Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập VN Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nhận xét, bây giờ thì chính Bộ GD&ĐT cũng lúng túng. Các trường sư phạm cũng cạn nguồn tuyển; thậm chí, trường nổi tiếng cũng tuyển đến sinh viên chỉ đạt điểm sàn. Các trường thiếu sinh viên đành dành chỉ tiêu ĐH để tuyển hệ cao đẳng (CĐ) rồi đào tạo liên thông; nếu không, sẽ… chết.
Các trường đang cạnh tranh để tuyển người học
Đến giờ phút chót của hạn tuyển sinh cuối cùng theo nguyện vọng (NV) 3 vẫn còn rất nhiều trường chưa tuyển đủ thí sinh: ĐH Huế, vẫn còn 10 % chỉ tiêu chưa có người học; ĐH Đà Lạt tuyển gần 1.500 chỉ tiêu NV3 nhưng đến giờ chót mới cầm được 138 hồ sơ; ĐH An Giang nhận được vỏn vẹn 90 hồ sơ thì có 80 hồ sơ đạt, còn thiếu gần 400 thí sinh.
Chiều 10/10, Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng cho biết: gần 200 chỉ tiêu NV3 vào 4 ngành ĐH Sư phạm đều trong cảnh thiếu thí sinh trầm trọng, chỉ có 22 thí sinh đăng ký và 7 thí sinh trúng tuyển NV3. Cụ thể, ngành cử nhân Văn học có 18 thí sinh đăng ký NV3 nhưng chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển (tổng chỉ tiêu 90 sinh viên NV3).
Tương tự, ngành Sư phạm Giáo dục chính trị có 9 thí sinh trúng tuyển NV 1 và 2. Trường cần xét tuyển 41 chỉ tiêu NV 3, nhưng chỉ có 3 thí sinh nộp hồ sơ và trúng tuyển (tổng số 12 thí sinh). Đặc biệt, ngành Việt Nam học chỉ có 1 thí sinh đăng ký NV3 (tổng chỉ tiêu 20 thí sinh) và Văn hóa học không có thí sinh đăng ký NV3 (tổng chỉ tiêu 42).
Theo Hội đồng tuyển sinh, khả năng một số ngành sẽ phải tạm đóng cửa. Trước đó, ĐH Đà Nẵng thông báo đóng cửa hai ngành Thống kê tin học và Kinh tế chính trị (ĐH Kinh tế Đà Nẵng).
Về nguyên nhân cho điều bất thường của mùa tuyển sinh năm nay, ông Trần Hồng Quân và đa số đại diện các trường dân lập được hỏi cho rằng, đó là do nguồn tuyển quá ít, trong khi Bộ GD&ĐT tính toán nguồn tuyển dôi dư và chủ yếu dôi dư thí sinh khối B.
Ông Đặng Kim Vui, giám đốc ĐH Thái Nguyên, một ĐH vùng có hơn 10 trường ĐH thành viên năm nay dành 1.800 chỉ tiêu để tuyển sinh nguyện vọng 3, cho biết: ĐH Thái Nguyên sẽ giải quyết vấn đề bằng cách chuyển sang tuyển sinh với nhiều loại hình khác như liên thông.
Phân tích nguyên nhân của sự khó tuyển sinh hiện nay, ông Kim Vui nói: Số lượng thí sinh đăng ký vào học những ngành truyền thống giảm; số trường ĐH ngày một tăng lên, có thêm nhiều hình thức đào tạo khác nhau như: đào tạo liên kết với nước ngoài, liên thông, từ xa; du học cũng cởi mở hơn trong khi số lượng thí sinh đạt điểm chuẩn giảm đi.
Điều này khiến tính cạnh tranh giữa các trường ĐH ngày một cao và các trường sẽ phải chia sẻ thí sinh với những trường đào tạo cùng ngành.
Tuyển sinh phải theo phân tầng
Theo ông Trần Hồng Quân: Đây là một bài toán không thể chấp nhận cách giải quyết chắp vá, cục bộ. Giáo dục ĐH Việt Nam phải chấp nhận một sự phân tầng trong hệ thống các trường ĐH. Việt Nam cần có một nền ĐH đại chúng có kết hợp với đào tạo tinh hoa.
Theo đó, trong một xã hội học tập sẽ có những ĐH đại chúng đào tạo chất lượng đại chúng và có những ĐH tinh hoa chất lượng cao, ĐH nghiên cứu, ĐH thực hành; thậm chí, ngay trong 1 loại ĐH thực hành cũng có sự phân tầng để phục vụ một xã hội học tập.
Vì vậy, tuyển sinh phải có tầng của nó chứ không thể tất cả đều theo một chuẩn, một chất lượng. Như vậy vừa đảm bảo được nhu cầu học tập của một xã hội học tập và vừa không gây nên sự căng thẳng trong tuyển sinh.
Để đảm bảo chất lượng thì ngành giáo dục sẽ làm ngược lại quy trình đào tạo hiện nay: đầu vào rộng rãi, đầu ra thu hẹp – hiện nay chúng ta đang làm một cách thiếu khoa học: đầu vào quá chật vật, căng thẳng; đầu ra quá rộng rãi.
Khi phân tầng cũng cần quy định nhiệm vụ đào tạo của các trường khác nhau, chứ trường nào cũng đào tạo các ngành giống nhau sẽ tiếp tục tạo nên cảnh “giẫm đạp” lên nhau để tuyển sinh.
Theo TPO
Bình luận (0)