Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làng đại học trên cánh đồng nước nổi

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ấp Thầy Ký trên đường đến trường

Ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cách TP.Cần Thơ hơn 80km là một ấp thuần nông như bao nhiêu ấp khác. Nhưng ở ấp Thầy Ký có một cái khác đó chính là sự vươn lên mạnh mẽ của tinh thần hiếu học. Từ tinh thần đó đã tạo nên rất nhiều đổi thay cho nơi đây. Mỗi khi có một khách lạ qua ấp, người dân ở vùng đất này đều tự hào khoe rằng đây là “Làng đại học trên cánh đồng nước nổi”…
Cái tên “cánh đồng nước nổi” được ra đời cách đây hơn mười lăm năm về trước. Vì thời điểm ấy, nơi đây là một mảnh đất còn hoang hóa đầy lau sậy, rắn rết, muỗi mòng… Mùa nắng thì khô hạn nhưng mùa mưa thì nước nổi đầy đồng. Mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa theo mùa nước nổi nhưng khi thu hoạch thì tùy thuộc vào… thời tiết. Vì vậy chuyện đói lên đói xuống xem như một căn bệnh trầm kha đeo đuổi dai dẳng người dân nơi đây. Mãi cho đến khi Nhà nước đầu tư nạo vét con kênh đào Cái Sắn làm dòng chảy tiêu thoát nước cho cánh đồng thì người dân ở “cánh đồng nước nổi” mới qua hết cơn bĩ cực.
Khi cuộc sống đã tương đối ổn định, cái ăn cái mặc đã tạm được thì bà con nơi đây lại nghĩ đến chuyện học hành của con cái. Không ai bảo ai nhưng mỗi nhà đều nhận thấy sự cần thiết của chuyện học hành. Ông Nguyễn Văn Cầu, nhà ở ấp Thầy Ký có con trai đang học đại học tại TP.HCM nói: “Tôi có 2 con trai, nhà chỉ có vài công ruộng, nếu chúng không học, lớn lên chia ra mỗi đứa được 2-3 công thì làm sao sống nổi. Mình suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng cũng chẳng bằng ai. Thôi thì cố gắng lo cho con học hành để cho nó cái nghề mà sống”.
Hầu như bà con ở ấp Thầy Ký đều có một suy nghĩ như ông Cầu nên việc học của con em họ luôn được đặt lên hàng đầu. Từ đầu kênh đến cuối kênh có hơn 3.000m nhưng học sinh đi học rất khó khăn vì đường sình trơn trợt vào mùa mưa. Nhiều em té ngã, khóc tức tưởi vì tập sách lấm lem. Thế là bà con trong ấp đã cùng nhau tiết kiệm cái ăn, cái mặc để làm đường cho con em đi học dễ dàng. Năm 2002, tuyến đường nhựa rộng 4m, dài hơn 3 cây số từ Quốc lộ 91 vào đến cuối ấp được hoàn thành do kinh phí của Nhà nước và nhân dân đóng góp. Khi chuyện học được đặt lên hàng đầu thì dường như các công trình của địa phương đều phục vụ cho mục đích ấy. Để xóa bỏ những chiếc cầu tre lắt lẻo vắt qua hai bờ kênh luôn gây nguy hiểm cho học sinh, bà con lại gom góp tiền xây dựng 6 cây cầu bê tông để cho con em đi học dễ dàng. Năm 2008, tuyến đường ven kênh còn lại cũng được bê tông hóa bằng nguồn kinh phí tiết kiệm của người dân nơi đây.
Sự thay da đổi thịt của vùng quê còn là công đóng góp của những người con thành đạt trở về để trả ơn cha mẹ một thời khốn khó nuôi họ ăn học. Đó là ông Nguyễn Văn Đàm, phải đi đào đất thuê để nuôi 7 người con tốt nghiệp thạc sĩ, đại học để trở thành những bác sĩ, kỹ sư. Hay ông Đặng Văn Hỡi, ông Nguyễn Văn Hưởng phải bán đất, bán nhà nuôi con học đại học. Rồi ông Nguyễn Văn Sa dù bản thân bị tật nguyền, nhà đất ít nhưng vẫn vượt qua bao khó khăn nuôi 2 con học đại học, giờ một người lại tiếp tục học lên thạc sĩ… Ông Nguyễn Văn Cầu hãnh diện cho hay: “Gần như mỗi gia đình ở ấp Thầy Ký này đều có con học đại học”. Chuyện cho con vào đại học như một phong trào bởi nó được hình thành từ sự vượt khó, ý chí quyết tâm.
Vượt qua khó khăn để thành đạt là một niềm đáng tự hào của con em ấp Thầy Ký. Điều này không chỉ góp phần làm đẹp quê hương, họ còn góp sức mình để xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh hơn bằng những kiến thức mà cha mẹ đã phải cố gắng rất nhiều để cho họ ăn học.
Theo thống kê của Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh, toàn ấp Thầy Ký có 2.261 người, trong đó có 243 người là sinh viên, chiếm 10,7% dân số (tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ lệ bình quân sinh viên trong cả nước theo thống kê của Bộ GD-ĐT). Hiện ấp Thầy Ký có 185 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 1 luật sư, 6 bác sĩ, 42 kỹ sư các ngành, 72 giáo viên… Tính bình quân, mỗi hộ ở ấp Thầy Ký có 1,02 người là sinh viên. Đây là một con số đáng tự hào của một vùng quê trước đây được mệnh danh là đồng bưng nước nổi.
Thái Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)