Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” – Kỳ cuối: Chuyện về vợ chồng nhà khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là gia đình đôi vợ chồng nhà khoa học về hưu Ngô Thế Thái và bà Ngô Thị Tố Mai, ngụ P. Bến Nghé, Q. 1, TP.HCM. Tuổi cao, sức yếu song công tác từ thiện mà vợ chồng ông Thái, bà Mai đã và đang làm ai nấy đều khâm phục.
Về hưu lại có nhiều việc
Ông Ngô Thế Thái hiện là Tổng giám đốc, chuyên viên cao cấp địa chất và bà Ngô Thị Tố Mai là Chánh văn phòng của Liên hiệp Khoa học Địa chất Môi trường và Công nghệ khoáng (LH KHKT Việt Nam) có trụ sở đặt tại nhà riêng của ông. Từ ngày về hưu, ông Thái (nay 74 tuổi) xin thành lập hiệp hội này. Ông Thái là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam. Ông thực hiện nhiều đề tài phục vụ sản xuất và đề tài cấp nhà nước về tìm kiếm, thăm dò mỏ, điều tra quy hoạch khai thác khoáng sản của các tỉnh và thành phố. Nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, ông nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ vào năm 2005. Cơ quan ông và bà Mai cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2009.
Từ ngày về hưu, đời sống kinh tế gia đình tạm ổn, con cái có công việc làm ổn định, vợ chồng nhà khoa học nghĩ ngay đến chuyện làm từ thiện. Địa phương mà vợ chồng ông thực hiện chuyến đi làm từ thiện đầu tiên giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt vào năm 2000 đó là tỉnh Cao Bằng, quê hương của bà Mai. Mãi đến năm 2004, tình cờ ông bà đã gặp và vận động được ông Đoàn Đào Viên, Trưởng đoàn Y tế từ thiện Samari Nhân Lành, bang California-Hoa Kỳ về khám chữa bệnh cho người nghèo ở tỉnh Cao Bằng.
Vợ chồng nhà khoa học Ngô Thế Thái và Ngô Thị Tố Mai
Từ khi gặp được vợ chồng ông Thái làm việc vì cái tâm Tổ chức Y tế Nhân Lành tin tưởng cộng tác. Ông Thái đưa ra các đề nghị: Tổ chức Y tế Nhân Lành một mặt khám chữa bệnh tận gốc cho dân, mặt khác có thể tài trợ trang thiết bị y tế và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam. Những vấn đề ông Thái đặt ra khá phù hợp với định hướng, tôn chỉ và mục đích của Tổ chức Y tế Nhân Lành nên từ năm 2004 đến nay công việc đã thực hiện liên tục thuận lợi.
Từ số lượng người tham gia của Tổ chức Y tế Nhân Lành trước năm 2004 chỉ có trên dưới 10 người nay con số đó đã lên đến hàng trăm. “Vợ chồng tôi làm việc không theo dự án, vì làm theo dự án số tiền trực tiếp dùng để khám chữa bệnh sẽ không đến được hết cho dân nghèo. Chính chúng tôi cũng góp công sức và tiền, vận động bạn bè, con cháu cùng tham gia. Với động cơ trong sáng, không vụ lợi nên Tổ chức Y tế Nhân Lành rất tâm đắc và kính nể” – ông Thái nói.
Ngoài chi phí cho những chuyến khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo ở các tỉnh, vợ chồng ông Thái đã vận động xây dựng một căn nhà tình thương trị giá 15 triệu đồng ở huyện Củ Chi, TP.HCM; ủng hộ 36 triệu đồng vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam P. Bến Nghé; xây dựng cầu bê tông trị giá 36 triệu đồng ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long. Năm 2007, tiếp tục xây dựng 4 cây cầu bê tông trị giá trên 300 trệu đồng cho xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Năm học 2008-2009 vừa qua, tặng 500 phần quà cho học sinh nghèo hiếu học, mỗi phần quà trị giá 130 ngàn đồng cho học sinh nghèo và 40 áo dài, 20 áo sơ mi cho giáo viên tỉnh Trà Vinh…
Với mục đích giảm thiểu tối đa các chi phí cho đoàn, vợ chồng ông Thái thông qua bạn bè đã liên hệ trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh nơi đoàn sẽ đến và đề nghị tỉnh tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Ông Thái tiếp: “Hạn chế những chi phí ấy để dành khám chữa bệnh cho dân được nhiều hơn”.
Bà Mai cũng đồng hành với ông trong những chuyến đi tiền trạm và khám chữa bệnh dài ngày. Bà Mai cho biết: “Mỗi chuyến đi, vợ chồng tôi vận động các cụ trong Hội Người cao tuổi cùng đi. Mục đích là để các cụ tận mắt chứng kiến những mảnh đời nghèo khó, thấy những việc mình làm, các cụ, các bác có điều kiện sẽ cùng tham gia. Tuổi mình đã cao, đi lại ở những vùng rừng núi heo hút, hiểm trở cũng ngại lắm nhưng vợ chồng tôi rất vui vì đã làm được những việc có ích cho nhiều người, cho xã hội” – bà Mai nói.
