Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giải toán bằng từ khóa tiểu học: Nguy hại cho việc tư duy

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tiểu học làm bài tập môn toán. Ảnh: N.Trinh

Hiện nay, khi dạy giải toán có lời văn ở tiểu học, khá nhiều thầy cô giáo đã sử dụng phương pháp căn cứ vào từ khóa để học sinh dễ dàng tìm phép tính đúng.

Nhiều giáo viên cho rằng đây là phương pháp tối ưu để dạy giải toán có lời văn ở các lớp 1, 2 và 3. Thế nhưng, thực tế giảng dạy cho thấy, giải toán có lời văn bằng cách sử dụng từ khóa là “con dao hai lưỡi”. Nó chỉ có lợi trước mắt nhưng lại nguy hại cho việc tư duy toán học của học sinh và còn gây khó khăn cho các em khi gặp những bài toán khó hay khi tiếp tục học toán ở lớp 4 và 5.

Nhiều giáo viên đã lập một bảng tổng kết các từ khóa thường xuất hiện trong đề bài để từ đó hướng dẫn học sinh chọn phép tính đúng. Các bài toán có từ khóa “Cho thêm, tất cả, cả hai, nhận thêm, thêm vào…” thì làm phép cộng. Những bài xuất hiện các từ khóa “cho đi, bớt đi, ít hơn, còn lại…” thì làm phép tính trừ. Bài có từ khóa “gấp mấy lần, hơn mấy lần, lấy mấy lần…” thì làm phép nhân. Những bài có từ khóa “Chia đều, xếp đều, giảm mấy lần…” thì làm tính chia. Đáng tiếc nhất là có giảng viên đang dạy tại trường sư phạm khoa tiểu học cũng đồng tình với cách giải toán lời văn bằng từ khóa và còn đúc kết thành những cấu trúc chung. Như ở toán lớp 1, các bài toán thường giải bằng phép cộng thì có thể chia thành hai dạng: 1/Thêm thì cấu trúc đề bài có từ khóa: “Có… thêm… Hỏi có tất cả…?”; 2/Gộp vào thì cấu trúc đề bài có các từ khóa: “Có… và có… Hỏi cả hai có…?”. Các bài thường giải bằng phép toán trừ cũng chia làm hai dạng: 1/Bớt thì cấu trúc có các từ khóa: “Có… bớt… Hỏi còn lại…?”; 2/Tìm bộ phận thì cấu trúc có các từ khóa: “Có tất cả… trong đó có… Hỏi còn…?”…

Cách giải toán có lời văn ở các lớp 1, 2 và 3 bằng cách dựa vào từ khóa rất đơn giản, học sinh dễ tiếp thu. Thế nhưng, thật tai hại khi học sinh ấn tượng sâu sắc từ những từ khóa mà giáo viên đã dạy, các em sẽ không có được tư duy toán học mà giải toán một cách máy móc. Một học sinh giỏi lớp 2 khi gặp bài toán: “Một túi bi có 10 viên gồm ba màu đỏ, xanh, vàng. Có 5 viên bi màu đỏ, hỏi có tất cả bao nhiêu viên bi màu xanh và màu vàng?”, em ấy đã lấy 10+5. Giáo viên hỏi vì sao làm phép cộng thì em ấy trả lời vì có từ “tất cả”. Bài 3 trang 128 của sách toán lớp 2 như sau: “Một số kẹo chia đều cho 3 em, mỗi em 5 chiếc kẹo. Hỏi tất cả có bao nhiêu cái kẹo?”. Nếu căn cứ vào các từ khóa có trong đề bài “Chia đều, mỗi em, tất cả”, học sinh yếu kém sẽ làm phép nhân hay cộng, còn học sinh khá giỏi sẽ lúng túng vì không hiểu phải làm phép tính gì.

Theo tôi, việc giải toán có lời văn ở tiểu học dù là những bài toán có lời văn đơn giản giải bằng 1 phép tính ở lớp 1, 2 và 3 cũng nên bắt đầu bằng phương pháp trực quan: Dùng vật thật, đồ dùng dạy học hay vẽ sơ đồ minh họa… để học sinh hiểu đề; sau đó hướng dẫn học sinh tóm tắt: Đề bài cho ta gì? Yêu cầu tìm gì?…; cuối cùng giáo viên dùng phương pháp phân tích – tổng hợp để học sinh tìm ra phép tính đúng mà giải toán. Với cách giải toán như thế, có thể ban đầu các em sẽ khó biết tóm tắt, không biết tự phân tích – tổng hợp để giải nhưng được thầy cô giáo hướng dẫn nhiều lần, khi đã hiểu, các em sẽ không chỉ giải được các bài toán thông thường giải bằng 1 phép tính mà còn dễ dàng giải những bài toán nâng cao, các bài toán giải bằng 2, 3 phép tính. Và quan trọng nhất là các em có được tư duy toán học chặt chẽ, hợp lý để học tốt môn toán sau này.

Lê Phương Trí (Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)

Nhiều giáo viên đã lập một bảng tổng kết các từ khóa thường xuất hiện trong đề bài để từ đó hướng dẫn học sinh chọn phép tính đúng.

 

Bình luận (0)