(Nhân đọc bài “Thầy cô không nên dùng bạo lực với học sinh”, Báo Giáo Dục TP.HCM 30-7-2008)
Tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả Nguyễn Thanh Dũng khi cho rằng thầy cô không nên dùng bạo lực với học sinh (HS). Chúng ta hãy yêu thương học trò như chính con em của mình vậy! Chỉ có tình thương yêu mới tạo nên tình cảm chân thành, sâu sắc giữa thầy và trò. Có khi, HS không đam mê môn học nhưng vì các em mến phục thầy cô mà cố gắng nỗ lực trong học tập. Ngược lại, có không ít trường hợp bản thân các em đam mê môn học nào đó nhưng vì gặp phải thầy cô giáo không biết quan tâm, chia sẻ, cảm thông, gần gũi học trò, thậm chí cáu gắt, đối xử thô bạo, kiêu căng khiến các em chán học, buông xuôi. Thời gian qua, nhiều trường hợp giáo viên đối xử thô bạo với học trò, kể cả hành hạ các em về thể chất lẫn “khủng bố” tinh thần. Nếu chịu khó lật lại chồng báo cũ, chúng ta không khó tìm những câu chuyện đau lòng về cách hành xử phản giáo dục của một bộ phận giáo viên. Rõ ràng, các thầy cô giáo ấy đã rũ bỏ hết những gì được học ở trường sư phạm về tâm lí lứa tuổi, về giáo dục học, về tình yêu thương học trò… mà cư xử như những người kém hiểu biết, nông nổi vì nóng tính. Chúng ta đã từng lên án tệ nạn HS hành hung thầy cô giáo thì chắc cũng khó mà tha thứ cho việc thầy cô giáo dùng bạo lực hành hung HS. Bởi lẽ, có thể tha thứ cho sự nông nổi của lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới của các em khi phạm lỗi với thầy cô, nhưng không thể nào biện minh cho hành vi thô bạo của những người thầy được trang bị kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Là một giáo viên trẻ, tôi thật sự bức xúc trước thực trạng tồi tệ ấy. Tôi cũng không lấy gì làm đồng tình trong cách xưng hô “mày, tao” của một số thầy cô đối với HS. Thiết nghĩ, người thầy phải là tấm gương để cho HS soi rọi, ngay cả lời ăn tiếng nói, cách cư xử… Vậy mà, trong thời gian qua, một số thầy cô lại lãng quên chuyện này. Thật đáng buồn làm sao! Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng thầy trò cần gần gũi gắn bó để HS có thể tâm sự, chia sẻ, tiếp cận với thầy cô một cách dễ dàng. Song, cách thể hiện phải thận trọng, khéo léo, đúng mực, thầy ra thầy, trò ra trò. Thầy cô cần lắng nghe học sinh để chia sẻ với các em và cần phải điều chỉnh mình. Có lẽ, do tất bật với cuộc sống, một số thầy cô thiếu quan tâm đến học trò của mình, điều này dẫn đến thầy và trò không hiểu nhau. Đã không hiểu thì làm sao có sự cảm thông, làm sao thầy biết trò cần gì để giúp đỡ? Có trường hợp, HS nhà nghèo khó đến mức không có tiền đóng học phí, không có tiền mua sách vở, quần áo đi học nhưng giáo viên chủ nhiệm không hề hay biết, đến khi báo chí phát hiện thì cả trường mới hay. Như vậy, vai trò của giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp, Ban chấp hành chi đoàn hay Ban chỉ huy chi đội ở chỗ nào trong việc tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của HS?
Có lẽ ở những ngôi trường xảy ra tình trạng giáo viên bạo lực đối với HS không có kênh nào để HS phản ánh thông tin; vai trò của đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đội TNTP ở đây cũng mờ nhạt. Ở trường tôi, Đoàn Thanh niên lập ra Hộp thư xanh để tiếp nhận mọi thông tin của HS, kể cả những thắc mắc, kiến nghị với ban giám hiệu, góp ý với thầy cô, bạn bè… Khi thấy việc gì bất thường, chính các em HS là người phản ánh đầu tiên. Nhờ vậy mà Đoàn Thanh niên tập hợp và phản ánh kịp thời với lãnh đạo trường để kịp xử lí thông tin, chấn chỉnh khi cần thiết.
Cuối cùng, cũng là giáo viên, tôi xin các đồng nghiệp của mình hãy thương yêu học trò của mình hết lòng, như yêu thương chính con em mình vậy! Hãy biết lắng nghe và sẵn sàng tha thứ cho các em. Xin thầy cô hãy bỏ ra ngoài tính nóng nảy, sự ích kỉ mà thay vào đó là sự mềm dẻo, vị tha của những thầy cô giáo được đào tạo 4 năm sư phạm, trong đó có cả phương pháp giáo dục, kiến thức tâm lí giáo dục. Kết thúc bài viết, tôi xin gửi đến các đồng nghiệp ý kiến của giáo sư nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn – một nhà giáo lão thành 90 tuổi để chúng ta cùng suy ngẫm. Giáo sư bức xúc nói rằng: “Càng ngày, tôi càng nghe nhiều về những vụ thầy cô xúc phạm danh dự HS. Chúng ta nên quan niệm lại về giáo dục: Giáo dục là nơi dạy con người chứ không phải nơi cung cấp kiến thức hay dạy nghề này nghề kia. Vì thế hãy yêu cầu giáo viên dạy văn hóa làm người trong trường học cho HS chứ đừng đánh mắng các em một cách nặng nề. Phải xem HS là những con người… Thầy cô không xử sự văn hóa thì làm sao đòi hỏi HS có văn hóa”.
Nguyễn Văn Cải
Bình luận (0)