Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghị lực sống: Kỳ 3: Hai mảnh ghép của cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Đặng Văn Trường và vợ

Vụ tai nạn lao động khiến chàng thanh niên Đặng Văn Trường bị liệt nửa người, suốt ngày hễ rời chiếc xe ba bánh thì lại ngồi vào xe lăn. Sau những ngày tháng chống chọi với bệnh tật, anh đã học nghề và rất hạnh phúc khi trở thành người hữu ích cho xã hội.

Anh Trường (sinh năm 1977) quê huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc Hà Nội. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình khi chưa kịp lấy bằng tốt nghiệp THPT. Thời gian sau, anh đi học nghề thợ hàn. Có cái nghề trong tay, anh mạnh dạn nộp hồ sơ xin việc ở Công ty Xây dựng Sông Đà 6 và được nhận vào làm việc ở chi nhánh của công ty đặt tại TP.HCM. Anh chỉ làm được một thời gian ngắn, sau đó ra ngoài làm nhiều công việc khác nhau. Rồi một ngày không may đã đến với anh khi anh đang làm việc tại một công trình xây dựng. Do sập giàn giáo, anh Trường rơi từ độ cao hơn hai mét xuống đất bất tỉnh. Khi mọi người đưa anh lên taxi để vào bệnh viện, đang bất tỉnh nhưng khi mọi người xốc anh lên, anh giật thót người và tỉnh dậy. Lúc này, cảm giác của anh như có một âm thanh phát ra từ sau cột sống và như có gai đâm vào lưng mình. Cột sống anh bị gãy, ảnh hưởng nặng đến tủy sống. Anh phải nằm viện điều trị hơn hai năm liền và trải qua nhiều lần phẫu thuật nối xương. Ra viện, mặc dù cố gắng tập vật lý trị liệu nhưng do chấn thương cột sống quá nặng nên anh đã bị liệt nửa người.

Đơn vị nơi anh Trường làm việc và xảy ra tai nạn lúc ấy đã bỏ mặc anh, thậm chí họ cũng không có một lời hỏi thăm sức khỏe, động viên an ủi. Để có tiền điều trị trên dưới 100 triệu đồng, anh phải vay mượn khắp nơi. “Vì tôi làm việc không có hợp đồng lao động, khi xảy ra tai nạn, người sử dụng lao động cũng đã trốn biệt”, anh Trường nói.

Không lâu sau, khi sức khỏe tương đối ổn định, anh Trường may mắn được Tổ chức phi Chính phủ HI cho học nghề may và học nghề làm dụng cụ chỉnh hình. Hiện nay, anh đang làm việc tại Bệnh viện quận 8 với công việc cụ thể là làm ra những ngón tay, bàn tay, chân giả, nẹp xương, cột sống bằng nhiều chất liệu khác nhau. Đây là một công việc không đơn giản, nhất là đối với người tật nguyền như anh. Người làm công việc này đòi hỏi phải có tính kiên trì, bền bỉ, khéo léo, tính chính xác tuyệt đối và hơn hết là lòng yêu nghề. Khi bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, bác sĩ chỉ định bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến xương, cột sống hay các vụ tai nạn lao động xảy ra thì ngay trong ngày, hoặc có khi chỉ trong một vài giờ anh phải làm ra một dụng cụ chỉnh hình hỗ trợ cho bệnh nhân. “Tôi đã từng trải qua những ngày tháng đau đớn, vật vờ nên tôi thấu hiểu nỗi đau của bệnh nhân do các vụ tai nạn lao động. Công việc dù có khó, thức khuya dậy sớm tôi vẫn cố làm”, anh Trường chia sẻ.

