Cô Phạm Thị Hương đang dạy các em lớp Sen Vàng đồ từng nét chữ. |
Đó là Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 – nơi mà hàng trăm trẻ em mồ côi, khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ… hàng ngày được các cô nuôi dạy, chăm sóc đến khi các em hồi phục phần nào để trở về với gia đình.
Cái tâm làm nên điều thiện
Năm 1989, thượng tọa Thích Từ Giang đề xuất với chính quyền và Mặt trận Tổ quốc quận 4 xin mở một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật miễn phí, và đó chính là Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 hiện nay. Phí sinh hoạt hàng ngày, tiền lương cho giáo viên, trung tâm đều dựa vào quỹ từ thiện của các nhà hảo tâm, cơ quan Nhà nước…
Hoàn cảnh các em ở đây khá đặc biệt, có em mồ côi cả cha mẹ, nếu có thì gia đình cũng thuộc hàng nghèo khó. Mỗi em mang trong mình những căn bệnh khác nhau, đa phần bị chậm phát triển trí tuệ, kém khả năng vận động, động kinh, suy dinh dưỡng, câm điếc, hội chứng Down…
Sau khi nghe cô Trương Thị Lợi – Phó giám đốc trung tâm giới thiệu các lớp, tôi quyết định vào thăm lớp Sen Vàng do cô Phạm Thị Hương chủ nhiệm. Đây là lớp dạy các em bị bệnh nặng nhất. Vì chậm nắm bắt nên các em được học kỹ năng khéo léo như nhận biết những đồ vật xung quanh là cái gì, con gì, màu gì… hay nhận ra những người xung quanh là bạn, cô giáo, hay người thân. Chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng để các em nhớ được, các cô phải mất một khoảng thời gian rất dài.
Cùng lớp có em bị yếu chi, đi đứng không vững, không tự vệ sinh, không nói được thì học kỹ năng tự lực từ lớp vật lý trị liệu. Các cô phải làm đôi nạng, dìu các em tập đi từng bước, vận động cơ thể để cho xương cứng dần lên. Điển hình như em Lưu Quốc Vinh bị chậm trí, yếu chi và không nói được. Trước khi vào đây, em không thể tự vệ sinh, múc thức ăn, còn việc cử động thì vô cùng khó khăn. Đến trung tâm, thời gian sau em đã có thể tự vệ sinh cá nhân và bây giờ ăn nói đã rành rọt hơn.
Không thuộc lớp Sen Vàng là những em bị chậm trí, câm điếc… học các kỹ năng vận động hoặc được học nghề như thêu, đính hạt cườm, may túi, ví, làm chổi… Sản phẩm làm ra tuy không đẹp, nhưng nó góp phần rất lớn trong việc giúp các em nhận biết mình có thể làm được nhiều việc có ích.
Cảm hóa bằng tình thương
Hiện nay, trung tâm có 80 em với 16 giáo viên, với mức lương 900.000 đồng/ tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng bằng tình yêu thương, cái tâm với nghề, các cô giáo đã tìm đến trung tâm và gắn bó nhiều năm tại đây. Các cô muốn giúp học sinh của mình phần nào hồi phục sức khỏe, trí tuệ để các em trở về với gia đình, hòa nhập vào xã hội và thêm tin yêu cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Vui tâm sự: “Đã có lúc tôi muốn rời bỏ trung tâm bởi các em bị thiểu năng hoạt động, nước dãi cứ chảy, toàn thân lúc nào cũng có mùi tanh. Nhiều khi đang ngủ trưa, bỗng có em vào xốc áo, giật tóc, rồi áp sát mặt vào mặt tôi cười the thé khiến tôi sợ đến kinh hồn. Thế nhưng, nhờ sự động viên, khích lệ của các đồng nghiệp, tôi quen dần và cảm thấy thương các em hơn”.
Còn cô Phạm Thị Hường chia sẻ: “Khi em nào nổi cáu, mình dỗ không được đành phải cho quà, nhưng sau đó thu lại ngay để các em biết rằng ai có lỗi sẽ không được nhận quà. Đây gọi là kỹ năng đạo đức. Phải như vậy, nếu không thì các em hỏng hết”.
Nhiều em sau khi “tốt nghiệp” đã quay lại thăm trường bằng những món quà kỷ niệm, hay những phần bánh dành cho các em lứa sau. Trung tâm cảm thấy vui mừng khi các em có thể hòa nhập vào xã hội, phụ giúp cho gia đình, tự nuôi sống bản thân mình. “Em Nguyễn Ngọc Lộc, trước kia bị chậm phát triển trí tuệ, sau 10 năm học ở trung tâm, đã có thể xin vào phụ việc cho một trung tâm học nghề. Giờ đây, em đã tự nuôi sống bản thân bằng nghề sửa xe máy” – thầy Bùi Tấn Hiếu cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Việc dạy các em không chỉ vài lần hay vài tuần là có kết quả, mà cần phải có thời gian và nhiều tâm huyết. Kiên trì thôi chưa đủ, các cô còn phải hiểu rõ tâm lý các em. Nhiều em tính cách thất thường, nóng nảy, dỗi hờn lúc nào không hay. Lúc này, giáo viên phải biết hòa mình theo tính tình của các em. |
Bình luận (0)