Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đóm lửa hồng trong căn nhà nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ thể tiều tụy vì những cơn bệnh vật vã liên tục ập đến với cha, mẹ và em trai nhưng cô gái trẻ Lâm Lệ Quyên (phường 15, quận 6) chưa một lần than vãn…
1. Hôm chúng tôi đến nhà Lệ Quyên, căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2 được chắp vá bởi gỗ tạp, ván ép mục nát, rệu rã. Đây là căn nhà do ông bà để lại vừa mới được UBND phường 15, quận 5 hỗ trợ lợp lại mái tôn để chống chọi với mùa mưa. Trong nhà nghi ngút khói hương, lúc này tôi mới hay tin cha Quyên đã mất. Cha Quyên bị đột quỵ, bại liệt nằm một chỗ đã 6 năm nay rồi. Mới tuần trước, một cán bộ đoàn ở quận 5 đã gọi điện đề nghị tôi viết bài về hoàn cảnh gia đình Quyên để mong nhận được sự đóng góp của các tấm lòng hảo tâm. Cái trước mắt mà gia đình Quyên cần đó chính là tấm nệm hơi để cho cha Quyên nằm khi bị lở loét nặng ở lưng nhưng nay thì không kịp nữa rồi.
Lâm Lệ Quyên gia công hàng mã tại nhà
Trước khi cha Quyên mất, gánh nặng gia đình càng đè nặng trên đôi vai gầy guộc của Quyên. Mẹ Quyên cũng đau bệnh triền miên, bà bị viêm xoang sàng sau, nhiều lần bị tai biến. Những lần mẹ Quyên đau nặng, đưa đến bệnh viện nhưng chỉ đứng ngoài cổng rồi lại quay về vì trong túi chẳng còn một xu. Quyên nói trong tiếng nấc: “Ngày ba nằm trên giường bệnh, lưng lở loét phải thường xuyên làm vệ sinh. Mỗi lần như vậy, ba chỉ biết khóc. Qua ánh mắt của ba, em biết không phải vì đau đớn mà ba khóc vì phải làm khổ gia đình. Ba mất là nỗi đau của gia đình nhưng như vậy lại đỡ khổ cho ba”. Vừa chăm sóc mẹ vừa lo cho đứa em trai 27 tuổi nhưng đã sống đời sống thực vật gần 25 năm nay. Em trai Quyên bị sốt bại liệt từ năm lên hai tuổi, suốt ngày chỉ biết gào thét. Những tưởng khó khăn trước mắt khiến Quyên không thể vượt qua nhưng ở Quyên có một nghị lực phi thường mà không phải bất kỳ ai cũng có thể chịu đựng nổi.
2. Năm nay Lệ Quyên vừa tròn 30 tuổi. Nhiều năm trước, điều kiện gia đình khó khăn nên Quyên không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Về sau, Quyên xin đi học ở lớp học tình thương nhưng cũng chỉ học hết lớp 2 thì nghỉ vì cha lâm trọng bệnh mà nhà không có ai chăm lo. Quyên đã lập gia đình và trách nhiệm với gia đình đã nặng lại càng nặng nề hơn khi đứa con trai chào đời. Con trai Quyên nay đã ba tuổi, mắc bệnh suy dinh dưỡng lại không có điều kiện đi nhà trẻ. Chồng của Quyên hiện đang làm công ở một cửa hàng sách, thu nhập chỉ hơn triệu bạc lại còn phải nuôi mẹ già đau bệnh. “Tháng nào mẹ chồng em ít bệnh thì còn chút đỉnh tiền mua sữa cho con, còn không thì cháu phải nhịn” – Quyên nói. Từ ngày ba Quyên mất, khoản tiền trợ cấp 240.000 đồng/ tháng cho ba cũng bị cắt đi. Cả nhà mấy miệng ăn đều trông chờ vào công việc gia công hàng mã của Quyên với thu nhập trung bình khoảng 15.000 đồng/ ngày và khoản trợ cấp của Nhà nước 180.000 đồng/ tháng cho đứa em trai. Thấy hoàn cảnh đáng thương của gia đình Quyên, nhiều chủ hàng tận tình mang hàng đến giao và nhận lại tại nhà. Để tăng thu nhập cho gia đình, mẹ Quyên mua nhang về bán tại nhà kiếm thêm từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng tiền lời/ ngày. “Cha nó vừa mất nên không ai dám đến mua nhang cả, bây giờ phải mang cất vào trong xó đến khi mãn tang xong may ra mới bán được” – mẹ Quyên nghẹn ngào nói.
3. Thật không thể tưởng tượng được với thu nhập chỉ 15.000 đồng/ ngày nhưng có đủ thứ chuyện phải lo toan. “Thỉnh thoảng mua thịt về nấu ăn bồi dưỡng cho em trai và con còn em và mẹ ăn rau để sống qua ngày. Hôm nào không còn đủ gạo nấu cơm thì lại nấu cháo” – Quyên nói. Nhiều lần Quyên đã nghĩ đến chuyện tìm một công việc khác để làm nhưng không thể vì Quyên vẫn còn ám ảnh cái ngày ba đổ bệnh mà không ai phát hiện kịp để đưa vào bệnh viện mà mẹ lại có tiền sử bệnh giống ba. Rồi còn đứa em trai khi ăn phải có người đút, đứa con thơ dại nay yếu mai đau không thể thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Bà Nguyễn Thị Hải, Phó chủ tịch UBMT phường 15, quận 5 nhận xét: “Lệ Quyên là một người giàu nghị lực, biết chấp nhận số phận, vươn lên trong cuộc sống và có hiếu với cha mẹ. Quyên là tấm gương sáng để nhiều bạn trẻ noi theo”. Thân hình của Quyên ngày càng tiều tụy, xanh xao nhưng trong mắt em luôn lóe lên “đóm lửa hồng” để sưởi ấm căn nhà lạnh lẽo, để “nuôi” một khát vọng sống. Tôi tin rằng “đóm lửa hồng” ấy vẫn cháy mãi trong căn nhà nhỏ.
T.TR

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)