Việc kiểm định chất lượng các trường dạy nghề phải được xem là bắt buộc. Đây là mục tiêu chính mà Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra sau nhiều năm triển khai thí điểm chất lượng dạy nghề. Dự kiến, việc thực hiện bắt buộc này sẽ được tiến hành từ năm 2020.
Dạy nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề Từ Liêm. Ảnh: Thu Giang
|
Nhìn lại hoạt động thí điểm kiểm định dạy nghề từ năm 2008 đến nay cho thấy, chúng ta mới chỉ chú trọng vào chiều rộng, mà chưa đầu tư vào chiều sâu dạy nghề. Trong 3 năm thí điểm, chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, động viên các trường nghề là chính mà chưa có một sự ràng buộc nào. Việc kiểm định không hướng tới khái niệm xếp hạng trường nghề, bởi mục tiêu là thông qua kiểm định để đánh giá trường nào đạt chuẩn, trường nào chưa đạt chuẩn, từ đó giúp các trường tự điều chỉnh để nâng cao chất lượng. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở dạy nghề tham gia kiểm định tự nguyện, nhiều trường nghề chưa sẵn sàng cho kiểm định nên không tham gia. Con số thực tế cho thấy, trong 3 năm tiến hành kiểm định chỉ có 76/1.300 cơ sở dạy nghề (46 trường CĐ nghề, 18 trường trung cấp và 12 trung tâm dạy nghề) được kiểm định chất lượng, trong đó có 53 cơ sở dạy nghề đạt cấp độ 3, 15 cơ sở đạt cấp độ 2 và 8 cơ sở đạt cấp độ 1. Các cơ sở tiến hành khảo sát là những cơ sở dạy nghề hoạt động dạy nghề khá trong 3 năm qua. Có thể nói con số 76 cơ sở trong tổng số gần 1.300 cơ sở dạy nghề được kiểm định là quá ít.
Thực tế ngay cả những cán bộ trong ngành đã thừa nhận việc kiểm định chất lượng ít hiệu quả, dù số trường nghề đạt cấp độ 3 ngày càng nhiều, chứng tỏ việc đầu tư về chất lượng như thế vẫn chưa đủ vì nhiều trường nghề chỉ đăng ký kiểm định cho có, song không sử dụng kết quả đó để cải tiến chất lượng của nhà trường một cách toàn diện. Một điều đáng nói khác là kiểm định chưa thực hiện một cách đại trà vì chưa đủ nhân lực. Theo tiêu chuẩn để thực hiện kiểm định thường niên, mỗi trường cao đẳng nghề sẽ được đào tạo 5-7 kiểm định viên; 3-5 kiểm định viên đối với trung cấp nghề; 2-3 kiểm định viên với mỗi trung tâm dạy nghề và ít nhất 1 kiểm định viên với mỗi phòng quản lý dạy nghề của Sở LĐ-TB&XH. Vì vậy, với điều kiện nhân lực khan hiếm như hiện nay (chỉ có 298 kiểm định viên) khó có thể thực hiện kiểm định một cách sâu sát.
Công tác kiểm định đòi hỏi phải được làm thường niên đối với các cơ sở dạy nghề. Đây là một trong những giải pháp quyết liệt mà Tổng cục Dạy nghề đưa ra trong giai đoạn 2011-2020. Nhiều trường nghề cho rằng các yếu tố quan trọng nhất của một cơ sở dạy nghề cần được kiểm định đó là cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên. Hiện tại kỹ năng tay nghề của đội ngũ giáo viên trường nghề còn hạn chế, việc tiếp cận với phương pháp giảng dạy của nước ngoài còn ít. Chương trình đào tạo của các trường nghề cần được thay đổi để phù hợp với phương pháp đào tạo, tiếp cận được chương trình đào tạo của các nước tiên tiến. Theo bà Đoàn Thị Bình – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề đồng hồ – điện tử – tin học Hà Nội thì hiện vẫn còn những bất cập trong chế độ tuyển dụng và đãi ngộ đối với giáo viên dạy nghề nên chưa thể thu hút giáo viên dạy giỏi vào làm việc tại các cơ sở dạy nghề. Hoặc các giáo viên giỏi sau một số năm công tác đã tự xin chuyển công tác do chế độ lương thưởng quá thấp nên khó gắn bó được với các trường nghề. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác đào tạo của các trường nghề hiện nay.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc đã từng thừa nhận, quy mô đào tạo nghề tăng nhanh nhưng không cân đối với điều kiện bảo đảm chất lượng như đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và thiết bị, chương trình giáo trình còn nhiều bất cập, trong đó khâu kiểm định chất lượng bị buông lỏng. Do đó tạo khoảng cách khá xa giữa đào tạo và thực tế sử dụng lao động đã qua đào tạo… Nhìn lại thực tế trong 3 năm thực hiện thí điểm kiểm định, Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng 5 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng dạy nghề, hướng dẫn cụ thể hóa các quy định về kiểm định chất lượng dạy nghề theo Luật Dạy nghề, tạo khung pháp lý để triển khai thí điểm kiểm định tại các cơ sở nghề. Dự kiến, đến năm 2015 có 60% trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, 30% trung tâm nghề, 50% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng. Đến năm 2020 có 90% trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, 70% trung tâm dạy nghề, 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng.
Như vậy, mục tiêu là tới năm 2020 việc kiểm định sẽ là bắt buộc. Nếu cơ sở dạy nghề nào không đạt tiêu chuẩn kiểm định sẽ không được đào tạo nữa. Tuy nhiên, trước khi việc kiểm định là điều kiện bắt buộc thì việc hoàn thiện bộ máy nhân lực và những quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm định phải được xây dựng và thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ. Có như vậy, chúng ta mới tiến tới được mục tiêu như các nước bạn từng áp dụng là học sinh bỏ tiền mua dịch vụ đào tạo và họ có quyền biết chất lượng đào tạo ấy như thế nào qua kết quả kiểm định. Điều này sẽ đưa ra được chuẩn đào tạo và chuẩn đầu ra sau đào tạo của các học viên, quyết định chất lượng lao động ở nước ta, tránh phải nhập khẩu lao động kỹ thuật.
Theo Kim Vũ
(HNM)
Bình luận (0)