Ngày 9-6, thảo luận tại Hội trường về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 (đề án), ý kiến các đại biểu Quốc hội đều đánh giá nổi bật về ý nghĩa xã hội to lớn của đề án đồng thời khẳng định quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Đại đa số các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành cao đối với nội dung của đề án và tờ trình của Chính phủ về đề án; cho rằng đề án được xây dựng khá công phu, có cơ sở khoa học và có tính thực tiễn cao, các số liệu minh chứng rất rõ ràng và cụ thể. Việc đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Khắc phục nhiều hạn chế, bất cập về cơ chế tài chính trong giáo dục hiện nay
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, 8 nội dung đổi mới của đề án sẽ khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về tài chính trong giáo dục hiện nay, như hạn chế về mức chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp so với nhu cầu rất lớn của ngành; định mức phân bổ ngân sách cho giáo dục chưa gắn chặt với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo; chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học…
Các đại biểu nhận định, việc đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục là bước đột phá trong xây dựng cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với thực tiễn hiện nay của ngành giáo dục.
Đại biểu Huỳnh Văn Toàn (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác nêu vấn đề, với nguồn ngân sách cấp hàng năm còn hạn hẹp (bình quân 3,7 triệu đồng/sinh viên đại học/năm 2006) và mức thu học phí rất thấp, cố định nhiều năm qua (1,8 triệu đồng/sinh viên/năm), các cơ sở giáo dục không có đủ nguồn lực để bổ sung thu nhập cho giáo viên khi thực hiện chính sách tăng lương và tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Qua đó đã tạo áp lực rất lớn buộc các trường phải nâng tỷ lệ sinh viên/giảng viên, cộng với cơ sở vật chất không được đầu tư… điều này đi ngược với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đặt vấn đề, nếu không có sự đổi mới về cơ chế tài chính, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục.
Hơn thế nữa, nhiều đại biểu cũng nhận thấy chính sách tích cực của đề án trong việc miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên cũng như chính sách cho sinh viên vay để đi học.
Xây dựng chính sách học phí phù hợp hơn đối với từng bậc đào tạo nghề nghiệp
Nhiều đại biểu tán thành với chính sách học phí như đề án đưa ra. Đặc biệt đối với giáo dục mầm non và phổ thông, học phí được xây dựng trên nguyên tắc học phí và các khoản chi cần thiết khác cho con em đi học không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình, học sinh thuộc diện chính sách, hộ nghèo được miễn học phí… Quy định như vậy là hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Tuy nhiên về vấn đề học phí đối với từng bậc học trong đào tạo nghề nghiệp (dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học), một số đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo đề án cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách học phí phù hợp hơn.
Theo đại biểu Vũ Thị Thu Hà (Hưng Yên) và một số đại biểu khác, học phí giữa các bậc học: đào tạo nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng được xây dựng theo như đề án hiện nay còn cao, chênh lệch học phí giữa các bậc này không lớn, vì vậy sẽ làm hạn chế việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cũng như việc khuyến khích học nghề.
Trong phiên họp chiều 9-6, với đa số đại biểu tán thành (83,98%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 469.606 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2007 sang năm 2008 là 88.821 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước (không bao gồm 26.018 tỷ đồng chênh lệch thu lớn hơn chi của ngân sách địa phương) là 64.567 tỷ đồng, bằng 5,64% GDP.
Theo chinh phu.vn
Bình luận (0)