Dù tới ngày 1/7 Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mới tuyển sinh lớp 1, nhưng thời điểm này, cuộc đua đã vào hồi “nước sôi, lửa bỏng”. Nhiều bé chưa đi học nhưng đã phải thi tuyển vào 4-5 trường khác nhau với tỷ lệ "chọi" căng thẳng không kém gì các sĩ tử thi đại học.
“Cấm” và… “lách”
Theo quy định, việc tuyển sinh vào trường tiểu học không được tổ chức mọi hình thức thi cử nên trường thì gọi là “đo nghiệm”, trường thì gọi là “kiểm tra trắc nghiệm”… Và các bé phải trải qua một cuộc tuyển chọn khá căng thẳng, từ cân nặng, chiều cao đến khả năng học tập, chỉ số IQ…
Hà Nội có hàng chục trường tiểu học tư thục tuyển sinh lớp 1 bằng hình thức kiểm tra đầu vào như: Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Lý Thái Tổ… Có việc này là do số học sinh đăng ký vào học đông gấp nhiều lần so với chỉ tiêu và các trường không còn cách nào khác là tìm phải “nghĩ kế” để… loại bớt số học sinh (HS) vượt chỉ tiêu. Và thế là, để con được vào học các trường tư, nhiều phụ huynh đã bắt con tham gia vào “chiến dịch” thi tới 4-5 trường, để “thử sức”, lấy “kinh nghiệm” trường thi cho bé.
Ảnh minh họa |
Năm học này, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu tổ chức kiểm tra đầu vào sớm nhất. Các bé lớp 1 được triệu tập đến trường trong vòng 1 ngày. Ngoài việc phải vượt qua các bài kiểm tra liên quan đến nhận biết về ngôn ngữ (tiếng Việt), tư duy toán học, tiếng Anh, kiểm tra năng lực quan sát, ghi nhớ, diễn đạt, trẻ phải qua phần kiểm tra sức khỏe (cân nặng), không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp. Trong một ngày tại trường, khi trẻ ăn, ngủ, chơi, giao lưu, cũng là lúc Hội đồng tuyển sinh tiếp tục quan sát để “chấm điểm”. Vì thế, khi Trường Nguyễn Siêu thông báo kết quả ngày 9/5 vừa qua, một số phụ huynh biết con mình trượt nhưng vẫn… vui vì không xác định cho con học trường này mà chỉ thi cho… biết.
Thế nhưng, với các bậc phụ huynh, chừng ấy vẫn là chưa đủ. Một phụ huynh nói ngay tại nơi thông báo điểm thi: “Mặc dù bé nhà tôi trượt nhưng tối nay về vợ chồng tôi sẽ vẫn khích lệ tinh thần cháu để tiếp tục “chinh chiến” ở trường Thực nghiệm vào đầu tháng 6 và cuối cùng thì vẫn “chốt” vào trường dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm gần nhà”.
Nhìn vào tỷ lệ chọi của các trường tiểu học, không ít người sẽ giật mình bởi mức độ cạnh tranh ở đây cũng khốc liệt, gay cấn không kém gì so với kỳ thi… đại học. Đơn cử như Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm năm nay chỉ tuyển 400 chỉ tiêu, nhưng số lượng trẻ đăng ký vào lớp ôn luyện của trường này để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh ngày 28/5 đã lên đến 900 trẻ. Con số này hàm chứa việc sẽ có tới 500 trẻ bị loại. Hay như Trường Tiểu học Thực nghiệm có 180 chỉ tiêu nhưng 600 đơn tuyển sinh đã được bán hết veo.
Dường như với các bậc phụ huynh, việc đưa con đi “thử sức” khắp nơi không khiến họ mệt mỏi. Tuy nhiên, việc phải đối mặt với nhiều cuộc thi chắc chắn sẽ khiến trẻ phải chịu áp lực lớn, căng thẳng, mệt mỏi không đáng có. Nếu “thi trượt” thì đó có thể coi như “đòn phủ đầu” khiến trẻ mất tự tin, mặc cảm khi cảm thấy thua kém bạn bè ngay trước khi bước chân vào ngưỡng cửa nhà trường. Không những thế, không ít phụ huynh cho rằng, mình thực sự bất bình khi cho con vào những lớp học “tiền lớp 1” (những lớp bắt buộc nếu các bé muốn có một suất vào trường dân lập danh tiếng) bởi trẻ chưa thực sự đọc thông viết thạo sẽ bị cô giáo chê là học dốt, bố mẹ không quan tâm…
Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ rõ: Với mục đích loại bớt số học sinh vượt quá chỉ tiêu nên dù thi tuyển hay chỉ là một cuộc kiểm tra đầu vào đơn giản cũng không tránh khỏi áp lực đối với trẻ. Việc “thi trượt” ngay từ khi chưa đi học sẽ khiến tạo một tâm lý không tốt cho trẻ, trẻ sẽ mất tự tin và có gì đó như sự mặc cảm.
