Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẽ đơn giản kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Trong hai ngày 26 và 27-10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015. Đây là một trong những nội dung nằm trong Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015. Bên lề hội thảo, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển các nội dung liên quan đến đề án này của Bộ GD-ĐT.
PV: Thưa ông, tại sao Bộ GD-ĐT lại chọn đổi mới thi, kiểm tra đánh giá là khâu đột phá trong Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015?
– Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi coi đây là khâu đột phá vì việc này làm ít tốn kém, không cần đầu tư nhiều, nhưng khi thay đổi cách thi nó sẽ có tác động ngược lại thay đổi nội dung dạy học, phương pháp dạy học. Đấy là nội dung chính cần đổi mới hiện nay. Chính vì lý do đó, chúng ta dành hẳn một phần trong Đề án đổi mới toàn diện GD cho nội dung thi và kiểm tra đánh giá. Khâu này có thể đổi mới sớm hơn và hiệu quả nhanh hơn. Nhưng bản chất thi và kiểm tra đánh giá là một trong những yếu tố của chương trình GDPT.
Như ông đã nói, thi, kiểm tra đánh giá sẽ làm đơn giản và làm trước, vậy thời gian nào sẽ thực hiện, thưa ông?
– Hiện nay đổi mới thi kiểm tra đánh giá đã và đang làm như ra đề mở, việc xây dựng ma trận đề trong kiểm tra đánh giá kiến thức một cách toàn diện tránh học tủ, yêu cầu hướng tới năng lực học nghề. Chúng ta cũng đã tham gia đánh giá diện rộng trên phạm vi cả nước như các kỳ đánh giá quốc tế HS phổ thông, đã bắt đầu làm đổi mới nhưng để đổi mới căn bản toàn diện hơn đúng với ý nghĩa thì những yếu tố khác về chương trình phổ thông cũng phải đổi mới theo như thiết kế nội dung dạy học đảm bảo được đánh giá trong cả quá trình, nghiệm thu dần dần trong cả quá trình học, học đến đâu, kiểm tra đến đó, kiểm tra được trong suốt quá trình học và có được đánh giá cuối cùng. Với phương pháp dạy học tốt hơn thì mới yêu cầu phát huy tính sáng tạo của HS. Lúc đó mới có cái để kiểm tra.
Với Đề án đổi mới chương trình, SGK được chuyên gia đánh giá hiệu quả cao, một trong những bức xúc hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời gian tới, kỳ thi này sẽ diễn ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?
– Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ hướng tới đơn giản hơn, hiệu quả hơn. Việc tốt nghiệp THPT không chỉ dựa vào thi cuối cùng mà phải căn cứ thêm vào kết quả đánh giá trong quá trình học THPT của HS. Đề thi phải tăng cường yêu cầu HS thể hiện kiến thức, kỹ năng một cách tổng hợp chứ không yêu cầu kiểm tra kiến thức như hiện nay. Hiện nay chúng ta mới yêu cầu ít vận dụng kiến thức, có nghĩa là tính tổng hợp kiến thức không cao. Sắp tới phải khắc phục được điều này. Cách thức công nhận tốt nghiệp trong cả quá trình học và cách thi sẽ tạo cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ có thể dựa vào kết quả trong quá trình học, trong quá trình thi tốt nghiệp để chọn HS vào. Còn tùy theo từng trường, có thể họ sẽ yêu cầu thêm mặt này mặt khác thì họ sẽ kiểm tra thêm. Kỳ thi tốt nghiệp sẽ nhẹ hơn, ĐH cũng nhẹ hơn đáp ứng được yêu cầu đào tạo sau này.
Sắp tới xã hội có thể yên tâm hơn về kỳ thi tốt nghiệp THPT?
– Tất nhiên phải hướng tới một kỳ thi an toàn hơn, yên tâm hơn.
Thưa ông, trong hệ thống môn học mà Bộ GD-ĐT đang dự kiến triển khai, ông tâm đắc với điều gì nhất?
– Đây là một câu hỏi khó. Tôi tâm đắc là mình đã hướng đến đồng bộ tất cả các yếu tố của chương trình chứ không hướng đến một yếu tố nào. Tâm đắc thứ hai là những điều được đưa ra đã thể hiện, quán triệt được tinh thần của Đề án đổi mới toàn diện GD-ĐT, áp dụng cho các chương trình GDPT.
Lâu nay chúng ta có lộ trình để thực hiện các đề án. Vậy tính bền vững của Đề án đổi mới chương trình, SGK lần này có được tính đến không?
– Bản chất của GDPT là có tính bền vững, chỉ có điều mình tiếp cận nó như thế nào, hiệu quả rất quan trọng. Chúng ta cũng phải quan niệm, mặc dù kiến thức bền vững như vậy nhưng việc điều chỉnh, đổi mới chương trình phổ thông là chuyện bình thường, vừa ổn định, vừa phát triển. Đó là xu hướng chung của thế giới. Bây giờ cũng đã có những bộ SGK mới, sắp tới Nhà nước sẽ đảm bảo có những bộ sách cơ bản nhất, còn Bộ GD-ĐT sẽ có cách thức thực hiện SGK đó phù hợp các địa phương khác nhau, phù hợp với giai đoạn khác nhau.
Trong hệ thống môn học GDPT, bộ có đưa ra dự kiến lớp 10 “dự hướng”. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
– Nó thể hiện quan điểm tích hợp nhiều ở lớp dưới, phân hóa ở lớp trên. Lớp 10 là bước chuyển tiếp từ tích hợp cao sang phân hóa mạnh.
Đổi mới căn bản toàn diện GD đã được phê duyệt. Tuy nhiên, dư luận lo lắng về cơ sở vật chất?
– Cơ sở vật chất là vấn đề lâu dài, vì nước mình còn khó khăn, chưa có nguồn lực nhiều, nhưng vẫn phải đổi mới. Chúng ta sẽ đổi mới theo cách sử dụng có hiệu quả những kinh phí được đầu tư. Thứ nhất là ngân sách Nhà nước sẽ được tập trung đầu tư cho lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như phổ cập, GD vùng sâu vùng xa, vùng khó, đối tượng chính sách, một số ngành nghề khó xã hội hóa. Còn những chỗ khác phải huy động cao nhất nguồn lực xã hội đầu tư. Phải sử dụng tiết kiệm những cái mình đang có, không dàn trải.
Hiện nay sư phạm có bước chuyển như thế nào để đáp ứng được nhu cầu đổi mới của ngành?
– Các trường sư phạm ngay từ bây giờ đã phải đổi mới. Khi ban hành chương trình GDPT mới thì phải tiếp tục phù hợp hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)