Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dùng văn bằng giả: Đùa giỡn với tương lai!

Tạp Chí Giáo Dục

Kẻ làm giả văn bằng chứng chỉ đã phải chịu trách nhiệm trước vành móng ngựa bởi lòng tham không đáy. Còn những người dùng văn bằng chứng chỉ giả vì quyền lợi hoặc vụ lợi lại đánh cược cả tương lai của mình!
Tòa án Nhân dân quận Thanh Khê, Đà Nẵng vừa mở phiên tòa xét xử 10 đối tượng về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” với tổng mức án 15 năm 6 tháng tù dành cho các đối tượng trên.
Bản án thích đáng
Theo cáo trạng, khoảng 9 giờ ngày 1-12-2012, Cơ quan an ninh điều tra Công an Đà Nẵng bắt quả tang Đặng Tuấn Anh (SN 1956, trú xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) và Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1958, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng) thực hiện hành vi giao nhận văn bằng, chứng chỉ giả tại một quán cà phê trên đường Phan Thanh. Tiếp tục điều tra, cơ quan chức năng xác định khoảng năm 2004, Trần Ngọc Anh (SN 1952, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) biết Đặng Tuấn Anh làm nghề in lụa tự do tại Đà Nẵng và Quảng Nam nên tìm gặp để đặt Tuấn Anh in giả các loại phôi giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ… Ban đầu Ngọc Anh giao cho Tuấn Anh các loại phôi: Bằng ĐH, bằng CĐ, bằng THPT, chứng chỉ… và trả cho Tuấn Anh từ 20 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng/phôi. Sau khi in xong thì chuyển lại cho Ngọc Anh hoàn thành các công đoạn còn lại bao gồm viết các thông tin trên bằng, tài liệu, làm giả dấu đỏ của trường, các cơ quan tổ chức; ký giả chữ ký người có thẩm quyền ký cấp rồi Ngọc Anh giao lại cho những người đã đặt mua để họ sử dụng. Thấy việc dễ thu tiền, Tuấn Anh tách ra làm riêng nhưng vẫn nhận làm các phôi bằng cho Ngọc Anh khi có yêu cầu. Để làm giả các loại bằng, phôi bằng Tuấn Anh đặt Nguyễn Hằng Minh (SN 1978, trú đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) sử dụng kỹ thuật vi tính tạo mẫu phôi bằng, làm các bản phim hình mẫu dấu tròn của các trường ĐH, CĐ, THPT, UBND các cấp, mẫu tem chống giả và đặt Minh làm 3 bộ dấu tròn bằng kim loại đồng của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng, dấu tròn Quốc huy Bộ GD-ĐT với giá 1 triệu đồng/bộ để Tuấn Anh sử dụng vào các công đoạn làm giả các phôi văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm và dấu chứng thực sao y của các cơ quan Nhà nước trên các loại giấy tờ giả. Khoảng từ năm 2006, theo quy định thông tin của người được cấp bằng ghi trên phôi bằng là chữ vi tính nên Tuấn Anh đặt Nguyễn Hằng Minh thực hiện việc đánh chữ vi tính thông tin trên phôi bằng, chứng chỉ giả với giá 100 ngàn đồng/cái.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Đặng Tuấn Anh, Nguyễn Hằng Minh, Trần Ngọc Anh đã thông qua Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1958, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), Cao Thị Ngọc Dung (SN 1969, trú chung cư Nam Ô, Đà Nẵng), Trần Vinh Thủy (SN 1961, trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), Đoàn Sỹ Nguyên (SN 1982 trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), Vương Hòa Bình (SN 1974, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), Trương Phan Đình Dũng (SN 1975, trú đường Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) và Bùi Tấn Phát (SN 1983, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) hình thành đường dây để tìm kiếm khách hàng có nhu cầu sử dụng giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả. Theo đó, chúng tiếp cận với những người có nhu cầu mua bằng sau đó thỏa thuận giá cả. Mỗi bằng ĐH giả có giá từ 5-10 triệu đồng. Trong đó, người “sản xuất” hưởng 2 triệu đồng/bằng, người in hưởng từ 300.000 đồng – 600.000 đồng/bằng; số tiền còn lại người đứng ra trực tiếp môi giới để bán bằng hưởng.
Xét mức độ, hành vi phạm tội, Tòa án Nhân dân quận Thanh Khê, Đà Nẵng đã tuyên bị cáo Nguyễn Hằng Minh 30 tháng tù; Đặng Tuấn Anh 36 tháng tù; Nguyễn Xuân Hoàng 12 tháng tù; Trần Ngọc Anh 24 tháng tù; Trần Vinh Thủy 24 tháng tù; Cao Thị Ngọc Dung 36 tháng tù; Đoàn Sỹ Nguyên 18 tháng tù treo; Vương Hòa Bình 12 tháng tù treo; Bùi Tấn Phát 12 tháng tù treo; Trương Phan Đình Dũng 12 tháng tù treo về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đánh cược tương lai
Tầm ba năm trở lại đây, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận rộ lên “phong trào” mua bán văn bằng chứng chỉ giả. Tùy theo đối tượng và mức độ quan trọng của từng loại văn bằng, chứng chỉ mà kẻ làm ra chúng vô tư hét giá. Điều đáng buồn nhất, mặc dù bây giờ tất cả các trường ĐH, CĐ đều đã chú trọng đầu tư môn ngoại ngữ thế nhưng có không ít SV mải chơi đến ngày ra trường lại vội vã mua đại một tấm chứng chỉ làm căn cứ cho “lộ trình” xin việc của mình. Đối với các loại chứng chỉ tin học, Anh văn dành cho nhân viên văn phòng chỉ tầm từ 300 đến 450 ngàn đồng là có một tấm. Riêng các loại bằng như ĐH, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có giá từ 5 đến 15 triệu đồng.
Con đường hoạn lộ của nhiều đối tượng vẫn còn nhởn nhơ nếu không có việc lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ trên 1.000 bản sao phôi văn bằng ĐH, CĐ, trung học, bản điểm các cấp tại xưởng in của các đối tượng trên. Dẫu chưa bị “chỉ mặt, gọi tên” nhưng hẳn nhiên khi chuyên án bị phá nhiều người dùng bằng giả không khỏi giật thót mình. Được biết, hiện cơ quan điều tra đã thu giữ, làm rõ được 27 văn bằng, chứng chỉ giả của các trường ĐH, CĐ, THPT, cơ quan Nhà nước và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Vĩnh Yên

Bình luận (0)