Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Anh lính “lập dị” làm nên điều kỳ diệu

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng ý chí mãnh liệt, Thăng đã làm nên điều kỳ diệu cho đời mình!

Thăng bỏ học từ rất sớm, mưu sinh bằng đủ nghề rồi nhập ngũ. Trong quân đội, Thăng học bổ túc văn hóa rồi lấy bằng tú tài. Từ anh lính nhà quê, Thăng trở thành SV ĐH Luật. Tháng 9-2008 Thăng tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại khá…
Một chàng trai… thất học
Như bao trai làng, học chưa hết cấp II, cậu bé Trần Văn Thăng (Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) bỏ học để đi biển. Mười mấy tuổi Thăng đã xuống biển kéo rùng, một công việc nặng nhọc nhưng quá đỗi bình thường với người dân nơi đây. Cũng như mấy anh, Thăng học nghề đi biển với ông nội. Khi bố làm nghề đóng thuyền, Thăng theo bố học nghề. Kéo rùng, đi biển, thợ thuyền… những công việc nặng nhọc quá sức đối với cậu bé mới lớn như Thăng. Và Thăng ý thức được mình phải… lên bờ, phải tìm lấy cái nghề trên bờ mà sống, không thể bám biển mãi, rồi đời mình như bọt biển mà thôi! Lúc mẹ đổ bệnh, chàng trai của biển thay mẹ làm mắm – vốn là nghề gia truyền của gia đình. Nhờ cái duyên buôn bán, nhờ cái tính chịu thương chịu khó, nhờ cái nết hiền lành của chàng trai quê miền biển nên Thăng đã kiếm ra tiền từ công việc này.
Đến khi có bạn gái, Thăng lại toan tính cho tương lai. “Bạn gái học nghề trang điểm cô dâu, mình học nghề cắt tóc. Sau này thành vợ thành chồng, vợ trang điểm cô dâu, chồng cắt tóc cũng hay đấy chứ!”. Nghĩ rồi, Thăng bắt xe xuống thành phố Thanh Hóa học nghề cắt tóc. Chỉ sau 3 tuần học nghề, Thăng “tốt nghiệp”. Về làng, Thăng mở tiệm cắt tóc. Nhờ sáng dạ, khéo tay, khéo ăn nói, tiệm cắt tóc của chàng trai lúc nào cũng đông khách. Nhưng rồi, chia tay với bạn gái cũng là lúc Thăng “chia tay” với nghề cắt tóc. Buồn tình, Thăng chuyển sang học nghề thợ may. Người ta học nghề này 3 tháng chưa vững, Thăng học 45 ngày đã thành thạo, ra nghề. Là thợ may, Thăng thấy khách hàng có nhu cầu nhuộm quần áo, thế là anh tự học lóm nghề thợ nhuộm.
So với thời lam lũ ở biển khơi, lúc này Thăng đã kiếm tiền dễ hơn nhưng anh nhận ra làng quê quá bé nhỏ, chật chội, nghèo khó. Thăng ý thức rằng mình phải học, chỉ có học mới giúp anh thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại. Ý thức vậy nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bởi lúc này Thăng đã 21 tuổi và chưa có nổi tấm bằng cấp II. Thăng quyết định nhập ngũ…
Một người lính… ham học
Tháng 2-2000 Thăng trở thành quân nhân Đoàn 861 Đặc công Hải quân, đóng tại xã Trung Hà, Thủy Nguyên, Hải Phòng rồi anh chuyển đơn vị về Đoàn 679 Đoàn Tên lửa Hải quân. Thăng ý thức rất rõ rằng muốn thay đổi cuộc đời, mình phải học nên ngay những ngày đầu nhập ngũ anh tìm mọi cách để nối lại việc học. Thăng kể: “Theo hướng dẫn của một em học sinh, tôi tìm đến TTGDTX ở gần đơn vị và xin học. Sau nhiều lần tới lui tôi cũng được nhận vào học. Tôi làm quen với mấy em học sinh để mượn tập về tự học. Rồi tôi làm quen với một thầy giáo để nhờ dạy thêm. Năm 2000, tôi lấy bằng cấp II”. Từ ngày 10-4-2001 đến 12-2001, Thăng là học viên lái xe ô tô quân sự tại Trường Trung cấp Kỹ thuật xe máy quân đội, tại thị xã Sơn Tây, Hà Tây. Rồi Thăng được cấp trên điều về công tác tại Tiểu đoàn 45 Cục Hậu cần Hải quân (D45) cho đến 5-2004.
