Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi niềm “cây độc”

Tạp Chí Giáo Dục

Mọi phụ nữ đều có mong muốn được làm mẹ sau khi lấy chồng. Ảnh: I.T

Lấy nhau 5 – 10 năm mà vẫn không có con, họ dẫn nhau tới Bệnh viện (BV) Từ Dũ, BV Hùng Vương. Nếu là lỗi tại người chồng thì… xin con nuôi, ngược lại lỗi tại người vợ thì bị coi là “cây độc không trái”. “Cây độc” bị cả gia đình chồng và chồng xa lánh, bỏ rơi…
1. Gặp Như Thủy (Q.8) tại Khoa Hiếm muộn – BV Từ Dũ, không ai nghĩ cô lại có một hoàn cảnh đáng thương như vậy. Trăm sự cũng bởi cô không biết sinh con.
Như Thủy lấy chồng năm 1998 nhưng mãi đến nay không thấy bầu bì gì cả nên bà mẹ chồng bắt cả hai vợ chồng cô phải tới BV Từ Dũ. Tại đây các bác sĩ cho biết, Như Thủy bị tắc ống dẫn trứng. Sau đó cô phải lên bàn mổ để các bác sĩ thông ống dẫn trứng. “Những ngày nằm ở BV, chồng và mẹ chồng đã hết lòng chăm sóc tôi. Khi về nhà, tôi muốn ăn gì họ cũng mua”, Như Thủy nhớ lại. Cứ tưởng số phận rồi sẽ mỉm cười với Như Thủy, nào ngờ… Sau phẫu thuật một năm, hai năm, rồi bốn năm mà cô vẫn không “thấy gì”. Đến lúc này thì bà mẹ chồng không thể chấp nhận được nữa nên thường có những tiếng chì, tiếng bấc với con dâu. Riêng chồng cô, tuy không nói gì nhưng cô biết anh ta đã chán vợ đến tận cổ. Không còn sự lựa chọn nào khác, Như Thủy quyết định ly dị…
Gần một năm nay, Như Thủy quen với Hoàng. Hoàng hơn cô gần 20 tuổi, đã có một đời vợ và hai đứa con gái lớn. Tuy chưa kết hôn nhưng họ sống với nhau như vợ chồng, tuy vậy vẫn “không thấy gì”.
“Cách đây một tháng, tôi đi khám hiếm muộn, bác sĩ cho biết ống dẫn trứng của tôi có dịch. Anh ấy kêu tôi làm phẫu thuật. Cứ tưởng phẫu thuật xong sẽ có con, ai ngờ… Hôm xuất viện, bác sĩ nói tôi đã bị cắt một bên ống dẫn trứng, còn bên kia thì không thấy đâu. Khả năng có con của tôi chỉ còn 10%. Cách tốt nhất là thụ tinh trong ống nghiệm nhưng xác suất thành công chưa tới 50%. Lúc đó tôi chết lặng”, Như Thủy tâm sự.
Lần này cô tới Khoa Hiếm muộn không phải để thụ tinh trong ống nghiệm mà… tái khám. “Tôi vẫn chưa nói với anh Hoàng về việc tôi chỉ còn 10% khả năng có con. Tôi sợ nói ra anh ấy sẽ bỏ. Thôi thì cứ giấu được đến bao giờ thì giấu”, Như Thủy nói.
2. Mai Thi và Hùng lấy nhau đã gần 7 năm nhưng cũng chưa có con. Lúc đầu gia đình nội, ngoại cứ nghĩ vợ chồng Mai Thi kế hoạch vì cả hai vẫn còn trẻ. Sau mấy năm chấp nhận cho vợ chồng Mai Thi “kế hoạch”, hai bên nội ngoại bắt đầu hối vợ chồng cô phải nhanh chóng có con. Thế là vợ chồng Mai Thi phải “chạy” từ Đông y sang Tây y để tìm “thuốc thần” chữa trị hiếm muộn. Cuối cùng họ đành phải dắt nhau tới BV Hùng Vương. Qua thăm khám của bác sĩ, Mai Thi được biết nguyên nhân không có con là do cơ quan sinh sản của cô bị dị dạng. Khả năng có con một cách tự nhiên của Mai Thi là bằng 0…
“Đã nhiều lần tôi nói với ông xã là thụ tinh trong ống nghiệm nhưng anh ấy nói nếu thụ tinh trong ống nghiệm thì chưa chắc đứa trẻ đã là con anh ấy. Còn xin con nuôi thì không chỉ chồng mà cả gia đình chồng cũng không chấp nhận. Có lẽ con đường duy nhất cho tôi đi bây giờ là ly dị chồng”, Mai Thi tâm sự.
3. Mỗi ngày BV Từ Dũ, BV Hùng Vương phải tiếp nhận hàng trăm trường hợp đến nạo phá thai. Trong đó không chỉ có những phụ nữ 30 – 40 tuổi bị vỡ kế hoạch mà có cả những nữ sinh 19 – 20, thậm chí là những cô bé 14 – 15 tuổi. Và cũng tại hai BV phụ sản này, mỗi ngày cũng phải khám và điều trị cho cả trăm cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn. Thật là trớ trêu, người có thì muốn bỏ, người cần thì không có…
Bác sĩ Phan Thị Nga (BV Từ Dũ) cho biết: “Việc nạo phá thai, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên rất dễ để lại những biến chứng về sau, trong đó có nguy cơ hiếm muộn”.
Mọi phụ nữ đều có mong muốn được làm mẹ và ai cũng muốn đứa con đó phải do mình mang nặng đẻ đau sinh ra. Song vì rất nhiều lý do, không ít phụ nữ đã không may mắn được hưởng cái thiên chức làm mẹ mà tạo hóa ban cho họ. Với họ như vậy đã là quá đau khổ, quá tuyệt vọng nhưng rất tiếc có những ông chồng, những bà mẹ chồng đã không hiểu điều đó. Và từ đó đã có những thái độ, cách ứng xử khiến nhiều chị em thiếu may mắn này phải gánh thêm một nỗi đau nữa…
Gia Linh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)