Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bồi dưỡng tiếng Anh cho GV tiểu học: Học viên phấn khởi vì trình độ nâng lên

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn 3 tháng tham gia lớp bồi dưỡng Anh ngữ do Sở GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Sư phạm TP.HCM và Anh văn Hội Việt Mỹ tổ chức, các thầy cô rất phấn khởi vì năng lực ngoại ngữ ngày một nâng lên.
Tạo mọi điều kiện cho GV
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, sau khi nhận được kết quả kỳ sát hạch năng lực với bài thi bao gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết và những kiến thức về ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm của đội ngũ giáo viên (GV) dạy tiếng Anh bậc tiểu học, ban giám hiệu (BGH) các trường chỉ được phép thông báo trực tiếp cho GV dự thi và lưu trong hồ sơ công chức cũng như lưu trong hồ sơ quản lý để xếp lớp dạy cho phù hợp. Kết quả này không được công bố rộng rãi, không lấy tiêu chí điểm chuẩn dự thi để xếp thi đua, không làm cho những GV chưa đạt chuẩn hoang mang, ảnh hưởng đến uy tín của họ. GV nào chưa đạt chuẩn sẽ được tham gia lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực.
“Vấn đề chất lượng dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học đã được ngành GD-ĐT xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là bước khởi đầu thực hiện Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp của TP. Ở bậc học này, GV đóng vai trò chính trong việc truyền tải cho trẻ tiếp cận với nguồn kiến thức đúng đắn, chính xác, đảm bảo chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh. Sau khi nhận danh sách của 48/51 GV tiểu học trên địa bàn huyện (3 GV nghỉ thai sản) tham gia khóa bồi dưỡng, chúng tôi đã tổ chức gặp mặt các thầy cô cũng như chỉ đạo cho BGH từng trường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để GV được tham gia đầy đủ.”. ông Phan Văn Kèo, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết.
Q.Tân Phú có gần 20 trường tiểu học, trong đó số GV tham gia khóa bồi dưỡng Anh ngữ đạt tỷ lệ 50%. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận giải thích: Số GV được tham gia bồi dưỡng là những thầy cô thuộc biên chế của quận, số GV hợp đồng được quận ký với các trung tâm Anh ngữ đã có văn bằng đạt chuẩn. Tâm lý của các GV khi biết mình có tên trong danh sách tham gia lớp bồi dưỡng đều rất phấn khởi. Ngoại trừ một, hai cá nhân vì lý do sức khỏe, gia đình… mới không thể tham gia.
Đối với GV của các trường tiểu học trên địa bàn Q.1, ngoài những hỗ trợ của TP, Phòng GD-ĐT Q.1 còn chỉ đạo BGH các trường hỗ trợ cho các GV về thời gian và kinh phí để thầy cô an tâm tập trung vào việc học. “Còn đối với GV dạy Anh ngữ bậc tiểu học trên địa bàn Q.7 đa số là mới ra trường. Vì vậy, các thầy cô tham gia 100% quân số. Chuyên viên tiếng Anh của Phòng GD-ĐT luôn “đồng hành” cùng các thầy cô, nắm bắt tình hình một cách cụ thể nhằm kịp thời chia sẻ và động viên”, ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT Q.7 khẳng định.
GV phấn khởi

GV tiếng Anh tiểu học Trường TH Nguyễn Văn Trỗi trong giờ dạy

Đa phần GV cho rằng việc khảo sát năng lực rất tích cực bởi qua đó những người đứng lớp có thêm cơ hội tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức mở rộng.
Cô Nguyễn Thị Thúy Liên (dạy Anh văn khối 4 Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4) cho biết: “Tham gia khóa bồi dưỡng, chúng tôi được ôn lại những cấu trúc ngữ pháp cơ bản nhất, cách viết bài luận, thảo luận nhóm… đặc biệt là được học với người bản ngữ, thầy cô rất nhiệt tình và phương pháp sư phạm thì tuyệt vời”. Tuy nhiên, khó khăn mà cô Liên và những học viên khác gặp phải là có ít thời gian để tự học, ôn lại kiến thức trước khi làm bài kiểm tra vì nhiều người phải dạy tiết đầu (học vào sáng thứ 5) nên thường trễ giờ học. Huyện Cần Giờ có 12 GV dạy tiếng Anh tiểu học thì có 11 GV tham gia khóa bồi dưỡng này (1 GV nghỉ thai sản). “Dù cách trở sông nước nhưng các thầy cô vẫn quyết tâm theo học đến cùng. Để GV an tâm, các trường và phòng luôn tìm mọi cách giúp đỡ. Điều đáng mừng, dù khoảng cách đi lại khó khăn nhưng thầy cô của huyện không ai bỏ cuộc. Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, những bài học tại lớp khảo sát được các thầy cô đưa ra trao đổi, thảo luận sôi nổi, sau đó cùng nhau đưa những phương pháp giảng dạy mới áp dụng vào giờ dạy của mình. Đặc biệt, trình độ nghe – nói – đọc và phát âm chuẩn của thầy cô đã được nâng lên đáng kể”, ông Dương Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ chia sẻ.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (GV dạy tiếng Anh tại Q.4), cho biết: “Qua hơn ba tháng theo học, bản thân tôi và các học viên khác rất vui vì trình độ về Anh ngữ được nâng cao rõ rệt! Dù bận việc gia đình, con cái và công việc giảng dạy tại trường nhưng tất cả học viên chúng tôi đều sắp xếp để đến lớp đúng lịch học. Bận gì thì bận, nhưng tất cả chúng tôi đều quyết tâm không bỏ buổi nào, bởi đây là quyền lợi của mỗi người”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP chia sẻ: “GV cần hiểu đúng, hiểu đủ mục đích, ý nghĩa của việc khảo sát và bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Đây là cơ hội tốt để được đánh giá lại trình độ, năng lực của bản thân, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt để phục vụ tốt cho việc giảng dạy. Nội dung bồi dưỡng được truyền đạt đến các thầy cô giáo không đóng khung thụ động tiếp nhận lượng kiến thức mới mà chú ý khuyến khích người được bồi dưỡng tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tự bồi dưỡng năng lực dạy tiếng Anh của mình. Sau khi kiểm tra trình độ, những GV nào chưa đạt chuẩn, vẫn được các cơ sở giáo dục tạo điều kiện để tiếp tục giảng dạy song song với việc bố trí thời gian tiếp tục đi học nâng cao trình độ và dự thi lại cho tới khi được công nhận đạt chuẩn”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)