Lên Hà Nội từ 28/6 để chuẩn bị cho kỳ thi của cậu con trai, cha con bác Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) không khỏi toát mồ hôi khi nghe báo giá trọ tại những nhà dân quanh điểm thi vào trường Đại học Giao thông Vận tải.
|
Nhiều gia đình gần các điểm tuyển sinh tận dụng những ngày này cho sĩ tử thuê trọ với giá khá cao. Ảnh: Xuân Ngọc
|
Bác Thành cho biết, tìm chỗ trọ không khó vì hầu như nhà dân nào quanh đây cũng trưng biển “có phòng cho sĩ tử thuê trọ”, nhưng giá thì cao quá, mỗi ngày lên Hà Nội, chưa kể ăn uống, hai cha con đã hết tới 200.000 đồng. “Ở đến hết ngày thi cũng tốn hơn 2 triệu tiền ăn ở. Kiểu này, cậu cả thi xong thì nhà mất con bê”, bác Thanh nói.
Nếu chịu khó đi xa vài trăm mét hay thuê trọ trong những ngõ nhỏ quanh các điểm thi thì mức giá mềm hơn đôi chút, từ 70.000 – 80.000 đồng một ngày cho mỗi người, tính cả điện nước. Mức giá trên tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái với lý do giá điện nước và sinh hoạt đều tăng.
Theo tìm hiểu của PV, mức giá trên chỉ dành cho 3 đến 4 mét vuông, khi có đến 10 người thuê ở chung trong căn phòng rộng chừng 30 mét vuông hay 5 người cùng thuê một phòng rộng 20 mét vuông. Như vậy, chi phí ở cho mỗi sĩ tử cùng một người nhà cho một đợt thi đại học (4 ngày) ngót nghét cả triệu đồng, còn chủ nhà trọ cũng có lợi nhuận vài trăm nghìnđồng mỗi ngày.
Bên cạnh những phòng trống được sinh viên mới ra trường trả thì đa phần những phòng trọ thời vụ này đều là nhà ở của những người dân quanh các điểm thi đại học. Đến mỗi đợt tuyển sinh, họ sẵn sàng di cử để dành nhà trống cho sĩ tử thuê. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá thuê trọ tại những thời điểm này cao đến vậy.
Chị Hợp, chủ một nhà trọ trong ngõ ở Cầu Giấy lý giải: “Nhà rộng có 2 tầng, những ngày này con cái thì phải gửi về ông bà ngoại, hai vợ chồng cũng phải rải chiếu ngủ dưới bếp, dành nguyên cả tầng 2 cho thuê. Tính ra cũng kiếm đôi chút được nhưng có người lạ vào nhà nên buộc phải chấp nhận thói quen sinh hoạt đảo lộn.
“Như năm ngoái, cho thuê 2 đợt thi đại học xong, tôi sút gần hơn một kg vì không tài nào ngủ được. Ban đêm, các em ý chong đèn học suốt đêm, rồi nhiều người đưa con đi thi còn không quên mang theo điếu cày, khói mù cả nhà mà vẫn phải chịu. Thế thì giá 80.000 đồng vẫn là rẻ, mặt bằng chung rồi”, chị Hợp giãi bày.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là việc làm tát nước theo mưa của các chủ kinh doanh nhà nghỉ, phòng trọ mỗi đợt tuyển sinh. Ngồi uống nước, chờ con thi tại khu vực Mỹ Đình, bác Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, thường ngày giá nhà nghỉ những khu vực quanh đây cũng chỉ 200.000 – 250.000 đồng một ngày đêm cho mỗi phòng có điều hòa, ở được 2-4 người. Nhưng mấy ngày trở lại đây, giá nhà nghỉ quanh đây ùn ùn tăng giá gấp đôi nên nhà trọ bình dân mới được dịp thổi giá như vậy.
Thêm đó, nắm bắt tâm lý phụ huynh và các thí sinh đều sợ tắc đường và không muốn sĩ tử phải đi bộ quá xa đến điểm thi nên các nhà trọ quanh trường thi càng được dịp thét giá mạnh. Cũng theo đó mà giá trọ giảm dần từ 100.000-70.000 đồng theo khoảng cách gần hay xa địa điểm dự thi.
|
Các sĩ tử có thể thuê trọ thi trong các kí túc xá của các trường đại học với chi phí chỉ từ 30.000-50.000 đồng mỗi ngày. Ảnh: Xuân Ngọc
|
Trong khi đó, giá thuê trọ trong các ký túc xá của các trường đại học khá rẻ. chưa đến một nửa so với thuê nhà dân ở ngoài, chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng mỗi người mỗi ngày, tùy từng trường đại học. Thuê được 2 giường dành cho 2 cha con tại kí túc xá trường Đại học Xây dựng với giá chỉ 240.000 đồng cho 4 ngày, bác Mạnh (Vĩnh Phúc) cảm thấy vô cùng may mắn khi cậu con trai thi ngay tại điểm thi là trường đại học dự tuyển.
Tuy nhiên, chỉ thi gần những trường đại học, sĩ tử và người nhà mới có cơ hội đăng ký thuê trọ tại kí túc xá, còn những thí sinh thi tại điểm lẻ là các trường tiểu học, trung học, phổ thông do trường tuyển sinh mướn địa điểm thì dù giá trọ cắt cổ, gia đình sĩ tử cũng phải cố chịụ mà chẳng biết phải làm thế nào, dù tình trạng này đã diễn ra lien tiếp nhiều năm nay.
Theo Xuân Ngọc
(Vnexpress)
Bình luận (0)