Rồi sau đó anh Trường đã tìm thấy một nửa của mình, một cô gái bị sốt bại liệt suốt ngày làm bạn với đôi nạng gỗ. Ngày 2-8-2009, anh đã lập gia đình với một người phụ nữ kém anh hai tuổi, đó là chị Trần Thị Thúy Linh. Chị Linh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đồng Nai. Mẹ chị Linh mất sớm, cha đi bước nữa. Linh sống cùng dì, tuổi thơ của Linh cũng không mấy suông sẻ. 18 tháng tuổi, Linh bị sốt bại liệt, hai chân teo tóp và thân hình co rút lại. Tuy nhiên, Linh có thể đi lại quanh quẩn trong nhà bằng đôi nạng gỗ, còn anh Trường thì không. Đó là điều mà chị Linh cho là “mình còn may mắn”. Hai người quen trong bữa tiệc sinh nhật của một người bạn cùng cảnh ngộ. Họ kể cho nhau nghe chuyện gia đình, những vui buồn trong cuộc sống và tình yêu đã chớm nở. Anh Trường và chị Linh đều cảm nhận trong cuộc đời này họ không thể thiếu nhau, họ quyết định tổ chức đám cưới. Chị Linh tâm sự: “Cả hai đều không có tiền, nhờ bạn bè thương tình, mỗi người cho mượn một ít để làm bữa tiệc nhỏ gọi là ra mắt bạn bè, gia đình”.

Hai mảnh ghép

Sau ngày cưới, người bạn thân của anh Trường đang làm nghề may cảm thông hoàn cảnh của đôi bạn tật nguyền đã cho mượn một chiếc máy may, máy vắt sổ… để chị Linh có thể nhận hàng may gia công tại nhà. Có phương tiện hành nghề rồi, vợ chồng lại thêm lo vì hàng ở đâu mà làm? Ngày anh đi làm, chị Linh tất tả đi tìm nguồn hàng, hôm nào anh nghỉ thì anh chở chị đi. Chị Linh nói: “Thu nhập từ công việc may vá không nhiều, chỉ vài ngàn đồng/chiếc áo, trong khi đó chi phí cho tiền chỉ, điện, đi lại giao nhận hàng… cũng đã ngốn gần hết số tiền ấy. Nhưng có cái nghề, kiếm thêm chút đỉnh tiền như thế là quý lắm”. Nghề may mà chị Linh có được cũng nhờ chị tự mày mò, học lốm chứ chưa hề học qua bất kỳ trường, lớp nào.

Căn nhà trọ mà hai vợ chồng anh Trường, chị Linh thuê sau ngày cưới với giá 600 ngàn đồng/tháng chưa tính điện nước nằm cách khu dân cư Trung Sơn khoảng gần 2km, phải đi qua những khúc cua ngoằn ngoèo, chiều rộng không quá 1,5m luôn bị ngập nước.

Khi anh Trường ra đón tôi vào nhà, anh điều khiển chiếc xe ba bánh chạy trước, qua những đoạn đường mới đổ xà bần lổm chổm, gồ ghề khiến nhiều lúc tôi bị loạng choạng tay lái. Đã thế, nhiều chỗ còn ngập nước nặng chẳng thấy đâu là đường đi. Trên đường đi, chốc chốc anh Trường dùng tay nhấc chân lên rồi lại đặt xuống. Về nhà, tôi thắc mắc chuyện này, anh Trường nói: “Vì liệt nửa người, hai bàn chân hoàn toàn không còn cảm giác, cứ đi một đoạn là hai chân rớt khỏi cái gác chân nên phải dùng tay sửa lại”.

Khi nói về công việc, anh Trường tâm sự: “Đối với người khuyết tật thì việc chọn người chứ người không thể chọn việc. Chúng tôi quyết về chung sống với nhau, tài sản duy nhất của hai người chỉ có hai chiếc xe gắn máy ba bánh và một chiếc xe lăn. Tất cả các vật dụng trong nhà không có giá trị về vật chất nhưng lại có giá trị về mặt tinh thần vì đó đều là của anh em, bạn bè tặng”.

Cật lực làm việc nhưng tổng thu nhập của cả hai vợ chồng không quá 2,5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống gia đình thường xuyên túng thiếu. “Nhiều lúc bệnh cũ tái phát, hai vợ chồng chỉ dám ăn rau, cháo để dành tiền mua thuốc thang”, chị Linh bộc bạch.

Có thể nói, tài sản lớn nhất mà đôi vợ chồng trẻ này có được đó chính là nghị lực của cuộc sống và một tình yêu lớn. Như chị Linh đã nói: “Cái mà chúng tôi có ở nhau đó là sự chia sẻ, đồng cảm”.

Anh Trường và chị Linh là hai mảnh vỡ được ghép lại rất “tròn trịa” bằng nghị lực và tình yêu trong cuộc sống hôm nay.

Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)