Theo nguyện vọng của Thăng, cấp trên cho anh học bổ túc ban đêm. Đây là giai đoạn thử thách gian nan nhất đời Thăng. Anh cho biết: “Mình học cốt để thi vào ĐH. Nếu chỉ học chương trình bổ túc làm sao đủ kiến thức đi thi? Đơn vị cho đi học nhưng quản lý về mặt thời gian. Mình muốn tranh thủ học thêm để lấy kiến thức đi thi thì phải vi phạm quy định thời gian, giờ giấc. Thế là bị kỉ luật, làm kiểm điểm”. Đây là khoảng thời gian Thăng bị cô lập dần, anh cảm thấy cô đơn, dằn vặt. Nhiều đồng đội của anh không tin vào việc học của anh. Họ không tin anh lấy được bằng tú tài đừng nói gì đến việc vào ĐH. Vì thế, họ giễu cợt Thăng. Cứ thế, Thăng lao tâm lao lực nhiều quá, vừa phải học tập nhiều lại vừa đối diện với sự chế giễu, đàm tiếu của đồng đội khiến anh đổ bệnh. Anh nhập viện không biết bao nhiêu lần, người gầy như con mắm. Ngay cả những đồng đội vốn là đồng hương của Thăng cũng ngày càng xa lánh. Bởi theo họ, anh có biểu hiện của người mắc chứng tâm thần vì muốn thi vào ĐH! Thăng rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng. Một khi đồng đội không thích Thăng đi học, họ luôn báo cáo lên cấp trên mỗi khi anh vi phạm quy định, chủ yếu là vi phạm về thời gian, giờ giấc vì Thăng trốn đơn vị đi học. Thăng cho biết: “Bản kiểm điểm của tôi nhiều lắm, mới viết hôm trước, hôm sau đã lại… kiểm điểm. Thủ trưởng nói “Đồng chí hứa nhưng không giữ lời hứa”. Tôi thưa “Thưa thủ trưởng, nếu em làm đúng lời hứa trong bản kiểm điểm thì làm sao em học tập, làm sao em có kiến thức phục vụ quân đội”. Tôi cố gắng hết mức nhưng vẫn vi phạm nghiêm trọng về giờ giấc nhưng rồi mấy sếp hiểu nên thông cảm. Thủ trưởng đơn vị chỉ giơ cao đánh khẽ”. Thăng tìm mọi cách để nâng cao kiến thức, bởi vốn kiến thức chương trình bổ túc văn hóa không đủ để thi ĐH, không đủ chọi lại những sĩ tử trẻ tuổi được học chính quy, học trường chuyên, học thêm, học kèm. Thăng tìm đọc các sách nâng cao, tầm sư học… chữ. Tôi hỏi: “Lúc nhỏ bỏ học sớm, khi nhập ngũ đã lớn tuổi rồi sao lại tìm mọi cách để học?”. Thăng giải thích: “Khi ấy tôi còn quá nhỏ để ý thức việc học. Cũng may, ngay từ rất nhỏ mỗi lần đọc sách, tôi rất thần tượng các nhân vật lịch sử. Tôi mơ mình cũng làm được điều có ích cho cộng đồng như họ. Tôi đọc say sưa, thuộc làu làu, đến nay vẫn nhớ rõ về những nhân vật này. Đến khi bươn chải ngoài đời, ý thức thoát ra khỏi cuộc sống nghèo khó, chật chội tôi mới nghĩ đến việc học. Chỉ có học mới giúp tôi thực hiện giấc mơ thuở nhỏ như các anh hùng dân tộc. Điều này tự tôi trải nghiệm, nhận ra. Lúc nhỏ đâu có ai chỉ cho tôi? Cái nghèo, đói cũng là nguyên nhân đánh bật tôi ra khỏi trường học. Lúc đó nhà tôi hầu như không có cơm ăn, chỉ toàn bột sắn khuấy thành hồ loãng để ăn”.
