Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nợ công dự báo chiếm 62% GDP

Tạp Chí Giáo Dục

 
Theo ông Eric Sidgwick, tân Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân cần được thực hiện chứ không chỉ nằm trên giấy

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,6% năm tới là dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại buổi họp báo về cập nhật tình hình phát triển kinh tế châu Á và Việt Nam, tổ chức ngày 22-9 ở Hà Nội.

Cần tái cơ cấu nợ công

Ông Eric Sidgwick phân tích: “Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện.

Đưa ra con số tỉ lệ lạm phát trong tháng 8 giảm đến 0,6% so với cùng kỳ năm trước, tỉ lệ lạm phát trung bình 8 tháng đầu năm là 0,8%, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB, đánh giá lạm phát thấp cũng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giá cả hàng hóa toàn cầu ở mức thấp, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước duy trì một chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Việc điều chỉnh tỉ giá tiền đồng trên thị trường tiền tệ thời gian qua sẽ góp phần làm tăng lạm phát trong năm 2016 nhưng mức tăng giá chung vẫn thấp.

Theo ông Eric Sidgwick, sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Xu hướng tiêu dùng tăng, tín dụng cao hơn sẽ phải tiếp tục theo dõi, tạo áp lực lên lạm phát. Đó là lý do ADB dự báo lạm phát tăng cao hơn trong năm 2016. “Nhưng điều này cũng cho thấy Việt Nam không phải lo ngại về giảm phát, chúng ta còn xa mới đến tình trạng này” – ông Sidgwick đánh giá.

Trong khi đó, nợ công, bao gồm nợ do Chính phủ bảo lãnh, dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Ông Sidgwick cho rằng mặc dù Chính phủ đúng đắn khi ưu tiên theo dõi nợ công song quan trọng hơn phải nhìn vào cấu trúc nợ công.

Hiện nay, nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn, vẫn giữ ở mức 28% GDP trong 3 năm qua, trong khi nguồn vốn trong nước với chi phí cao hơn dự báo sẽ tăng lên khoảng 33% GDP. “Chính phủ cần cơ cấu lại nợ công nhằm giảm chi phí xuống mức thấp nhất cho Việt Nam” – ông Eric Sidgwick lưu ý.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Container Quốc tế Việt Nam ở TP HCM - Ảnh: TẤN THẠNH

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Container Quốc tế Việt Nam ở TP HCM – Ảnh: TẤN THẠNH

Tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Ông Aaron Batten cũng lưu ý về rất nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế toàn cầu chưa ổn định, kinh tế của các đối tác thương mại và đầu tư lớn là Trung Quốc và Nhật Bản đang chậm lại. Thặng dư thương mại thu hẹp, nhập khẩu tăng cùng với doanh thu từ dầu thô giảm sẽ làm giảm thặng dư của cán cân vãng lai. Hiện tượng El-nino có thể làm giảm sản lượng nông nghiệp trong năm 2016 là một thách thức không nhỏ với nền kinh tế.

Còn theo ông Sidgwick, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc – một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam – có thể kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp.

Trong khi các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng, chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu, thì DN trong nước chật vật trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam cần cải cách cơ cấu và tăng cường cạnh tranh để DN trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, giảm ưu tiên đối với DN nhà nước để DN tư nhân được cạnh tranh công bằng hơn.

“Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế” – ông Sidgwick khuyến cáo.

Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam sẽ tham gia các hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, ông Sidgwick lưu ý cần tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DN tư nhân. “Với Việt Nam, phát triển các DN vừa và nhỏ rất quan trọng, nhất là tạo môi trường để DN tư nhân phát triển. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều luật để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân, song điều quan trọng là thực thi các điều luật đó. Cần có cơ chế theo dõi, giám sát thực hiện để những điều luật này không chỉ tồn tại trên giấy. Từ đó, tạo sân chơi bình đẳng hơn trong các hoạt động kinh tế” – ông Sidgwick kết luận.

Chưa chịu tác động lớn nếu FED tăng lãi suất

Trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD, ông Aaron Batten đánh giá động thái này sẽ ảnh hưởng chính tới dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường tài chính và Việt Nam, do thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh nên chưa chịu tác động lớn. Việt Nam cần theo dõi dòng vốn FDI bởi cơ sở cho tăng trưởng đến từ khu vực xuất khẩu này.

Dương Ngọc (NLĐ)

 

Bình luận (0)