Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Nhiều chính sách mới cho giáo viên mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Là người quản lý cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa không khỏi trăn trở với những khó khăn, hạn chế của bậc học mầm non (MN) hiện nay. Trước thềm năm học mới 2011-2012, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã chia sẻ cùng Giáo Dục TP.HCM về những tâm tư, nguyện vọng và chủ trương của ngành trong năm học này.

PV: Thưa Thứ trưởng, phổ cập giáo dục MN 5 tuổi là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, để chuẩn bị hành trang cho trẻ bước vào lớp 1. Tuy nhiên, Thứ trưởng nghĩ thế nào khi ở một số nơi, trẻ 5 tuổi vào trường công lập thì trẻ ở lứa tuổi khác bị bật ra ngoài?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Thực tế hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp của cả nước là khá cao (trên 98%). Vấn đề quan trọng là tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến lớp để chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, bên cạnh đó tiếp tục duy trì và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến các cơ sở GDMN dưới nhiều hình thức, đảm bảo số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp công lập không thấp hơn mức hiện có, nhằm tạo sự ổn định trong phát triển giáo dục MN. Nếu thực hiện đề án phổ cập theo giải pháp là ưu tiên tối đa nhận trẻ 5 tuổi vào trường MN công lập, trường nào còn chỉ tiêu mới tuyển sinh trẻ 4 tuổi trở xuống là không đúng với tinh thần của đề án và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Các địa phương cần xây dựng thêm trường, lớp để đáp ứng chăm sóc, giáo dục trẻ các độ tuổi.
Cứ đến đầu năm học, tình trạng phụ huynh xếp hàng xin chỗ học cho con lại tiếp diễn, Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
Nguyên nhân của tình trạng trên là ở các thành phố lớn, dân số cơ học tăng nhanh, số dân nhập cư ngày càng đông, nhưng công tác dự báo về dân số trẻ em phục vụ cho việc mở rộng và phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp còn hạn chế. Nhiều dự án, khu đô thị, nhà cao tầng được cấp đất xây dựng, đã và đang đưa vào sử dụng, nhưng chưa có quỹ đất để xây dựng trường, lớp MN. Mặt khác, sự chênh lệch khá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ giữa trường MN công và tư cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải ở các trường công lập.
Thưa Thứ trưởng, năm học mới đã bắt đầu, năm nay có điểm gì mới so với năm học trước trong việc phát triển GDMN?
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm học 2011-2012 sẽ có một số điểm mới trong phát triển GDMN:
Một là: Năm học này sẽ có điều kiện hơn để mở rộng việc triển khai thực hiện chương trình GDMN mới ở các cơ sở GDMN nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình GDMN mới của các địa phương, ngày 21-7-2011, liên Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đã ký Thông tư số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở GDMN theo quy định. Theo đó, số trẻ em 5 tuổi thuộc 3 đối tượng khó khăn theo quy định được hỗ trợ ăn trưa 120.000 đồng/trẻ/tháng. Các cháu sẽ có điều kiện cùng các bạn khác được ăn bán trú, học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN mới.
Hai là: Đây là năm thứ 2 cả nước triển khai thực hiện Quyết định số 239 của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm học 2011-2012, lần đầu tiên trong phát triển GDMN sẽ kiểm tra công nhận 10 tỉnh đạt chuẩn PCGDMNTNT.
Các cháu sẽ được hưởng lợi từ những cố gắng của các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng mạng lưới trường lớp, phòng học đạt chuẩn quy định tại Điều lệ trường MN; giáo viên tập trung sức lực, trí tuệ nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình GDMN mới.

Giáo viên mầm non làm việc vất vả nhưng thu nhập rất thấp
Ba là: Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách phát triển GDMN giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 thay thế Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển GDMN (giai đoạn 2002-2010) tạo điều kiện để phát triển GDMN trong giai đoạn mới. Quyết định này được ban hành sẽ bao gồm các chính sách đối với trẻ em, đối với giáo viên, đối với cơ sở GDMN và chính sách tài chính cho phát triển GDMN.
Theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đang trong quá trình tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 và mong Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào đầu năm học mới.
Vấn đề đưa giáo viên MN vào biên chế sẽ được thực hiện như thế nào trong năm học này, thưa Thứ trưởng?
Vấn đề biên chế trong năm học là do nhu cầu và điều kiện tại các cơ sở GDMN của địa phương và do địa phương quyết định. Căn cứ vào nghị quyết của tỉnh ủy và hội đồng nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sẽ quyết định chỉ tiêu tuyển dụng, biên chế theo điều kiện, lộ trình của từng địa phương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ; số lượng sẽ từng bước bảo đảm yêu cầu quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2006/TTLT/-BGDĐT-BNV về biên chế giáo viên tại các trường công lập.
Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố rất quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên MN. Theo báo cáo của địa phương, đã có 32 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi loại hình trường MN theo quy định của Luật Giáo dục, 18 tỉnh thành phố khác đang trong quá trình phê duyệt chuyển đổi. Theo đó sẽ tuyển dụng biên chế giáo viên MN làm việc ở các địa bàn khác nhau. Đây là một sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, của các địa phương đối với GDMN. Bộ GD-ĐT tin tưởng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên MN sẽ phát huy tốt trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ để đáp ứng nhu cầu của trẻ em và mong mỏi của các bậc cha mẹ.
Hiện nay có gần 6.000 giáo viên MN đã nhiều năm cống hiến chăm sóc, giáo dục trẻ MN gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng rất tiếc là chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm. Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định quy định hỗ trợ một phần kinh phí cho số cán bộ giáo viên này có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, đảm bảo chế độ khi được nghỉ lao động.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)