Năm 2003, sau khi lấy bằng tú tài, Thăng thi vào ĐH Luật. Với 15 điểm có được chưa đủ để anh bước vào giảng đường đại học. Thay vào đó, rớt ĐH là “đề tài” để nhiều đồng đội anh giễu cợt, bêu riếu. Thăng tự đánh giá: “Với một học viên bổ túc, lần thi ĐH đầu tiên có được 15 điểm đã là thành công. Tuy vậy, với nhiều đồng đội, họ lấy việc tôi rớt ĐH làm hả hê lắm”. Không nản chí, không cay cú, vẫn trong quân ngũ, Thăng quyết tâm ôn tập để vào ĐH. Nhưng tình hình thực tế ngày càng bất lợi cho dự định thi ĐH của Thăng. Tháng 5-2004 Thăng xin xuất ngũ với lý do ra quân để thi đại học. Thăng đăng ký thi vào ĐH Luật TP.HCM và đã xuất sắc vượt qua kỳ thi cam go này. Ngày 14-9-2004, Thăng chính thức trở thành sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, giấc mơ đã trở thành sự thật.
Một chàng sinh viên… chịu khó
Dù đã qua thời cái đói vây quanh nhưng gia đình cũng không thể chu cấp cho Thăng ăn học. Thăng phải lăn lộn kiếm tiền, tự lo cho mình. Thăng từng là gia sư, thậm chí đã từng chạy xe ôm để kiếm tiền… Tuy phải lo toan cơm áo đèn sách nhưng Thăng tham gia nhiều CLB, nhiệt tình trong công tác xã hội của trường. Nói đến Thăng, Trần Hữu Huy – một cựu SV Trường ĐHKHXH-NV, từng có thời gian dài sống chung với Thăng nhận xét: “Anh Thăng là người tử tế, khôn khéo, nhiệt tình với bạn bè và có trách nhiệm xã hội. Một người có ý chí tuyệt vời. Bằng cố gắng, anh ấy đã đi trên đôi chân mình vào ĐH”. 4 năm ĐH của Thăng không có những điểm chói sáng nhưng đủ để anh lấy bằng cử nhân đúng thời hạn – điều mà nhiều SV trẻ tuổi, được học chính quy thời phổ thông không làm được. Tháng 9-2008, Thăng tốt nghiệp ĐH với tấm bằng cử nhân – mốc son chói sáng của đời anh!
Một công dân… có trách nhiệm
“Nhiều lúc anh em nhậu nhẹt, bài bạc để giải trí, tôi lại ôm sách lên lầu để… học lén. Thấy ánh đèn sáng, nhiều người chửi đổng cho rằng tôi là thằng hâm, thằng rồ, hoang tưởng” – Thăng cho biết.
Cầm trong tay tấm bằng cử nhân luật và với kinh nghiệm xã hội, sự từng trải của một quân nhân chuyên nghiệp, Thăng nhận được lời mời về làm việc ở ngành tư pháp một số tỉnh. Tuy vậy, Thăng chọn làm việc tại VPLS ở TP.HCM để học hỏi thêm kinh nghiệm và chờ thời cơ thi vào TAND TP.HCM. Theo Thăng, ở lại TP.HCM công tác sẽ có điều kiện học thêm nhiều hơn. Nhưng, tiếng gọi của trách nhiệm lại lên tiếng. Khi biết tin Tòa án Quân khu 5 ở Quy Nhơn, Bình Định tuyển luật sư, Thăng suy nghĩ rất nhiều. Và anh quyết định mình phải có trách nhiệm với quân đội, nơi đã giúp mình có ngày hôm nay. Thăng liên hệ và được đơn vị tuyển luật sư của QK5 chấp nhận. Nếu không có gì thay đổi, anh sẽ chuyển về công tác tại Tòa án QK5 trong thời gian tới.
Công Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)