Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ký ức của người cách mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Cụ Cẩm và người bạn đời của mình

Mỗi lần tháng tám về gợi lên trong cụ Cẩm (cụ Trịnh Hồng Cẩm, sinh tháng 7-1919 tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, Long An) một cảm xúc bồi hồi khó tả. Cụ bồi hồi nhớ lại những ngày sôi nổi tham gia tiền khởi nghĩa CMT8, ngày cụ tập kết ra Bắc… Tháng tám, cụ Cẩm lại khoác lên mình chiếc áo lính gắn những huy chương, huy hiệu lấp lánh với vẻ tự hào, sung sướng. Cụ nâng niu, trân trọng từng kỷ vật, huy chương… gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình.

“Chàng khờ” đi làm… cách mạng
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Cẩm bồi hồi nhớ lại đời mình, ký ức thời trai trẻ ùa về. Cụ nhớ mãi những ngày tiền khởi nghĩa CMT8: “Khoảng tháng 6-1945, chúng tôi tập họp thanh niên lại làm bạn, nói chuyện tình anh em, huynh đệ. Trong đó tôi là… đại ca. Chuyện tập trung anh em hoạt động giờ nhớ lại như… đùa”. Những ngày đầu hoạt động cách mạng rất… buồn cười ấy khiến cụ Cẩm nhớ mãi. Cụ nhớ lại những đồng đội của mình thời tiền khởi nghĩa mà đến nay số người “về với đất mẹ” nhiều hơn số người còn sống. Cụ kể: “Hồi đó ông hai Ngai tự xưng là Chủ tịch ấp, điều khiển mọi hoạt động. Còn sáu Hét, tư Đinh, sáu Siêng, tư Thắng… là đồng đội của tôi trong nhóm Thanh niên Tiền Phong tại ấp Hòa Thạnh, xã Phú Thọ Hòa, huyện Bà Chiểu. Chúng tôi hoạt động đơn giản, bí mật, liều lĩnh”. Cụ kể về mình trong những ngày tiền khởi nghĩa CMT8 với “hào khí Đông A”, “Dưới sự chỉ huy của ông hai Ngai, nhóm chúng tôi kéo đến nhà đội Đầy gây áp lực buộc ông ta giao súng. Cũng thời gian này, ông chín Dao (Uỷ viên quân sự ấp Hòa Thạnh) giao cho tôi nhiệm vụ triệu tập thanh niên. Tôi triệu tập được khoảng 50 thanh niên địa phương tham gia. Đó là quá trình chuẩn bị vũ khí và tập trung lực lượng cho khởi nghĩa sau này”. Kể lại thời “oanh liệt”, cụ như sống lại trọn vẹn với những ngày tiền khởi nghĩa CMT8. Ánh mắt cụ vui vui: “Thời đó tôi chưa biết cách mạng là gì đâu. Ông hai Ngai nói đi họp thì tôi đi chứ chả biết họp như thế nào. Tôi như “chàng khờ” đi làm cách mạng vậy!”. Lợi dụng lúc Pháp rối ren, cụ cùng các đồng đội như sáu Hét, tư Đinh, sáu Siêng, tư Thắng… triệu tập bà con để truyền lời hiệu triệu. Cụ hào hứng kể: “Ông hai Ngai, ông chín Dao mang súng, tôi mang cây kiếm Nhật bên vai, tay gõ mõ triệu tập đồng bào. Ra đình, ông hai Ngai nói to, “Thưa đồng bào, nay Nhật – Pháp đánh nhau, chúng ta đứng lên cướp chính quyền giành độc lập…”. Thời đó tôi vinh quang lắm”.
