Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhức nhối nạn sách in lậu

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu đang xem và phân biệt sự khác nhau giữa sách thật với sách giả

Vừa qua, tại TP.HCM, Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chống in lậu sách lần thứ 2. Từ đây, những ý kiến bức xúc về thực trạng in lậu sách tràn lan đã lên đến đỉnh điểm.
In lậu mọi đầu sách
Cách đây vài năm, việc in lậu sách chỉ dừng lại ở một số đầu sách “hot”, nhưng đến nay, theo đại diện của NXB Tổng hợp TP.HCM: “Quy mô của hành vi in lậu và vi phạm bản quyền ngày càng lớn cả về số lượng đầu sách, số bản in và giá trị xuất bản phẩm. Một tổ chức, cá nhân vi phạm không chỉ dừng lại ở vài đầu sách hay vài chục đầu sách mà lên đến hàng trăm đầu sách, hàng triệu bản in”. Kẻ in lậu dường như không từ một loại sách nào. Cụ thể, sách giáo khoa (SGK) dành cho học sinh (HS) giá rất mềm vẫn bị in lậu. Ông Ngô Trần Ái, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ: “Bọn xấu tiến hành in lậu SGK và bán với giá rẻ hơn giá bìa. Để tăng lợi nhuận (dù là bất chính), những kẻ này thường bán kèm theo những loại sách tham khảo (cũng in lậu). Việc này không chỉ gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của NXB mà còn làm tổn hại đến lòng tin của phụ huynh (PH) và HS. SGK của NXB Giáo dục in giấy trắng tốt, màu sắc và chữ rõ ràng, trong khi sách in lậu giấy quá xấu và in rất mờ, nhiều chỗ không đọc được”.
Độc giả chịu thiệt hại
Ông Vũ Bá Hòa, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nhận định: “PH, HS mua nhầm SGK hay tài liệu tham khảo in lậu là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Cụ thể như Atlat thật của NXB Giáo dục cập nhật thường xuyên, trong khi đó Atlat in lậu lại sai sót rất nhiều như sai về ký hiệu đường biên giới quốc gia; sai về phân cấp đô thị; sai lỗi chính tả…”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà books bức xúc: “Người mua sách giả (in lậu) bị thiệt hại vì chất lượng của giấy, của chữ, của nội dung. Do kẻ làm lậu scan và copy mà không hiểu biết nên nội dung sách dẫn đến lỗi dày đặc. Có những lỗi rất vô lý như tên sách là Sống như Tiểu Cường nhưng chữ trong sách thật được in nhỏ nên chúng không phát hiện ra. Thế là sách “dỏm” có tên mới Sống Tiểu Cường (mất chữ “như”). Còn bên trong thì thật khủng khiếp, nhiều trang bị mất, tay sách lắp nhầm. Đã là làm lậu, in trộm, chúng không thể làm đàng hoàng nên rất nhiều chỗ có cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Những cuốn sách lậu sẽ không thể tồn tại lâu theo thời gian, vì chất lượng của chúng không đảm bảo”.
Vì sao thực trạng in lậu vẫn tồn tại và ngày càng phát triển? Nhiều đại biểu cho rằng do hình thức xử lý quá nhẹ chưa đủ sức răn đe, đồng thời do lợi nhuận cao nên kẻ xấu xem thường pháp luật. Ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn: “Với sách thật, nếu là sách mua bản quyền từ nước ngoài, các công ty sách phải trả thêm tiền dịch, tiền hiệu đính, những khoản tiền này không hề nhỏ. Trong khi đó, kẻ làm sách lậu không phải chi trả tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa… Không những thế, họ thường chọn loại giấy xấu, mỏng và kém chất lượng hơn để in sách… Tất cả những điều này làm giá thành cuốn sách thấp hơn”.
Bài, ảnh: Trần Thanh Quang
Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam tham gia công ước Berne (công ước bảo hộ quyền tác giả), tuy nhiên việc thực thi công ước này đến nay vẫn còn quá nhiều bất cập. Đại diện NXB Giáo dục nói: “Một NXB đơn thương độc mã chiến đấu với nạn in lậu chắc chắn sẽ không đạt được kết quả. Muốn loại bỏ tệ nạn nhức nhối này cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)