Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Những lưu ý trước ngày thi

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn ba ngày nữa là kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 sẽ chính thức diễn ra với những thí sinh (TS) đăng ký dự thi (ĐKDT) đợt 1, khối A và V. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Quốc Cường (ảnh)chuyên viên phụ trách công tác tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – có những lưu ý đối với TS.
 * Cho đến nay, không ít TS vẫn chưa nhận được giấy báo thi (GBT), họ cần phải làm gì để có GBT thưa ông?
– Nếu đến giờ TS vẫn chưa nhận được thì khả năng GBT đã bị thất lạc. Nguyên nhân có thể do TS yêu cầu nhận GBT qua đường bưu điện nhưng lại ghi sai địa chỉ hoặc ghi địa chỉ nơi trọ học không rõ ràng. Với những trường hợp này, TS cần liên hệ ngay với nơi đã nộp hồ sơ ĐKDT để được cấp giấy giới thiệu đến trường ĐH đã ĐKDT để làm lại GBT. Tất cả trường hợp này đều sẽ được giải quyết.
Riêng tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, hiện vẫn còn cả ngàn GBT của TS tự do ĐKDT vào gần 200 trường ĐH-CĐ trong cả nước. Văn phòng mở cửa phục vụ TS cho đến sát ngày thi, nhưng TS cần đến nhận GBT sớm một vài ngày trước ngày thi, xem GBT của mình có gặp trục trặc gì không để còn thời gian chuẩn bị. 
* Ở mỗi đợt thi, trước buổi thi chính thức sẽ có buổi sinh hoạt chung cho TS tại các hội đồng thi, nhưng nhiều TS thường tỏ ra khinh suất, không tham dự. Ông có thể cho biết sự “lợi hại” của buổi sinh hoạt chung này đối với TS?
– Đến dự buổi sinh hoạt chung này, ngoài việc TS tự mình nắm bắt được địa điểm thi nằm ở đâu, phòng mình sẽ thi ở vị trí nào tại hội đồng thi đó, lộ trình từ nơi ở đến nơi thi là bao xa và mất bao lâu để đến đó… thì TS còn được các giám thị hướng dẫn nội quy phòng thi, chỉnh sửa những sai sót trên GBT, lưu ý về giờ thi… Nắm vững những quy định này sẽ giúp TS tự tin, thoải mái về tâm lý khi chính thức bước vào kỳ thi.
Cũng cần nhấn mạnh, việc xác định lộ trình từ nơi ở đến địa điểm thi là vô cùng cần thiết đối với những TS ở xa về TP.HCM dự thi để tránh tình trạng kẹt xe – trễ thi có thể xảy ra. Các buổi thi ĐH thường bắt đầu rất sớm. Chẳng hạn: buổi sáng, 7g15 mới bắt đầu làm bài, nhưng từ 6g30 TS đã được gọi vào phòng thi nên TS cần chủ động có mặt tại phòng thi sớm hơn 10 phút. Nếu đợi đến ngày đi thi mới dò đường thì có thể hỏng việc.
Lại có trường hợp, TS không đi dự buổi sinh hoạt chung và nhầm tưởng giờ thi cũng như giờ tập trung sinh hoạt (8 giờ) nên đã đi trễ và đương nhiên không được dự thi.
* Những sai sót về họ tên, ngày tháng năm sinh, hộ khẩu… trên GBT, TS có buộc phải chỉnh sửa lại không? Chỉnh sửa ở đâu và có dễ dàng không?
– Những sai sót này cần được sửa lại cho đúng và việc này sẽ được tiến hành tại phòng thi vào buổi tập trung sinh hoạt trước mỗi đợt thi (năm nay, buổi sinh hoạt của đợt 1 vào ngày 3/7, đợt 2: 8/7 và đợt 3: 14/7, việc chỉnh sửa khá đơn giản nên TS không phải lo lắng.
* Đối với trường hợp TS bị mất bằng tốt nghiệp thì sao, thưa ông?
– Theo quy định của Bộ, khi vào phòng thi, TS phải có giấy chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp THPT (đối với những TS đã tốt nghiệp THPT từ năm 2010 trở về trước), giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với TS vừa mới tốt nghiệp THPT năm nay), GBT. Trường hợp nếu bị mất bằng tốt nghiệp THPT, TS phải liên hệ với Sở GD-ĐT (nơi cấp bằng tốt nghiệp THPT cho TS) để được cấp bản sao (không sử dụng bản phô tô công chứng).
* Trong trường hợp đến sát ngày thi hoặc trên đường đi thi, TS bị mất giấy tờ sẽ giải quyết thế nào?
– Nếu gặp phải xui xẻo này, TS cứ mạnh dạn đến phòng thi trình bày sự việc. Sau khi chụp lại ảnh và lấy dấu vân tay của TS, hội đồng thi sẽ cho TS dự thi bình thường.
* Thưa ông, TS được phép và không được phép mang những vật dụng nào vào phòng thi?
– Đây là những chuyện rất cũ nhưng lại luôn mới và đòi hỏi TS phải ghi nhớ. TS được phép mang vào phòng thi bút mực, bút chì, máy tính (loại không có thẻ nhớ và không có chức năng soạn thảo văn bản), thước kẻ, compa và không được phép mang vào phòng thi Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, Atlat địa lý, điện thoại di động và các thiết bị thu phát sóng, máy nghe nhạc MP3. Nếu TS mang điện thoại di động và bị giám thị phát hiện thì dù tắt hay mở, có sử sụng hay không cũng đều bị lập biên bản và bị đình chỉ thi ngay lập tức. Ở mùa thi trước từng xảy ra trường hợp: sau khi làm bài và nộp bài xong, TS lấy điện thoại di động ra gọi người thân đến đón về và đã bị lập biên bản – đình chỉ thi và hủy kết quả một cách oan uổng.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Minh Nhật
(PNO)

Bình luận (0)