Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chợ đặc sản ở Sài Gòn: Kỳ 4: “Chợ” của sự đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Xe “độc” luôn là đề tài được nhiều người đề cập tới trong mỗi phiên “chợ”

“Chợ” nằm gọn trong khuôn viên một quán cà phê nhỏ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Không ồn ào, xô bồ, không có cả những tiếng ì xèo theo kiểu chợ búa hằng ngày… “chợ” saigonvechai còn là nơi thư giãn cuối tuần của những người đam mê thú vui hàng “độc”.
Gọi là ve chai, nhưng những ai đã một lần đến với phiên chợ này đều “lác mắt” vì “hàng” ở đây đều thuộc vào “top” những mặt hàng khó kiếm và đắt đỏ. Một chiếc hộp quẹt zippo chỉ nhỉnh hơn bao diêm có giá hàng trăm USD, những chiếc xe máy hiệu Mobylette, Vespa, Lambretta… được sản xuất từ những năm 40-60 của thế kỉ trước đáng giá hàng ngàn USD, hay những chiếc máy ảnh, máy hát, đồng hồ, vật dụng tưởng chừng là… đồ bỏ lại khiến không ít người mê mẩn.
Thú vui hoài niệm
Đến với chợ ve chai vào mỗi buổi sáng chủ nhật, “thượng đế” có thể tìm thấy đủ loại “thượng vàng hạ cám” đã tồn tại một thời trong lịch sử. Điểm khác biệt giữa những món đồ này với hàng ve chai bình thường chính là giá trị lịch sử và lý lịch riêng của nó. Theo các tay chơi hàng “độc”, muốn đánh giá một món hàng phải dựa vào niên đại, số lượng, những thông tin liên quan tới nó, đặc biệt là thông tin về người sở hữu hoặc trao tặng món hàng này. “Hàng” càng lâu năm, số lượng càng ít, chủ sở hữu là những nhân vật “quan trọng” thì “hàng” càng có giá. Anh Dũng Trần – biệt danh “Wespa lang bạt”- trưởng ban quản lý “chợ”, cho biết: Tiền thân ra đời của “chợ” được bắt đầu từ trang web saigonvechai. com. Đến nay, “chợ” đã đi vào hoạt động được hơn 5 năm, là nơi hội tụ của nhiều người có cùng đam mê thú chơi hàng “độc” những năm đầu thế kỉ 20. “Chúng tôi muốn quay lại một nét văn hóa rất riêng của người Sài Gòn với thú vui nhâm nhi cà phê và la cà vào ngày cuối tuần. Sau những ngày làm việc, người ta luôn cần bạn bè để giao lưu, giải trí. Càng thú vị hơn khi họ có cùng chung một sở thích, một niềm đam mê để cùng nhau trò chuyện”, Dũng Trần chia sẻ.
Không giống với những phiên chợ hằng ngày, đặc trưng của saigonvechai là tạo mọi điều kiện cho mọi người trưng bày, trao đổi “hàng hóa” mà không tốn bất kì khoản chi phí nào. Ai cũng có thể chọn bất cứ ngóc ngách nào trong quán để trưng bày. Đây cũng là nơi để những tay chơi thuộc hàng “lão làng” bàn luận, đánh giá nguồn gốc, độ tuổi, giá trị của những món đồ khi chúng xuất hiện trong “chợ”. Nói về thú chơi mặt hàng này, “Wespa lang bạt” cho biết, ngoài mục đích thỏa mãn niềm đam mê của mình, nhiều người chơi còn tìm đến nó để lưu lại một thời kí ức xưa. “Có người mọi giá phải tìm bằng được một chiếc máy đĩa than Victor đời 40 vì gia đình ông trước đây đã từng sở hữu món đồ này. Hay một ông nọ cứ nhất quyết phải tìm được chiếc Lambretta vì trước đây ông từng được ba mình chở trên chiếc xe ấy. Một người khác chơi xe Mobylette vì đây là loại xe trước những năm 1975, nữ sinh Sài Gòn thường đi trên những chiếc xe ấy”, Dũng Trần vui vẻ kể lại. Một tay chơi xe Lambrette cho biết, anh chơi loại xe này vì việc mua một chiếc xe hiện đại đắt tiền ngày nay không thích thú bằng cảm giác lần đầu tiên sau khi ra trường anh gom góp tiền mua sắm từng bộ phận để “chế” thành chiếc xe.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lúc, chủ nhân của những món hàng độc mang hàng đến không phải để “giao dịch” mà còn để thể hiện sự sở hữu món đồ sưu tập đó. Thậm chí, có những món đồ “độc” đến nỗi chỉ những người thân thuộc trong nhóm mới biết với nhau. Đó là những thứ tồn tại trong thời kì chính quyền Pháp, Mĩ ngụy, có ảnh hưởng đến một nhân vật trong lịch sử.
Giàu… không chảnh
Với những món đồ có giá trị như thế, không thể không nói rằng những tay chơi hàng “độc” phần lớn đều thuộc tầng lớp… đại gia. Họ đều là người trong giới kinh doanh, buôn bán bất động sản, ngân hàng có “máu mặt” tại Sài Gòn. Nhưng khác với những kẻ lắm tiền thích thể hiện sự giàu có và “bản lĩnh” của mình, họ xuất hiện trong “trang phục” của những người bình thường, thậm chí có người hơi… kì quái. Ngoài sở thích sưu tầm hàng độc, các thành viên trong chợ còn gắn kết với nhau bởi các hoạt động công tác xã hội. Họ thường phối hợp với sinh viên các trường ĐH, CĐ  tại TP.HCM tổ chức các hoạt động từ thiện cho trẻ em nghèo, trẻ đường phố, trẻ bị nhiễm HIV, người già neo đơn, cơ nhỡ… Cũng có lẽ do ảnh hưởng của thú chơi hàng “độc” nên những chương trình của họ cũng được… ăn theo. Có những chương trình đã thực sự trở thành “thương hiệu” được nhóm tổ chức thường niên vào các dịp lễ tết. Thỉnh thoảng, có những tổ chức kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ thiện, họ cũng sẵn sàng “dốc” hầu bao, hiến tặng các món hàng “độc” của mình mà không cần suy nghĩ, tính toán. Cũng như tiêu chí của “chợ”, những thành viên tham gia các chương trình từ thiện không nhằm mục đích quảng bá, đánh bóng tên tuổi của mình.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Chúng tôi đến đây vì niềm đam mê, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau, chứ không phải để phô trương sự giàu có của mình. Mục tiêu của chúng tôi là trao quà đúng người, đúng hoàn cảnh, không khoa trương, quảng bá. Khi trao đi những món quà đó, chúng tôi vừa liên tưởng tới những đứa con của mình, được ăn no mặc ấm, trong khi có bao đứa trẻ bị thiệt thòi ngoài xã hội. Và trong những đứa trẻ ấy, có hình ảnh một thời của chúng tôi ngày trước”, một thành viên tâm sự.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)