Tổ chức Nhân Lành chỉ có vài người nằm trong Ban chủ nhiệm, các thành viên còn lại đều là tình nguyện viên, đội ngũ y, bác sĩ tham gia trên tinh thần tự nguyện. Thành viên nào muốn đi thì đăng ký và đóng góp từ 1.600 USD đến 2.000 USD. Nơi khám bệnh gần như một bệnh viện lưu động được đặt ở các trường học với các trang thiết bị, máy móc gọn nhẹ được mang từ Mỹ sang. Từ lần khám chữa bệnh đầu tiên ở Cao Bằng, các bác sĩ Mỹ đánh giá cao nỗ lực của vợ chồng ông Thái trong việc chọn đúng địa phương nghèo và khám đúng đối tượng.
Hết lòng vì người nghèo
Thời đi học, ông Thái là học sinh giỏi của Hà Nội, vinh dự được gặp mặt và trò chuyện với học sinh miền Nam ngày đầu giải phóng Phủ Chủ tịch. Ở đó, ông Thái đã được gặp Bác Hồ, những lời dạy bảo ân cần của Bác ông luôn ghi nhớ và làm theo trong suốt cuộc đời mình.
Đến nay, ở hai tỉnh miền Bắc là Cao Bằng và Bắc Cạn, đoàn đã thực hiện khám, điều trị cho tổng số 13 ngàn bệnh nhân. Trong đó có hàng trăm ca mổ tim và nhiều ca bệnh nguy hiểm đã phát hiện và cứu sống kịp thời. Từ ngày 27 đến 31-7 vừa qua, ông bà đã tổ chức cho đoàn Y tế từ thiện Nhân Lành về khám, phát thuốc và tặng quà cho 2.050 bệnh nhân nghèo thuộc tỉnh Trà Vinh. Có 35 bệnh nhân phẫu thuật tại chỗ, 3 ca chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy và Từ Dũ và 32 ca phẫu thuật tim phải chuyển về Bệnh viện Trung ương. Mỗi bệnh nhân sau khi được khám bệnh còn được nhận một phần quà gồm đường, sữa, bột ngọt, mì gói… đồ chơi trẻ em, bàn chải kem đánh răng, bệnh nhân mắt được phát một đôi kính thuốc và kính râm do đoàn mang từ Mỹ sang. Đó cũng là những gì mà vợ chồng ông Thái đã vận động thêm cho đồng bào nghèo. Tổng kinh phí cho các đợt khám chữa bệnh và phát thuốc khoảng 25 tỷ đồng, số tiền này đều do các thành viên của đoàn tự nguyện đóng góp, trong đó có vợ chồng ông Thái.
Ông Ngô Thế Thái tốt nghiệp ngành địa chất khóa I (1956-1959), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ra trường, ông công tác ở vùng rừng núi phía Bắc. Cuộc sống gian khổ trong chiến tranh càng thôi thúc ông muốn làm một điều gì đó giúp đỡ đồng bào nghèo, nơi ông đã từng sống, đi qua và chứng kiến. “Tuổi thơ tôi gian truân lắm, chính vì thế tôi luôn phấn đấu học tập, lao động và cống hiến trí tuệ của mình cho đất nước. Rồi đến khi lập gia đình lại càng khó khăn. Nhớ lại cảnh ngày bà ấy (vợ ông-PV) sinh đứa con đầu lòng dưới làn bom đạn ở mỏ sắt Tiến Bộ, nơi tôi đang phụ trách thăm dò thuộc khu gang thép Thái Nguyên, không nghĩ mình còn sống cho đến ngày hôm nay” – ông Thái nhớ lại.
Hôm tôi đến nhà, cả hai vợ chồng ông Thái còn lộ rõ vẻ mệt mỏi, mất ngủ. Hỏi ra mới biết, cả hai người vừa trở về sau chuyến khám chữa bệnh dài ngày cho người nghèo ở Trà Vinh. Ông Thái tâm sự: “Công việc của mình ngày trước thường phải đi nhiều, từ miền núi đến đồng bằng, đi nhiều, hiểu về cuộc sống khó khăn của người dân. Người dân xem mình như người trong gia đình, từng hạt gạo, củ khoai cũng chia năm sẻ bảy, không thương, không quý sao được. Tôi không bao giờ quên hình ảnh các bệnh nhân nghèo khó đã cảm ơn mình, cảm ơn đoàn đã cứu sống họ và người thân của họ bằng một con chó con, một lon đậu… nhưng mình đâu dám nhận vì những thứ ấy đối với bà con nghèo thật quý. Hình ảnh đầy cảm động, thật với lòng”.
Rồi đây, ông bà Thái – Mai chắc chắn sẽ thực hiện tiếp những nghĩa cử cao đẹp góp phần an ủi cho dân nghèo.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)