Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khối C ngày càng thưa vắng: Cần thay đổi từ nhiều phía

Tạp Chí Giáo Dục

Có chính sách sử dụng người tốt nghiệp khoa học xã hội hợp lý, tái cấu trúc chương trình đào tạo, thay đổi nhận thức xã hội, đào tạo theo nhu cầu xã hội… là những đề xuất của một số cán bộ quản lý, chuyên gia nhằm “phục hưng” và phát triển nhóm ngành khoa học xã hội.

Doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ xin việc trực tiếp từ sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) trong ngày hội việc làm – Ảnh: Trần Huỳnh

Một số ý kiến cho rằng sự sụt giảm này đáng lo ngại nhưng cần thiết để các trường nhìn lại mình, thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo. Song song đó, cần xác định rõ hơn nữa vai trò của nhóm ngành này, từ đó thay đổi nhận thức "xem nhẹ" nhóm ngành này.

* GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội):

Cần có chính sách sử dụng hợp lý

Sự sụt giảm này có nguyên nhân quan trọng là thị trường lao động ít sử dụng người tốt nghiệp từ nhóm ngành này, thu nhập không cao. Từ đó buộc người học phải lựa chọn vào những ngành khác, chỉ những người thật sự yêu thích và có sở trường mới dự thi. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành khối khoa học xã hội – nhân văn đều giảm, một số ngành vẫn rất “hot”.

Nhà nước cần có chính sách sử dụng nguồn cán bộ khoa học xã hội hợp lý. Thực tế hiện nay nhiều chính sách ban hành mà chưa có nghiên cứu xã hội đầy đủ, sau một thời gian ban hành đã phải thay đổi. Chúng ta đang phát triển kinh tế và thật sự đội ngũ người làm khoa học xã hội – nhân văn chưa được coi trọng, chưa có chỗ đứng, nhiều chính sách không có sự đóng góp của đội ngũ này.

Sự sụt giảm đó là đáng lo ngại nhưng các trường cũng không nên chạy theo số lượng mà hạ thấp đầu vào. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các trường đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng. Đầu vào không cao, chất lượng đào tạo không tốt sẽ không có lợi cho sự phát triển của xã hội. Không nhất thiết phải đào tạo theo số lượng mà phải chú ý đến chất lượng.

* PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM):

Tái cấu trúc chương trình đào tạo

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng người tốt nghiệp nhóm ngành khối C của xã hội khoảng 10-12%. Những năm qua, nhiều ngành đào tạo khối xã hội đã bắt đầu bão hòa về nhu cầu lao động. Trong điều kiện như vậy, thí sinh sẽ dồn về các trường tốt hơn khiến nhiều trường không tuyển được thí sinh.

Đây cũng là một dấu hiệu tích cực, đánh động để các trường nhìn lại mình, tái cấu trúc chương trình đào tạo để thu hút người học. Các ngành khoa học xã hội nói chung sẽ không tăng trong khi các ngành khoa học xã hội ứng dụng như đô thị học, du lịch, tâm lý học… và các ngành khoa học xã hội liên ngành sẽ mở rộng thêm.

Ở nước ngoài, tính thị trường của các trường khá cao, trong khi ở VN thì rất yếu. Các trường cần thay đổi chương trình đào tạo theo hướng thị trường, đào tạo những ngành khoa học xã hội ứng dụng mà xã hội đang có nhu cầu.

* ThS Đỗ Văn Bình (Trường ĐH Văn Hiến):

Cần có đề án phát triển

Viện Khoa học xã hội VN cần có sự phối hợp, xây dựng đề án phát triển các ngành khoa học xã hội – nhân văn trong 10-20 năm tới để Chính phủ phê duyệt. Đề án này cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, giảng viên, cải tiến giáo trình, giáo án giảng dạy. Có quy chế về nghiên cứu, thực hành và tuyên truyền rộng rãi về vai trò, vị trí, sự cần thiết và những đóng góp quan trọng của nhóm ngành này trong sự phát triển xã hội. Từ đó thay đổi nhận thức "xem nhẹ" ngành này của xã hội.

* ThS Ngô Thị Kim Dung (Trường ĐH Tôn Đức Thắng):

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Các trường cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao trình độ giảng viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo. Điều quan trọng là cần xác định rõ hơn nữa vai trò của khoa học xã hội – nhân văn đối với sự phát triển đất nước. Thí sinh cũng cần xác định rõ thế mạnh và ngành mà mình yêu thích và muốn học, tránh chọn ngành theo phong trào hay số đông.

Chú trọng chất lượng dạy học

Giải quyết tình trạng này, ngành giáo dục nên bình tâm suy xét lại ngọn nguồn của hiện tượng, từ đó tìm ra những giải pháp đồng bộ, trên cơ sở tôn trọng thực tế khách quan. Trước hết là vấn đề dạy và học. Chừng nào các môn khoa học xã hội được dạy đủ chất và lượng trong nhà trường phổ thông với những thiết bị, phương tiện đảm bảo mới có thể thay đổi cách nhìn nhận của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh về các môn học này. Đừng xem đó là các môn phụ mà hãy tạo ra nhận thức cho học sinh rằng các em đang học một cách sơ khởi những bộ môn khoa học cơ bản thuộc ngành khoa học xã hội – nhân văn.

Trịnh Minh Giang (TP.HCM)

MINH GIẢNG (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)