Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tự chủ nửa vời, nhiều trường “xé rào“ vì thu không đủ chi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hiện nay có một nghịch lý rằng dù hầu hết các trường ĐH, kể cả trường công và trường tư đều đòi quyền tự chủ, thế nhưng một số trường công lập dù đã được giao quyền tự chủ nhưng lại vẫn thấy vướng mắc khi mà họ luôn đau đầu thu không đủ bù chi, không được tự chủ trong tuyển sinh, trong đầu tư cơ sở vật chất… dẫn đến việc họ phải “xé rào” tự cứu.

Học phí có đi cùng chất lượng?
Học phí có đi cùng chất lượng?
Tự chủ… nửa vời, manh mún
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có hơn 300 trường ĐH, CĐ công lập. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường ĐH công lập tại một số trường vẫn cho rằng, tự chủ tài chính còn mang tính hình thức, nửa vời.
GS.Hoàng Văn Châu – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho rằng: “Sau 4 năm thực hiện tự chủ tài chính, nhà trường vẫn không tạo ra được những đổi mới như mong muốn bởi cơ chế thiếu đồng bộ. Tự chủ đồng nghĩa với việc trường bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước; trường cũng không được hưởng quyền lợi, quy chế gì hơn so với các trường ĐH công lập khác ngoài việc được xây dựng một số định mức chi cao hơn quy định của Nhà nước (như chi lương đến 2,5 lần lương cơ bản).
Tuy nhiên, vì không được hưởng quyền lợi và cơ chế gì nên cũng không thể phát triển thêm nguồn thu để tăng lương. Suốt mấy năm qua, trường phải tự lo liệu chi phí thường xuyên và lương, thưởng cho hơn 500 giảng viên. Trong khi các khoản chi tăng rất nhiều cho cơ sở vật chất, lương, thưởng giảng viên thì trường lại không được giao tự chủ trong các nguồn thu của mình. Nếu cơ chế vẫn lạc hậu “xin – cho” như thế này e rằng, việc tồn tại cũng đã khó, chứ chưa nói đến nâng cao chất lượng.”
GS.TS.Ngô Thế Chi – Giám đốc Học viện Tài chính cũng khẳng định: Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục như hiện nay một cách manh mún, nhỏ giọt khiến các trường chưa chủ động trong hoạt động. Ví dụ như rõ rang tự chủ nhưng hễ khi máy móc, trang thiết bị của trường hư hỏng nay muốn đầu tư, nâng cấp lại phải thực hiện cơ chế “xin – cho”, làm giấy phép lên cấp trên xem xét.
“Xé rào” vì học phí thấp
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho GD&ĐT: Năm 2009: 97.826 tỷ đồng; năm 2010: 116.820 tỷ đồng; năm 2011: 144.541 tỷ đồng; năm 2012: 166.094 tỷ đồng. Như vậy, con số tiền tăng đều hàng năm nhưng phân tích về tình trạng chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) công lập hiện nay vẫn rất thấp.
TS.Nguyễn Trường Giang – đại diện Bộ Tài chính đưa ra hai lý do. Thứ nhất, đó là hạn chế của việc duy trì mức học phí thấp. Các đơn vị, không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.  Thứ hai, hạn chế của việc phân bổ NSNN bình quân. Cụ thể, hỗ trợ từ NSNN không gắn với kết quả số lượng, chất lượng học sinh đào tạo, hoạt động của các cơ sở đào tạo nên không tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các cơ sở GDĐH công lập.
Theo GS.Giang, thách thức lớn nhất hiện nay là trong điều kiện khung học phí chưa tăng nhưng mọi chi phí đào tạo đều tăng. TS.Nguyễn Trường Giang cũng thừa nhận việc duy trì mức học phí thấp chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cơ sở giáo dục ĐH “xé rào”, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định dẫn tới tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn thu.
GS.Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng nếu được tự chủ thực sự, trường sẽ “sống thoải mái”. Tuy nhiên, vấn đề là tự chủ thế nào? Tự chủ tài chính sẽ dẫn đến tự chủ trong đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học. Hiện các trường mới được tự chủ thu học phí, liệu các thứ khác có được thu hay không?
GS.Hoàng Văn Châu đề xuất, nếu Nhà nước không cấp chi phí thường xuyên trở lại cho trường thì phải giao cho trường cơ chế tự chủ. Cụ thể, được quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh, quyết định mức học phí cũng như các khoản thu khác theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học. Điều này cũng có nghĩa học phí phải bảo đảm bù đắp chi phí tiền lương và có tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất cho trường. Tuy nhiên, việc tự chủ phải đi liền với giám sát. GS.Phùng Xuân Nhạ – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng tự chủ và giám sát luôn đi liền với nhau và điều này rất quan trọng, nếu không thì việc tự chủ sẽ không đạt kết quả.
Lãnh đạo nhiều trường cho rằng tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo nhưng theo GS.Nhạ, khi trường tuyên bố chất lượng thế nào thì sinh viên ra trường phải bảo đảm được các yêu cầu đó; phải đo, đếm cụ thể được thì việc tăng học phí gắn với chất lượng đào tạo mới thực sự là chủ trương đúng.
Họ đã nói…
 “Nên giao quyền tự chủ từng phần cho các trường dưới sự kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Việc giao quyền tự chủ dựa theo nguyên tắc, các trường phải chịu trách nhiệm phần quyền được giao đến đâu, không được “xé rào.
GS.TS Ngô Thế Chi (Giám đốc Học viện Tài chính)
 “Vấn đề cần làm hiện nay là xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp với học phí để người học không bị thiệt thòi. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các trường để hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế cấp phát ngân sách cho các trường công lập một cách phù hợp”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
 “Để từng bước tính đủ học phí theo lộ trình thì ở giai đoạn 1, các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định. Giai đoạn 2, các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập”.
TS.Nguyễn Trường Giang (Bộ Tài chính)
Theo Uyên Na
(PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)