Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tuổi học trò đã thấy mình trên phim

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong phim Giấc mơ biển. Ảnh: L.Đ.L

Được phát sóng trong mùa hè này, hai bộ phim truyền hình dài tập Giấc mơ biển Những cô cậu tuổi ô mai mang đầy tính giáo dục đã thực sự chinh phục khán giả tuổi học trò.
Hãy xóa đi học kỳ 3 nặng nề
Đó là thông điệp chính của bộ phim Giấc mơ biển dài 30 tập của đạo diễn Trương Dũng đang phát sóng trên kênh HTV9. Biết ba mẹ có ý định cho về nhà cậu Duy ở TP để nghỉ hè và ôn tập chuẩn bị cho năm học cuối cấp 2, Tuấn rất háo hức. Lần gặp nhau để chia tay trên bãi biển với đám bạn trong xóm chài, Tuấn thêu vẽ và hứa hẹn đủ điều về TP làm cả bọn trố mắt thèm được như cậu. Thế nhưng, sau vài ngày làm thành viên tạm ở nhà cậu Duy, Tuấn cảm thấy buồn tẻ vì cái gì cũng khác với gia đình mình. Nhưng dần dần, Tuấn đã học được ở đây cách cư xử đúng mực đồng thời cậu cũng mang đến cho các bạn đồng trang lứa ở TP những ngày hè bổ ích với nhiều tiếng cười. Thông qua kỳ nghỉ hè của Tuấn, cậu bé lớp 8 với nhiều khúc mắc dễ thương ban đầu ngay trong chính gia đình cậu Duy cũng như một số mâu thuẫn tuổi thơ với đám bạn mới ở TP, Tuấn trở thành nhân tố chính giải quyết khúc mắc bằng tính cách hiếu động, thông minh, ngây ngô của mình. Chính tính cách đó đã tác động một cách tự nhiên, không giáo điều tới cả người lớn tuổi để họ vỡ ra một cách nhìn mới về mùa hè của tuổi thơ. Bên cạnh thông điệp: Hãy xóa đi học kỳ 3 nặng nề đáng sợ, trả lại cho tuổi thơ những ngày hè ngập nắng, thoải mái sau một thời gian học tập căng thẳng; phim còn nhắc nhở các bạn tuổi nhỏ về bổn phận làm con đối với gia đình, nghĩa vụ làm một công dân nhỏ trong xã hội. Xuyên suốt kịch bản phim, lời thoại của nhân vật do các diễn viên Minh Nhật, Hồ Trọng Nhân, Khương Ngọc, Thạch Kim Long, Trịnh Kim Chi, Xuân Nghi… thủ vai diễn ra tự nhiên. Đạo diễn Trương Dũng cho biết: “Những điều chỉ bảo của người lớn không chỉ nói suông mà phải có hình ảnh minh họa. Vì thế, trong phim, tôi đưa vào nhiều cảnh “việc thật, người thật”. Như khi Tuấn vứt rác ra ngoài cửa sổ xe khách, nếu như chỉ để cho một người lớn tuổi nhắc nhở về hành động đó thì có vẻ sáo rỗng, cứng nhắc quá. Thế là tôi đã quyết định thêm cảnh một anh chở vịt chạy trên đường bị dính bao rác vào mặt và lao xe xuống ruộng để khán giả thấy tác hại từ hành động đó của em…”.
Mang đầy tính thời sự
Những cô cậu tuổi ô mai dành cho lứa tuổi mới lớn (từ lớp 6 đến lớp 12) dài 52 tập do Lê Bình biên kịch và đạo diễn đang phát sóng trên VTV9. Những rắc rối, gút mắc của tuổi mới lớn mà không biết chia sẻ cùng ai; hay sự tò mò, háo hức khám phá thế giới quanh mình cũng được chuyển tải nhẹ nhàng nhưng rộng mở và hài hước, rất gần gũi. Lê Bình tâm sự: “Làm phim cho tuổi mới lớn rất khó, phải hiểu các em đang nghĩ gì, muốn gì đồng thời hướng các em đến nếp sống truyền thống lâu đời của dân ta thông qua những bài học giáo dục thật nhẹ nhàng, nhưng không nặng tính lý thuyết…”. Các tập phim phản ánh tính thời sự sinh động như Mơ làm người nổi tiếng nói về một số “hot boy, hot girl” học đường chỉ chú trọng bề ngoài mà xao nhãng chuyện học tập; hay thư mơ mộng khuyên các bạn học sinh không nên vội vàng vướng vào chuyện yêu đương; Sống trên mạng nói lên những rủi ro khó lường khi các bạn trẻ làm quen với nhau trên mạng mà không biết rõ đối tượng. Sau chuyến đi xa kể chuyện chú Năm làm vườn từ quê trở lên TP thu nhặt từng vỏ chai để dành bán lấy tiền mua sách học cho trẻ em ở quê. Các tập tiếp theo phản ánh vấn nạn bạo lực học đường và bạo hành trẻ em. Phim có sự tham gia của Mi Du, Nam Cường, Uy Liêm, Văn Anh Duy, Kim Nhã, Nhất Hương, Hoài Sơn, Lê Bình, Phi Phụng, Lê Khánh… Đặc biệt là sự trở lại của Anh Đào (gương mặt quen thuộc trong phim Kính vạn hoa) với vai “công chúa Chích Chòe” rất duyên dáng và dễ thương khi vừa hoàn tất bằng cử nhân Marketing của ĐH M.I.S (Singapore).
Minh Tuyền

Bình luận (0)