quên được công việc hàng ngày của mẹ lúc đó: “Ngoài giờ học, mẹ và các cô phải làm rất nhiều công việc để chăm sóc các cháu. Sáng sớm giục 30 “đứa con” dậy rửa mặt, đánh răng và ăn bữa sáng. Trưa lo giấc ngủ, chiều tắm giặt, cơm nước. Tối lại tổ chức sinh hoạt múa hát, xuống hầm tránh máy bay Mỹ”. Dung nhớ nhất là hình ảnh các cô vượt dốc, lội bùn gánh thức ăn từ nơi bếp ăn để mang đến từng lớp cho các cháu. Trời mùa đông các cô ra giếng thả gàu múc nước để giặt mấy thau quần áo đến trưa mồ hôi rịn cả trên người. Mùa hè nóng bức các cô lấy chăn treo lên xà nhà làm quạt có thêm làn gió mát ru giấc ngủ trưa cho cháu. Nhiều bé ghẻ lở, chốc đầu cô phải tìm thuốc chữa trị, chăm sóc từng ly từng tí như một lương y. Dung thích nhất là những ngày cuối tuần mẹ và các cô ngồi giữa sân nặn đồ chơi cho lớp mẫu giáo. Từ một cục đất sét, bàn tay khéo léo của mẹ đã biến thành một con vịt rất dễ thương. Nắm lá đa vừa mới hái xuống một lúc sau đã thành một đàn trâu mẹ, trâu con thật thích mắt. Sau này khi đã thành một cô giáo mầm non, Dung càng hiểu hơn tấm lòng của những người mẹ thứ hai. Dù khó khăn đến mấy các cô vẫn tìm cách tổ chức các trò chơi, sáng tạo ra đồ dùng dạy học không để cho trẻ chịu thiệt thòi. Bỏ gà con vào hộp giấy để học sinh nhận biết tiếng kêu hay viết chữ trên từng nan quạt là các cô muốn cho các cháu “vừa học vừa chơi” mặc cho tiếng rú gầm của máy bay Mỹ. Nhìn học trò của mẹ thích thú đeo những chiếc vòng cườm do các cô giáo tự chế bằng lá mì, lá dứa bây giờ Dung càng hiểu sâu sắc những tấm lòng làm cha làm mẹ của các cô giáo, hiểu hơn câu nói về nghề dạy học: “Chưa làm mẹ nhưng chứa chan tình mẹ/ Bởi yêu nghề nên quý lớp măng non”.
 Ngày tháng qua đi, Dung lớn lên không chỉ có tình thương của các thầy cô ở trường mà còn có cả hình ảnh thân thương của mẹ đã theo suốt nhiều năm trong quãng đời tuổi thơ. Vì thế học xong chương trình phổ thông khi làm hồ sơ thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thị Kim Dung cũng chỉ muốn mình được đứng vào đội ngũ những người “kỹ sư tâm hồn” như mẹ. Với thành tích học tập vượt trội, sau đó cô được chọn sang Liên Xô (cũ) học Khoa Giáo dục mầm non của Trường Đại học Sư phạm Lê-Nin. Môi trường giáo dục của một nước xã hội chủ nghĩa tiên tiến đã giúp cô trưởng thành nhanh chóng. Đó cũng là thời gian tuy ít ỏi nhưng rất quý báu để sau này Kim Dung về nước có thêm tri thức và kinh nghiệm làm cán bộ quản lý. Với cô, mẹ vừa là thế hệ đi trước vừa là chỗ dựa tinh thần rất lớn để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm cho mình nhất là ở cương vị người lãnh đạo. “Mẹ là Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Chim Non Hà Nội, con là Hiệu trưởng Trường MN 19-5 TP.HCM. Có phải vậy là con nhà nòi không?”. Nghe tôi nói thế, Kim Dung không trả lời mà chỉ nở một nụ cười thật tươi và tôi thấy trong ánh mắt cô tràn đầy niềm tự hào về người mẹ của mình.
Hương Thủy 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)