Cùng với “phố nấu nướng”, hàng rong vẫn “thách thức” đội an ninh – trật tự liên ngành tại khu du lịch Sầm Sơn |
Cùng với Đồ Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm… Sầm Sơn (thuộc tỉnh Thanh Hóa) được liệt trong danh sách những bãi biển đẹp của các tỉnh phía Bắc với những truyền thuyết núi Cô Tiên, đền Độc Cước, chuyện tình hòn Trống Mái. Thế nhưng khi đến nghỉ mát nơi đây, du khách mới thấy được những chuyện “chướng tai gai mắt” đã làm cho những nét đẹp văn hóa của khu du lịch vừa tròn 100 năm tuổi phần nào bị “ô nhiễm”.
Từ “phố nấu nướng”
So với Cửa Lò, Thiên Cầm… những con phố dọc bãi biển Sầm Sơn vừa đẹp vừa rộng rãi. Ngoài những gian hàng bán đồ lưu niệm, ở đây các quán ăn mọc san sát. Trên con đường Bà Triệu, Võ Thị Sáu, Lê Lợi, Hồ Xuân Hương… vào sáng sớm người ta bán đủ các thứ như cơm, phở, bún, cháo… phục vụ thực khách sau khi đi tập thể dục và tắm biển về. Để gọi mời thực khách, các chủ quán đem nồi, bếp ra ngay lề đường mặc sức nấu. Ở Sầm Sơn có hai món ăn điểm tâm mà du khách đưa vào danh sách khoái khẩu là món bún chả và bánh cuốn chả. Không giống như món chả đùm, chả hấp ở các vùng quê khác mà ở đây chả nào cũng nướng. Vì thế dọc hai bên vỉa hè mới 5 giờ sáng người ta đã quạt than đốt lò để nướng cho kịp các miếng thịt đã băm nhuyễn vo tròn rồi đập dẹp lại như chiếc bánh rán. Khoảng 30 phút sau khi các vỉ nướng được đặt lên bếp than hồng cũng là lúc những đám khói bắt đầu cuộn thành từng vòng bay khắp nơi. Xen lẫn với mùi thịt cháy những đám khói đó vươn ra ngoài đường, bao phủ mọi cảnh vật và con người. Ai đi ngang đây cứ tưởng mình đang lạc vào xứ sở sương mù tận Anh quốc. Khói che tầm mắt người đi đường làm cho nhiều người dân đi xe máy không dám tăng ga mà phải chạy chậm lại để tìm một lối đi khác. Ngay cả mấy người tản bộ, đi tắm về cũng không dám chui vào vòng vây mịt mù của khói. Những đám khói tuy không chết người nhưng đã biến những con đường sạch đẹp thành phố nấu nướng để mấy chị mấy bà mặc sức chế biến thức ăn.
Đến dịch vụ “giải trí”
Bên cạnh những gian hàng bán đồ lưu niệm cố định dọc bãi biển Sầm Sơn vẫn duy trì một đội quân bán dạo đa phần là chị em gái. Thấy tôi đang cầm máy chụp hình đi tìm cảnh đẹp trước khách sạn Hoa Hồng, một cô gái lại chào mời mua đồ lưu niệm. Trong cái giá gỗ mà cô gái đeo trên vai có đủ mặt hàng quen thuộc như: ví, quạt, móc, chìa khóa, dây nịt… Sau khi mua mấy miếng nhựa xỏ chân vào giày, tôi lại bị cô ta mời mua những thứ khác. Dù kiên nhẫn nhưng thấy tôi lắc đầu, cô gái đành chuyển “chiêu” tiếp thị: “Mời anh mua mấy đĩa phim hay lắm”. Khách chưa kịp đồng ý thì người bán đã đưa ra trước mặt tôi gần một chục đĩa CD. Điều đáng ngạc nhiên là không có đĩa nào tải nhạc cả mà toàn đĩa phim với các tựa đề hấp dẫn được ghi ở bên ngoài như: Người đẹp châu Á, Xua tan nỗi buồn, Tuổi học trò, Nữ sinh Hải Phòng, Tình yêu của em, Đêm hạnh phúc… Nhìn vào những tấm hình in mấy cô gái khỏa thân, mặc đồ tiết kiệm ngay đến đứa trẻ cũng biết đó là loại phim gì. Tuy không mua nhưng tôi thử hỏi giá xem sao, cô gái chỉ xin 10 ngàn đồng một đĩa mà thôi. Tôi giả bộ chê: “Đây là loại phim đặc biệt nhưng giá rẻ như vậy chắc là… hàng giả”. Nghe khách hàng nói vậy cô gái trấn an: “Bác đem về mà xem, không có gì thì ngày mai ra đây em trả lại tiền cho”. Tưởng “cá gần như đã cắn câu” cô ta “bồi” tiếp: “Mua giùm em đi bác, hàng chất lượng cao mà”. Đến lúc này tôi phải từ chối thẳng: “Hàng này trên mạng đầy, miễn phí mà tôi còn chẳng muốn xem nữa là mua mấy thứ này làm gì. Coi chừng bị bắt đó”. Chỉ có như vậy cô ta mới chịu buông tha “con mồi” và vội rút êm.