Chết, cũng phải… “chạy”
Với các trường dân lập có tiếng thì phải qua kì sát hạch như trên. Và với các trường công được cho là trường “điểm” thì các bậc phụ huynh có hàng trăm kiểu “lách luật”. Trong đó, “chiêu” được cho là có hiệu quả nhất là “chạy” hộ khẩu, nhờ người quen, “chạy” tiền, gửi gắm giáo viên ở trường đó.
Nhưng những “chiêu” trên chưa chắc ăn 100%. Như trường hợp anh Nguyễn Anh Tuấn (ở quận Thanh Xuân). Theo anh Tuấn, để “chạy” cho con vào một trường điểm của quận Hoàn Kiếm (gần cơ quan anh), từ năm ngoái anh chị đã mất bao công sức, tiền bạc để tìm người quen, nhờ họ nhập hộ khẩu cho bé và mẹ về quận Hoàn Kiếm. Đến năm học này, anh chị ung dung tưởng con vào được trường nhưng giờ lại “té ngửa” vì hóa ra con vẫn thiếu tiêu chuẩn do nhập khẩu chưa đủ 2 năm. Giờ anh chị nóng ruột như “ngồi trên lửa” vì đi cũng dở mà ở không xong.
Trên các diễn đàn internet, việc mua bán suất vào lớp 1 cũng khá rầm rộ, công khai: “Cần nhượng một suất xin vào lớp 1 trường tiểu học T.V”, “suất học cho bé vào lớp 1 trường Tr.A”, “có một suất vào trường tiểu học NTC, lớp chọn”…
Không ít phụ huynh cũng lên mạng để dò hỏi, xin lời khuyên của “người đi trước” về “đường vào trường” cho con em mình. Một bà mẹ có nick “mecuasao”, chia sẻ: “Tìm cách làm quen với một giáo viên của trường, sau đó quà cáp và nhờ người này giới thiệu thì chắc chắn có suất”. Một bà mẹ khác tư vấn: “Giờ cái gì cũng phải tiền, mẹ nó tốt nhất là nhờ giáo viên của trường giới thiệu, chắc chắn mức giá sẽ mềm hơn và đảm bảo có suất”. Còn giá cả của việc “chạy” trường chỉ nghe thôi cũng đã thấy chóng mặt khi mà giá cả leo thang, mức chung đại trà hiện nay không thể dưới 1.000 USD.
Lý do được không ít phụ huynh đưa ra là “Trường đúng tuyến, đa phần học sinh là con nhà lao động có thành phần khá phức tạp, chửi thể đánh nhau… Trường đúng tuyến, hầu hết thầy cô ép học sinh học thêm (điều kiện học thì thê thảm lắm: Chật chội, tối tăm…), không học thêm thì phụ huynh bị mời lên mắng như cơm bữa, con mình bị đánh… Trường trái tuyến không ép học thêm. Trường đúng tuyến đúng hộ khẩu nhưng không gần nhà. Trường trái tuyến gần sát nhà. Như vậy có “chạy” trường cho con không? Chết cũng phải chạy!”.
Thậm chí, có phụ huynh là giảng viên đã lo… tự mở trường để cho con học suốt phổ thông, mặc dù năm nay nhóc lớn nhà họ mới tròn… 4 tuổi.
Như vậy, dù các biện pháp được đưa ra như cấm học sinh trái tuyến để giảm tải nhưng cuộc đua dường như mỗi năm thêm gay go, quyết liệt và có hàng trăm kiểu lách miễn sao các bậc phụ huynh chọn được các trường mà họ cho là trường điểm… Khi mà mỗi năm các cô giáo có thành tích trong trường đều có một, hai “suất người nhà” được xem là tăng thu nhập. Khi mà các bậc phụ huynh không tiếc công sức, tiền của để được yên tâm khi con vào được trường điểm, lớp chọn thì cuộc đua càng trở nên bất tận…
Nên chọn trường gần nhà
“Các giáo viên tiểu học của Hà Nội nói chung và của nội thành nói riêng đều đảm bảo về chất lượng giảng dạy. Nhiều bậc phụ huynh thường ảo tưởng về những trường có tên tuổi thì sẽ có sự đào tạo tốt hơn. Thực tế thì trong một trường, trong một khối trình độ của các giáo viên cũng không đồng đều. Theo tôi, các phụ huynh nên cho con học gần nhà. Đôi khi những trường ở gần nhà mình sĩ số học sinh thấp nên sự quan tâm của các giáo viên đối với học sinh sẽ sâu sát hơn”.
Ông Phạm Xuân Tiến
(Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội)
|
Theo Uyên Na
(phapluatvn)
Bình luận (0)