Tràn ngập thực phẩm biến đổi gene |
“Lâu nay, chúng ta ăn thực phẩm biến đổi gene mà không biết”, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM đã khẳng định như vậy tại buổi góp ý về Luật An toàn thực phẩm được tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Ra chợ là gặp thực phẩm biến đổi gene
Thực tế, chúng ta có thể bắt gặp những củ khoai tây, những trái bắp, quả cà chua, bầu bí… to gấp 2-3 lần so với bình thường ở bất kỳ nơi đâu. Và những sản phẩm này thường có quanh năm chứ không theo mùa vụ như trước đây. Theo các nhà khoa học, phần lớn những sản phẩm này là thực phẩm biến đổi gene (Genetically Modified Organism – GMO).
Khảo sát mới nhất về sự có mặt của GMO trong nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm đã qua chế biến đang lưu hành trên thị trường TP.HCM của kỹ sư Trần Thị Mỹ Hiền (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3) cho thấy, trong số 323 mẫu thử nghiệm lấy tại 17 chợ, siêu thị có 111 mẫu chứa hàm lượng biến đổi gene. Trong đó có 45 mẫu bắp (chiếm 40,54%), 29 mẫu đậu nành (chiếm 26,13%), 15 mẫu khoai tây (chiếm 13,51%), 10 mẫu cà chua (chiếm 9,01%)… Điều đáng lo ngại là có tới 7/15 mẫu khoai tây biến đổi gene EH 92-527-1 (chiếm 58,33%), dòng khoai tây này không sử dụng làm thực phẩm truyền thống mà dùng cho mục đích công nghiệp. Cũng theo nhận định của kỹ sư Mỹ Hiền, GMO có mặt trong nhiều loại sản phẩm; từ hạt giống, nguyên liệu đến sản phẩm đã qua chế biến.
Không chỉ các loại rau củ quả mà ngay cả gạo (một loại lương thực không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam) và các sản phẩm làm từ gạo tràn ngập trên thị trường cũng bị biến đổi gene.
Bác sĩ Trần Văn Ký – phụ trách an toàn thực phẩm phía Nam – Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm VN cho biết: “Những công trình nghiên cứu tác hại của GMO vẫn chưa có câu trả lời, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục phần việc của mình. Thực tế cho thấy, một sinh vật có sự biến đổi gene sẽ tạo ra trong nó những chuyển biến bất thường. Sự bất thường này trong lương thực như bắp, khoai, lúa… sẽ cho năng suất cao hơn, nhưng trong cơ thể động vật và con người thì sự biến đổi gene hay có gene bất thường đồng nghĩa với việc cơ thể đó có thể mang bệnh ung thư hay các bệnh nan y khác”.
Phải cho người tiêu dùng biết đó là sản phẩm GMO
Khi dân số càng tăng thì đất dành cho sản xuất nông nghiệp càng bị thu hẹp. Do đó, việc ứng dụng công nghệ biến đổi gene vào nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân là rất cần thiết. Nhưng vì mức độ an toàn của những sản phẩm biến đổi gene vẫn chưa có kết luận chính thức nên người tiêu dùng còn khá hoang mang.
Trước đó, tháng 8-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene và các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gene. Theo đó, quy chế cho phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sinh vật biến đổi gene hoặc những sản phẩm biến đổi gene đã được cấp giấy chứng nhận an toàn, nhưng trên nhãn phải ghi rõ: “Sản phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gene”. Thế mà, sau 5 năm quy chế này có hiệu lực, rất nhiều nhà sản xuất vẫn “cố tình” quên ghi đầy đủ thông tin lên nhãn khi cho sản phẩm lưu thông trên thị trường.
BS. Trần Văn Ký đưa ra dẫn chứng, trước đây, sản phẩm biến đổi gene bệnh bò điên đã được phát hiện ở Anh. Nguyên nhân bò bị điên là do cơ thể xuất hiện một gene bất thường, người ăn thịt bò điên có nguy cơ bị điên khá cao. Do vậy, vài năm trước đây, các nước châu Âu đã tiêu hủy hàng loạt bò và thịt bò nghi là bò điên. “Tất cả những gì biến đổi gene đều liên quan chặt chẽ đến sức khỏe và bệnh tật của con người. Một khi chưa có bằng chứng thuyết phục là GMO hoàn toàn vô hại với con người, chúng ta không nên tung ra thị trường, hoặc phải cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng một loại GMO nào đó”, BS Ký kiến nghị.
Bài, ảnh: Minh Anh
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng, việc ghi nhãn đối với GMO khi sản phẩm lưu hành trên thị trường là rất cần thiết. Việt Nam cần có một cơ quan nhà nước chuyên theo dõi ảnh hưởng lâu dài của các loại thực phẩm này đến sức khỏe con người. Còn theo kỹ sư Trịnh Thị Mỹ Hiền thì tại Philippines, bất kỳ sản phẩm GMO nào lưu hành trên thị trường đều phải có sự cho phép của Bộ Nông nghiệp. Một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia đã thành lập Ban An toàn sinh học quốc gia và thiết lập hệ thống hướng dẫn đánh giá rủi ro, an toàn sinh học đối với GMO… |
Bình luận (0)