Ngày 23-8-1945, dưới sự chỉ huy của ông hai Ngai – Chủ tịch ấp, cụ Cẩm cùng đồng đội trong nhóm Thanh niên Tiền Phong và những người tham gia cuộc biểu tình hào hứng kéo đi biểu tình, cướp chính quyền. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, cụ đã để lại ở mảnh đất quê hương một phần xương máu của mình. Cụ nhớ mãi ngày vinh dự biến thành nỗi đau: “Tháng 2-1946, tôi vinh dự được chọn vào nhóm đi đón Tướng Nguyễn Bình, không may bị phục kích, chúng tôi phải phá vòng vây và tôi bị thương khắp người, tôi mất cánh tay trong trận này”. Và cụ bị Pháp bắt giam cầm, tra tấn đến khi Pháp ký thỏa hiệp 14-9-1946 mới được thả ra. Với những hoạt động sôi nổi, ngày 10-6-1950 cụ Cẩm được kết nạp vào Đảng.
“Chàng khờ” đi… tập kết
Nhớ lại ngày rời miền Nam tập kết ra Bắc, cụ Cẩm bùi ngùi kể: “Năm 1953 tôi tập trung, tháng 8-1954 tập kết ra Bắc. Khi đi, hướng về phía người thân đưa tiễn, mấy anh em đưa hai ngón tay ngầm nói “2 năm nữa chúng tôi sẽ về”. Còn tôi, tôi đưa cả bàn tay còn lại để vẫy chào người thân nhưng phải hết thời gian của hơn bốn bàn tay tôi với về lại miền Nam, sum họp gia đình”. Là thương binh xung phong tập kết ra Bắc, cụ luôn mong mình được ra tuyến đầu để chiến đấu. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, nguyện vọng của cụ được chỉ huy ghi nhận nhưng họ lại xét điều kiện cụ là thương binh nên cho cụ lui về lo công tác hậu cần trong đơn vị. Cụ đảm đương các chức vụ: Ủy viên Hội trại A3 của Ty thương binh Thanh Hóa; Cán bộ cải cách ruộng đất xã Nghi Long, Nghệ An; Quản trị phó Tập đoàn Chợ Lớn, tỉnh Hòa Bình, Trưởng phòng quản trị hành chính công trường Cửu Long, tỉnh Hòa Bình… Năm 1967 cụ tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp Trường ĐH Kinh tế Kế hoạch. Cụ công tác tại Nông trường Cao Phong, Hòa Bình và lần lượt giữ các chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch, Phó giám đốc, Phó bí thư Đảng ủy. Năm 1974, cụ về hưu. Cụ Cẩm tự hào: “Ra Bắc tôi 3 lần được gặp Bác Hồ khi Bác đi thăm Nông trường Cao Phong và khi tôi về Hà Nội công tác”.
Khi tập kết ra Bắc, năm 1962 cụ lập gia đình với bà Phạm Thị Miên, một nữ thanh niên xung phong ở xã Bình Minh, huyện Hiến Xương, Thái Bình. Cụ Miên nói: “Khi cưới xong ông công tác nhiều nơi rồi sau đó đi học ĐH mấy năm liên tiếp, để mình tôi lo cho đàn con nhỏ”. Đất nước thống nhất, tháng 3–1976 cụ Cẩm đưa gia đình về Nam sau hơn 20 năm xa miền Nam thân yêu. Năm 1977, cụ là Tổ trưởng Tổ đổi tiền P.18, Q.Tân Bình. Liên tục trong hơn 15 năm (1976 đến 1990) cụ giữ chức Bí thư chi bộ P.19, 20 Q.Tân Bình. Năm 1990, cụ xin thôi đảm đương chức vụ này vì lý do sức khỏe. Năm 1991, gia đình cụ chuyển về ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương cho đến nay. Và “chàng khờ” ngày nào tham gia tiền khởi nghĩa CMT8 nay đã sắp tròn 60 tuổi Đảng. Tổng kết cuộc đời tham gia cách mạng của mình, cụ Cẩm tâm sự: “Năm 1943, 1944 tôi sa mê cờ bạc, đua ngựa. Nếu không có cách mạng, tôi sẽ đi vào con đường lưu manh!”.
Bài và ảnh: Công Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)