Lần khác, tôi đang một mình bách bộ để ngắm cảnh hoàng hôn của núi Cô Tiên thì có người đàn ông khoảng 40 tuổi mời đi xe ôm. Biết tôi thích đi bộ tập thể dục nên anh ta thất vọng hẳn và tìm cách khác để níu kéo: “Ông anh có thích đi giải trí không?”. Tôi liền giả nai: “Ở đây có gì để giải trí?”. Chỉ chờ có thế anh ta nhanh chóng tiếp thị: “Khoản em út đó mà”. “Sầm Sơn làm gì có mấy cái đó” – tôi “dò đường” tiếp. Nghĩ đã gặp đúng “con mồi”, người đàn ông chạy xe ôm giới thiệu một loạt dịch vụ “giải trí” xung quanh đây: “Ông anh muốn đi bây giờ em sẵn sàng chở đến tận nơi, cần thì mấy nhà nghỉ gần gần đây cả thôi, kín đáo lắm”. Lúc này tôi mới hiểu chắc chắn tiếng lóng “đóng gạch” mà anh ta nói lúc nãy là làm việc gì rồi. Thấy tôi chê giá đắt anh ta phân bua: “Thì tiền nào của đó, 150 ngàn là rẻ rồi, đảm bảo là gái đẹp và trẻ nữa”. Sợ “khách làng chơi” tiếc tiền, anh ta buông một câu: “Nếu ông anh đồng ý giá 100 ngàn cũng có, theo em đi luôn”. Tôi lại tìm cách hoãn binh để khai thác tiếp “lộ trình giải trí” mà hai bên cứ nói thầm qua lại vào sát lỗ tai. “Nếu bác sợ em chở bác ra tận khu du lịch Sầm Sơn 2 ngoài xã Quảng Cư vừa an toàn vừa có hàng chất lượng cao”. Không cần phải dài dòng nữa tôi từ chối thẳng vậy mà anh ta còn đưa cho tôi số điện thoại 0123… (gặp Linh Lương) nếu cần cứ liên hệ sau.
Một thời gian dài dịch vụ “tắm ôm” ở Sầm Sơn rộ lên như một tệ nạn đã bị dư luận xã hội lên tiếng mà sau đó chính quyền địa phương đã nhanh chóng xóa sổ kịp thời. Nay những tệ nạn đó không còn đất sống nữa nhưng các dịch vụ “giải trí” như người chạy xe ôm tiếp thị vẫn như con sóng ngầm trong cái vẻ yên tĩnh thơ mộng ở vùng biển xứ Thanh. Điều khó hiểu là dịch vụ kinh doanh mà người chạy xe ôm nói chỉ cách trụ sở Đội an ninh trật tự liên ngành của Công an phường Bắc Sơn hơn 50 mét. Không hiểu những người có trách nhiệm có biết hay không? Nếu không biết thì chứng tỏ họ chưa nắm sâu sát tình hình trên địa bàn, còn nếu biết mà làm ngơ thì vô cùng nguy hại vì đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những tệ nạn xã hội có cơ hội phát triển đến khi các ban ngành của thị xã ra tay dẹp bỏ ắt đã quá muộn màng.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)