Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình thương “không biên giới”…

Tạp Chí Giáo Dục

Joiehp chơi đùa cùng các em tại Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi tàn tật Thị Nghè

Hoạt động từ thiện tại các trường, mái ấm dành cho người khuyết tật đã có từ rất lâu và đi vào truyền thống người Việt như một nét văn hóa tinh thần rất đáng ca ngợi. Bên cạnh đó, những hoạt động từ thiện của người nước ngoài tại Việt Nam cũng phong phú và đa dạng, mang đậm tính nhân văn và lòng nhân ái.
Hơn cả “giọt máu đào”
Ai một lần tới thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi tàn tật Thị Nghè cũng đều bắt gặp người đàn ông Pháp chơi đùa cùng các em nhỏ. Jojehp (tên ông) cùng em gái mình là Laetitia đã gắn bó với những đứa trẻ ở trung tâm này hơn 1 năm nay. Mỗi ngày, ông đều thức dậy từ lúc 6 giờ, qua khu nhà dành cho trẻ bị bại liệt phụ giúp các nhân viên ở đây làm vệ sinh cho từng em. Xong, ông xuống sân chơi đùa, hỏi thăm những đứa trẻ khác trong khuôn viên. Nhìn cách ông dạy những đứa trẻ phát âm từ một đến mười bằng tiếng Pháp, đẩy những chiếc xe lăn đưa chúng dạo quanh sân ai cũng cảm động. “Cha nuôi, ông Jô, ông Tây…”, là cái tên thân thương mà bọn trẻ nơi đây dành cho ông. Không biết tiếng Việt, nhưng bằng cử chỉ và lòng yêu thương chân thành, ông đã khiến những đứa trẻ có thể hiểu được điều mình muốn nói, cũng như ông hiểu được chúng muốn gì. Điều này hoàn toàn trái ngược với thời gian ông còn là một viên chức ở Pháp, ngủ dậy trễ và cắm cúi vào công việc. Tất cả đã thay đổi khi ông cùng em gái sang Việt Nam. Hình ảnh những đứa trẻ tật nguyền nằm co quắp trong nôi, nặng nhọc đẩy chiếc xe lăn khiến ông vô cùng xúc động. Sau một thời gian thu xếp công việc, hai anh em Jojehp quyết định quay lại Việt Nam, kêu gọi sự hỗ trợ của người Pháp cũng như bạn bè trên thế giới để giúp đỡ những trẻ khuyết tật Việt Nam.
Jojehp là một trong rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam tham gia hoạt động từ thiện.
Trường hợp của Jency, sinh viên khoa công tác xã hội Trường ĐH Sherbrooke tại Canada đến Việt Nam trong một lần tham gia thực tập tại các mái ấm nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô rất xúc động khi nhìn những hình hài dị tật không biết cha mẹ mình là ai. Kể từ đó, mỗi dịp được nghỉ hè, cô lại rủ bạn bè mình sang Việt Nam, nơi có nhiều đứa trẻ đang mong chờ sự giúp đỡ của mọi người cả vật chất lẫn tinh thần. “Tôi biết những việc làm của mình không thấm vào đâu so với nỗi đau mà các em đang phải gánh chịu. Nhưng các em cần nhiều lắm sự chia sẻ, tình yêu thương và sự chăm sóc của mọi người. Tôi chỉ muốn các em hiểu rằng, mọi người không bỏ rơi các em”. Jency đã tâm sự như thế.
Hơn cả bạc tiền…
Bác sĩ Nguyễn Phương Tần, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) cho biết: “Các hoạt động từ thiện của người nước ngoài hầu hết đều mang tính chất cá nhân. Phần lớn họ là sinh viên, người lớn tuổi, cán bộ, viên chức y tế đến từ các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ… Thậm chí có những người khi nhìn thấy hình ảnh của những đứa trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam được đăng tải qua các phương tiện truyền thông đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện. Tất cả những gì họ mang lại đều nhằm mục đích chăm sóc, giúp đỡ trẻ em khuyết tật”. Những hình thức giúp đỡ của các nhóm từ thiện này chủ yếu là hỗ trợ tiền, những phần quà và các thiết bị y tế, hỗ trợ chuyên môn. Đã có không ít đoàn y tế từ các quốc gia tìm tới Việt Nam truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ, giảng dạy các phương pháp chuyên môn và đưa cán bộ, nhân viên y tế nước ta sang đào tạo bài bản tại nước ngoài trong khoảng thời gian từ 3-5 tháng. “Những tổ chức từ thiện nước ngoài tham gia với sự nhiệt tình, không tính toán. Nhìn họ say sưa, tận tình với công việc từ thiện, chúng tôi thực sự cảm động. Qua đó, chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về thái độ và trách nhiệm của mình, những người trực tiếp chăm sóc và dạy dỗ các em hàng ngày”, bác sĩ Tần chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: NGỌC ANH
Mỗi năm, nước ta đón nhận hàng trăm đoàn khách, tổ chức từ thiện từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động từ thiện của họ hầu hết đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương chân thật, sự cảm thông sâu sắc trước những phận đời bất hạnh. Không ít người trong số họ sau lần viếng thăm các làng khuyết tật đã quyết định ở lại hoặc trở lại Việt Nam trong những lần kế tiếp.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)