Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phụ huynh nên cùng con chọn trường

Tạp Chí Giáo Dục

Các phụ huynh được một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM tư vấn chọn trường cho con. Ảnh: D.Bình

Con đi thi thì phụ huynh lo lắng, đến lúc có kết quả rồi phụ huynh vẫn như “ngồi trên lửa” vì điểm thi không như mong đợi. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý khiến thí sinh có những quyết định vội vàng trong việc chọn trường xét tuyển.

Đừng gây áp lực cho con

Những ngày con gái tham dự kỳ thi THPT quốc gia, chị Nguyễn Thị Mai (Lâm Đồng) ăn không ngon ngủ không yên vì lo lắng. Đến lúc có kết quả chị còn lo lắng hơn nữa vì điểm thi của con không như mong muốn (3 môn toán, lý, hóa chỉ đạt 22,5 điểm), trong khi chị lại mong con thi phải đạt từ 25 điểm trở lên. Chị Mai cho biết: “Năm lớp 10, cháu đỗ vào Trường THPT chuyên Thăng Long – Đà Lạt. Dù gia đình không mấy khá giả, nhà lại ở huyện xa trường nhưng vợ chồng tui vẫn quyết tâm cho con lên thành phố Đà Lạt học. Vợ chồng tui đã gửi gắm tất cả hi vọng vào con, mong con đỗ vào trường y nhưng giờ chắc chỉ làm đơn xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM may ra mới đỗ. Mấy ngày nay tui ăn không ngon ngủ không yên, lo lắng không biết cháu có đỗ ĐH nguyện vọng đầu không vì những nguyện vọng sau tui nghe nói ít có cơ hội lắm”.

Việc phụ huynh lo lắng chẳng những không giúp được gì cho thí sinh mà còn có thể ảnh hưởng đến kết quả chọn trường của các em. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Thời gian này nếu phụ huynh quá căng thẳng, lo lắng có thể gây áp lực cho thí sinh, làm các em có những quyết định nhanh trong chọn trường, chọn ngành để bằng mọi giá vào cho được ĐH. Không tính toán kỹ, vội vàng, hấp tấp có thể làm các em chọn nhầm trường, nhầm ngành không phù hợp với sở thích, năng lực bản thân”. Từ những hệ quả có thể xảy ra như vậy, TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa ra lời khuyên: “Thay vì lo lắng, không giải quyết được vấn đề gì thì phụ huynh nên trò chuyện, bàn bạc với con về những quyết định sắp tới. Phụ huynh nên phân tích những ưu khuyết điểm của con mà mình đã nhìn nhận trong suốt 18 năm qua để con hiểu rõ về bản thân. Từ đó phân tích một số ngành nghề phù hợp với ưu khuyết điểm đó. Đồng thời, cùng con phân tích những ngành, trường nào có điểm chuẩn đầu vào dự kiến phù hợp với năng lực của con. Nếu có thời gian, phụ huynh hãy cùng con xem những trang web định hướng nghề nghiệp, làm trắc nghiệm tâm lý chọn ngành nghề hay dẫn con đến các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp… Nhìn chung, phụ huynh nên hành động giúp con thay vì căng thẳng, lo lắng để các em có những quyết định sáng suốt”.

Nhiều cơ hội nếu rớt ĐH

Kỳ tuyển sinh năm nay thí sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển vào ĐH, bởi trong 4 giấy chứng nhận kết quả thi mà Bộ GD-ĐT cấp, các em được nộp 1 giấy xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 giấy còn lại xét tuyển nguyện vọng bổ sung; trong mỗi giấy có 4 nguyện vọng để các em đăng ký xét tuyển ở cùng một trường. Những đợt xét tuyển này kéo dài đến tháng 11. Như vậy thí sinh có nhiều cơ hội để vào ĐH. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không tính toán kỹ để trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì cơ hội ở các nguyện vọng bổ sung không nhiều, thí sinh có thể rớt ĐH.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có trên 720.000 thí sinh dự thi ở các cụm do trường ĐH tổ chức. Với ngưỡng điểm tối thiểu phải đạt để được xét tuyển vào ĐH là 15, Bộ GD-ĐT thống kê có khoảng 27% thí sinh không đạt ngưỡng này, nghĩa là sẽ rớt ĐH. Vậy cơ hội nào cho những thí sinh này?

Thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả thi ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Phụ huynh nên hành động giúp con thay vì căng thẳng, lo lắng để các em có những quyết định sáng suốt.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Thị trường lao động đang rộng mở, các em không cần thiết phải “sống chết” để vào ĐH bằng mọi giá mà vẫn còn rất nhiều cơ hội để thành công khi học những bậc thấp hơn. Trong tương lai, giá trị hành nghề, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp mới quan trọng chứ không phải là bằng cấp. Hiện nay, theo cơ cấu thị trường lao động cả nước, trình độ ĐH chỉ chiếm 13%, CĐ chiếm 10-15%, TCCN chiếm 35%, còn lại là trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật. Từ nay đến năm 2020, mỗi năm TP.HCM cần 270.000 chỗ làm. Trong khi cuối năm nay thị trường lao động lại rộng mở khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cộng đồng này cần 16 triệu lao động, Việt Nam chiếm 1/6 tỷ lệ này. Vì vậy, các em vẫn còn nhiều cơ hội thành công nếu rớt ĐH”.

Nói về việc tuyển dụng, ông Trần Nhân Nguyện, Trưởng bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ BamBoo (chuyên gia công phần mềm cho Pháp, thường xuyên tuyển nhân viên thiết kế) cho hay: “Chúng tôi không yêu cầu bằng cấp cao mà phải có kỹ năng nghề nghiệp. Khi tuyển dụng, giữa một sinh viên ĐH với một học viên học nghề, chúng tôi cân nhắc rất kỹ và quyết định sẽ tuyển ứng cử nào giỏi nghề hơn. Vì thế, nhiều sinh viên học ở các trường ĐH đã bị rớt trong khi có những ứng viên trình độ TCCN nhưng chịu khó tìm tòi, học hỏi, tay nghề cao thì chúng tôi tuyển. Đồng thời, chúng tôi không phân biệt lương giữa các trình độ”.

Minh Châu

Trường dạy kỹ năng sống trực tuyến miễn phí

Hiện nay TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã lập trường dạy kỹ năng sống trực tuyến miễn phí cho các bạn trẻ tại địa chỉ: https://hanhtrangsong.vn/hoc-bi-quyet. Trong đó có khóa dạy “Làm sao để chọn đúng nghề” tại địa chỉ: https://hanhtrangsong.vn/hoc-bi-quyet/lam-sao-de-chon-dung-nghe-cach-thuc-cong-cu/87. Khóa học này cung cấp nhiều kiến thức về cách thức, công cụ chọn nghề với nhiều phương pháp như phương pháp sinh trắc học, tổng hợp nhận xét, trắc nghiệm tâm lý, so sánh hình mẫu…

 

Bình luận (0)