Người dân vất vả hái chè trên nông trường |
Huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) là vùng đất nổi tiếng về nghề trồng chè. Cùng với năm tháng, những con người sinh sống nơi đây cũng đang ngày đêm sống nhờ một nghề cơ bản: hái chè thuê. Với họ, đó là miếng cơm, manh áo và là cả tương lai phía trước.
Giọt mồ hôi trên nương
8 giờ sáng, trên những ngọn đồi bạt ngàn chè, những người hái chè đã tụ tập đông đủ. Nhìn vẻ mặt của mỗi người, hình như ai cũng nôn nóng muốn bắt đầu công việc sớm. Nhưng tất cả đều phải chờ đợi sự xuất hiện của người quản lý nông trường. Vì nếu không có lệnh của những người này, không ai dám đi vào hái trước. “Hầu hết, các gia đình nơi đây, không ít thì nhiều đều có vài sào đất để trồng chè và cà phê. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào mấy sào chè và cà phê hằng năm thì chỉ có chết đói. Cà phê cả năm mới thu hoạch một lần mà tiền đầu tư vào đâu có ít ỏi gì. Còn chè thì cũng chẳng ăn thua. Tính ra, giá bán một kg chè cũng bằng giá hái thuê một kg chè thôi”, bác Thu (Lộc Tân, Bảo Lâm) cho biết. Bác Thu là một trong nhiều người hái chè lâu năm ở đây. Gia đình bác vào đây từ đầu năm 1992. Sau mười năm từ miền quê Thái Bình vào đây lập nghiệp, dành dụm mãi, hai vợ chồng bác cũng mua được năm sào đất để trồng trọt, chăn nuôi. Đất đai có được không làm đời sống của đôi vợ chồng cùng ba người con khấm khá lên được bao nhiêu. Cái nghèo vẫn tiếp tục bám trên đôi vai những con người gầy yếu. Để có được cái ăn, cái mặc cho cho lũ con hằng ngày, họ vẫn phải tiếp tục lên nương, hái chè thuê cho các công ty. Gia đình bác chỉ là một trong số hàng trăm gia đình nơi đây sinh sống bằng nghiệp hái chè. Và từ bao giờ, nó trở thành công việc và thu nhập chính trong gia đình. Công việc hái chè tưởng như rất đơn giản vì chỉ cần chiếc gùi để đeo sau lưng, hai mảnh dao lam dán vào tay là có thể “hành nghề”. “Cả xã sống bằng nghề đó, nếu không nhanh tay, nhanh chân thì người khác làm mất. Mà nghề này nó cũng “bạc” lắm cháu ạ. Còn sức khỏe, còn dẻo dai thì còn làm được. Chứ như bác bây giờ, mới hơn 50 tuổi thôi mà đã cảm thấy xuống sức lắm rồi. Nếu không làm thì lấy đâu ra tiền cho con ăn học”, bác Báo, một “cựu viên” của đội hái chè, cho biết. Công việc hái chè đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe mới có thể chịu được khí hậu nơi “xứ sở sương mù” này. Họ không phải thức khuya, dậy sớm nhưng phải chịu áp lực làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bất kể nắng mưa. Không bị ai quản lý giờ giấc, nhưng nếu không lao lực như vậy, họ không thể có đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Trung bình, mỗi kg chè hái ra họ được trả 2.500đ. Giá cả lên hay xuống còn tùy thuộc vào loại chè mà họ hái, tùy thuộc vào giá cả thị trường và tất nhiên còn tùy thuộc vào từng công ty. Bác Báo cho biết thêm: “Trung bình một ngày mỗi người hái được khoảng 25 kg, người nào chịu khó lắm cũng chỉ được 30kg là cùng”. Tôi nhẩm tính, với số lượng chè mà họ hái ra cùng với số tiền mà các công ty chè trả cho họ, trung bình mỗi người một ngày có thể kiếm được 60.000đ. Công việc vất vả là thế nhưng không phải ngày nào họ cũng có việc làm. Sau mỗi đợt tổng thu hoạch, các công ty lại ngưng khoảng gần một tuần lễ để chăm sóc chè. Và thử hỏi, trong những ngày đó, những nhân công không hợp đồng này còn việc gì khác ngoài “ngồi chơi xơi nước”? Vì vậy để có việc làm liên tục, nhiều gia đình đã phải liên hệ nhiều công ty khác nhau. “Cũng chính vì lí do này mà nhiều khi nhà em “xoay” không kịp. Có khi đang hái chỗ này thì chỗ khác lại gọi. Không nhận thì mất mối làm ăn nên nhà em phải chia ra mỗi người đi mỗi ngả. Nhà nào đông người còn đỡ, còn nhà chỉ có một người thì cực vô cùng. Cũng là hái chè cả mà hôm nay ở nông trường này, mai phải chạy qua chỗ khác”, chị Hoa – em gái bác Báo – phân bua.
Hái chè “quên” học
Tham gia công việc hái chè thuê không chỉ có người lớn, mà còn có cả “đội quân nhí”. Trong số đó có nhiều em còn rất nhỏ và đang trong độ tuổi cắp sách tới trường. Những gương mặt non nớt, những nụ cười thật dễ thương. Trong khi ở những nơi khác, các bạn cùng lứa tuổi đang tung tăng cắp sách tới trường thì ở nơi này, các em lại phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tôi gặp Dung, cô bé mới chỉ học hết lớp bốn. Dung cho biết, em bắt đầu theo mẹ lên nương từ năm lên bảy tuổi. Ban đầu chỉ là thú vui, nhưng khi quen công việc, Dung mê luôn nghiệp hái chè. Sáu năm học tiểu học, em phải học lại lớp ba và bốn. Lớp Dung có 32 bạn thì 6 bạn đã nghỉ học để đi làm cùng bố mẹ. Tôi hỏi em có ý định học nữa không, em hồn nhiên đáp: “Em cũng chưa biết nữa. Em học không vào nhưng hái chè thì giỏi lắm. Các cô, các bác ở đây ai cũng khen. Ở đây, nhiều người bỏ học đi hái chè lắm chị ạ”. Và để chứng minh cho những gì mình nói là đúng, cô bé ngưng tay chỉ vào những anh chị chỉ nhỉnh hơn mình vài tuổi và cho biết họ đều đã nghỉ học để đi làm như người lớn. Giang, hàng xóm của Dung mới chỉ học hết lớp tám cũng vừa “nghỉ học dài hạn”, cho biết trường THPT cách nhà ba mươi cây số, đường sá đi lại khó khăn, trước sau gì cũng nghỉ nên Giang quyết định “tốt nghiệp sớm”. “Em cũng nghe theo bạn bè rủ thôi. Bố mẹ em cũng không phản đối gì vì bạn bè em rất nhiều người như vậy. Em có đứa bạn thân cũng đã nghỉ học. Nó đang rục rịch định sang năm lấy chồng. Thầy cô cũng có vận động bọn em đi học lại nhưng cũng chỉ có vài đứa thôi”, Giang tâm sự. Chặng đường tương lai của các em còn dài ở phía trước. Đến khi nào, những bậc làm cha mẹ cùng các em mới ý thức để hái chè mà không quên chuyện học?
Ngọc Anh
Bình luận (0)