Khoảng 7h30 sáng ngày 14/8, 13 ngư dân ở xã Bình Châu, Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt ngày 3/8 đã cập cảng Sa Kỳ và trở về nhà an toàn trên con tàu QNg-95031 của Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lự cùng với 12 ngư dân của đảo Lý Sơn bị Trung Quốc bắt lần trước.
Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lự cho biết hành trình trở về: “Họ thả chúng tôi vào khoảng 14h (giờ Việt Nam, tức 15h của Trung Quốc) ngày 11/8, chúng bịt mắt chúng tôi rồi đẩy xuống tàu bắt nằm im dưới tàu, hễ ngóc đầu lên là bị chúng chích điện. Mọi thứ trên tàu của tôi, chúng lấy hết, kể cả máy định vị, cho về với chiếc tàu trống rỗng và chỉ cho một cái la bàn. Chúng tôi phải đưa 12 ngư dân bị bắt lần trước về Lý Sơn, rồi mần mò mãi mới về đến đây. Nếu có máy định vị thì chúng tôi đã về đến đây từ hôm qua rồi”.
Ngư dân Đỗ Bình đoàn tụ cùng vợ và con nhỏ. |
Anh Lự còn cho biết, tàu của anh đi chuyến này thiệt hại chi phí khoảng 80 triệu đồng và toàn bộ trang thiết bị của tàu khoảng hơn 300 triệu đồng. Trước đây vào tháng 2, anh Lự cũng bị Trung Quốc bắt và đòi tiền chuộc, tất cả khoảng 250 triệu đồng. Để xoay sở, gia đình anh đã phải vay mượn hơn 500 triệu đồng. Vợ anh Lự bần thần: “Tôi đã thẩn thờ nhiều ngày qua, mong anh trở về. Bây giờ thì lại rất lo, với khoảng nợ cũ chưa trả được và chiếc thuyền trống rỗng. Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, để chúng tôi tiếp tục đi biển có kế sinh nhai, tiếp tục nuôi con cái ăn học”.
Khuôn mặt chưa khỏi hoàng hồn, anh Đỗ Bình, bạn tàu trong số 13 ngư dân vừa trở về ôm đứa con nhỏ 11 tháng tuổi vào lòng kể lại: “Chúng bắt chúng tôi khoảng 12h, rồi nhốt ở đảo Phú Lâm. Trong những ngày bị bắt, chúng đánh đập, chích điện, thậm chí dùng cây đè lên các ngón chân, rồi cho 2 người to cao đẵm lên, nếu chúng tôi kêu la hoặc phản ứng là chúng chích điện. Mỗi bữa ăn, chúng cho một ít cơm, đậu hũ và giá luộc, chỉ ăn đủ lót dạ. Ở đó, có một người thông dịch viên người gốc Việt Nam, nhưng di cư theo cha mẹ và làm ăn ở Trung Quốc. Chỉ có những lúc cần thiết chúng mới cho thông dịch viên vào, còn khi tra tấn và đánh đập thì không có. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là sẽ chết ở đây mất. Khi phía Trung Quốc thả chúng tôi, họ bắt ký và len dấu tay vào một tờ giấy gì đó bằng tiếng Trung Quốc; còn lại không đưa cho chúng tôi bất kể giấy tờ gì bằng tiếng Việt hoặc để mang về”.
Hiện nay, toàn xã Bình Châu, Quảng Ngãi có 112 tàu cá, với gần 2.000 lao động đánh bắt thuỷ hải sản bằng lưới vây rút chì, lưới chuồn và nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa; trong đó có 2/3 số tàu thuyền ở xã này đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.
Trước sự việc trên, ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Vì thời gian quá gấp nên chúng tôi chưa quyết định hỗ trợ cụ thể cho mỗi gia đình là bao nhiêu, như thế nào, nhưng chắc chắn tỉnh sẽ hỗ trợ cho ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ”.
Hồng Vương
Bình luận (0)