Là dân Sài Gòn thứ thiệt nhưng vì đặc thù công việc nên quanh năm họ phải sống từ gầm cầu này đến gầm cầu khác. Họ là công nhân cầu đường – người nối những bờ… vui.
Ở gầm cầu
“Lát nữa ghé nhà anh chơi, nhà anh ở bên kia con rạch”. Anh Ngô Văn Thanh, Tổ trưởng kỹ thuật thi công cầu Đồng Nai 2 mời tôi. Nhà không có vách, cao khoảng 1m, mái nhà chính là gầm cầu. Anh Thanh cười rạng rỡ: “Bất ngờ quá hả, đây là căn nhà kiên cố nhất mà tôi được ở trong suốt 20 năm làm nghề xây dựng cầu đường”. Diện tích ngôi nhà gần 20 mét vuông được chia làm 3 gian hẳn hoi, các gian được ngăn bởi tấm bạt. Ngay lối đi vào có kê một tấm ván mỏng, anh Thanh hóm hỉnh “đó là phòng khách”. Bên tay phải lối vào là phòng ngủ và kế đến là gian bếp. “Còn nhà vệ sinh thì sao?”, tôi hỏi. Chỉ tay về phía bên kia con rạch, anh Thanh hài hước: “Ta đi… dưới ngàn sao”.
Cư dân gầm cầu (cầu số 2) tuyến đường Bắc Nam – Nam Sài Gòn
Nhà gồm có 6 người, trong đó 4 thành viên là dân Sài Gòn thứ thiệt. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành và từng chung sống với nhau đã trên 10 lớp nhà như thế. Anh Võ Ngọc Hùng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) là người anh cả về tuổi tác trong gia đình này phân trần: “Em đến đây vào những ngày nước ròng chứ gặp ngày nước lớn thì nền nhà toàn là nước đọng, đi ra đi vào phải mang giày ủng, khổ lắm”.
Bác Hùng, anh Hoàng, anh Thanh thừa nhận rằng họ tìm thấy niềm vui từ công việc. Anh Hoàng bảo: “Bảy năm ở gầm cầu tôi nghiệm ra một điều, thành phố mình thay da đổi thịt, khoảng cách giữa các quận ven, huyện ngoại thành với nội thành được rút ngắn lại cũng có một phần công sức của mình. Nhìn những cây cầu khang trang, sạch đẹp ngày khánh thành, lòng tôi vui lâng lâng khó tả lắm”. |
Giữa trưa nắng, khom người chui vào căn nhà nghe mát rười rượi nhưng khi ngồi dăm bảy phút mới thấy cái nóng hầm hầm bủa vây vì bốn bề không có khe hở để gió lọt vào. Thấy tôi mồ hôi đẫm cả áo, anh Thanh vén tấm bạt ngăn để mong kiếm chút gió. Vừa vén bạt, muỗi bay lên đen kịt. “Ở đây muỗi nhiều lắm, ngủ trong mùng cũng không yên”. Anh Thanh vừa nói vừa đưa tay đập muỗi, chỉ vài cái đập, lòng bàn tay của anh đã dính đầy máu.
Tại chân cầu Phú Mỹ (đầu cầu Nguyễn Thị Thập, quận 7) vẫn còn một dãy nhà trọ dành cho công nhân cầu đường. Dãy nhà nằm sát trụ cầu, nơi khúc rẽ vào khu dân cư. Không ẩm ướt, không bị muỗi quấy rầy song tôi lại ám ảnh bởi cái nóng như thiêu như đốt bốc ra từ chiếc thùng conec (thùng là nhà). Anh Hoàng, người trông coi dãy nhà giãi bày: “Quen như chúng tôi cũng chỉ dám vô nhà nằm vào ban đêm. Người đi đường thấy những cái thùng sạch sẽ, khang trang thế này tưởng chúng tôi sung sướng lắm, nhưng thà chúng tôi che lều bạt ở còn thích hơn chứ ở trong này ngày nóng, đêm thì bị tiếng ồn “khủng bố…””.
Người nối những bờ vui
Rót nước trà mời khách, anh Thanh nói: “Tôi sinh ra ở TP.HCM, 42 tuổi rồi nhưng từ ngày bắt đầu đi làm đến nay đã phải sống dưới gầm cầu thế này. Có khi cả tháng mới được về nhà một lần, về là không muốn đi nữa. Tuy nhà nhỏ, đông người chật chội nhưng dù sao cũng là nhà của mình. Không biết mình phải sống cảnh này cho đến bao giờ?”. Giọng anh Thanh chùng xuống nghe có vị đắng…
Quan sát căn nhà dưới gầm cầu của nhóm anh Thanh, tôi thấy có một chiếc lư hương và dĩa trái cây được đặt trên thùng cac-tông lớn. “Dù thế nào cũng phải có chỗ để hương khói mỗi đêm cho ra không khí gia đình cũng như cầu cho anh em có sức khỏe để làm việc”, anh Thanh chia sẻ. Trên vách ngăn có tấm ảnh đã ngả màu. Thấy tôi nhìn bức ảnh chăm chăm, anh Thanh chồm người lấy bức ảnh, vén vạt áo lau nhẹ. Anh nói giọng đượm buồn: “Đây là ảnh của gia đình tôi, đứa lớn nay học lớp 4, đứa nhỏ 3 tuổi rồi”. Bỗng mặt anh sáng lên: “Còn hơn tuần nữa là được về thăm nhà, hai tháng rồi không về, bà xã khóc hoài, mấy đứa nhỏ thì cứ đòi cha”.
Tiếp xúc với nhóm công nhân lấy gầm cầu làm nhà ở tuyến đường Bắc Nam (Nam Sài Gòn) mới thấy cuộc sống của các anh thiếu thốn trăm bề. “Làm ở các công trình lớn, gần khu dân cư còn có điện, có ti vi để giải trí, không thì chỉ có chiếc radio làm bạn mỗi đêm. Ngày này qua ngày khác, hôm nào đến lượt đi chợ mình thích lắm, giống như người nhà quê được lên phố vậy đó”, bác Hùng, nhóm trưởng cho hay.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)