Theo ông Lê Tùng Cương, phụ trách công tác nghiệp vụ Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh, nguyên nhân chính khiến thư viện các trường không đạt chuẩn hoặc những danh hiệu thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc là do cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu. Để được công nhận đạt chuẩn, thư viện phải có diện tích từ 50m2 trở lên; còn thư viện tiên tiến phải có diện tích từ 80m2 trở lên và thư viện xuất sắc thì phải từ 100m2 trở lên. Ở nhiều điểm trường vùng ven, cơ sở vật chất thiếu thốn, khó mà có được những thư viện đạt tiêu chí như thế.
Thư viện Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2, huyện Vĩnh Thạnh, chỉ khoảng 40m2, phòng đọc và kho chứa sách “nằm” chung với nhau. Vì vậy, dù thư viện có nhiều đầu sách nhưng không thể bố trí phòng đọc thoải mái cho học sinh vào đọc. Thầy Đoàn Ngọc Nghiễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2, giải thích: “Thư viện của trường được cất bằng cây tôn cũ, tận dụng lại từ các phòng học xuống cấp được dỡ bỏ, giờ đã mục, cũ, ẩm thấp và tối. Do đó, việc sắp xếp, bảo quản sách rất khó khăn. Trường cũng dự định lấy một phòng học làm thư viện để xây dựng thư viện đạt chuẩn nhưng như vậy thì sẽ có 1 lớp phải học tại thư viện cũ này”.
Trước đây, hầu như không có công trình xây dựng trường học nào chú ý xây dựng thư viện riêng mà hầu hết đều tính thư viện là phòng chức năng, có diện tích cũng tương đương như phòng học. Trong khi đó, yêu cầu của thư viện là phải có phòng đọc riêng và kho chứa sách riêng. Không ít trường khi sử dụng phòng học làm thư viện, phải cải tạo lại, khá tốn kém.
Ngoài ra, các trường vùng ven cũng gặp khó khăn khi thiếu giáo viên thư viện. Ông Lê Tùng Cương cho biết: “Toàn huyện chưa có một cán bộ thư viện nào có trình độ nghiệp vụ thư viện dù chỉ là sơ cấp. Chúng tôi nhiều lần xin mở lớp sơ cấp hay trung cấp thư viện tại chức để giáo viên nâng cao nghiệp vụ nhưng chưa được đồng ý”. Thiếu cán bộ nghiệp vụ, công tác thư viện ở nhiều trường đôi lúc gặp ách tắc.
Thái Hải
Bình luận (0)