Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mưu sinh cùng với ngày hè

Tạp Chí Giáo Dục

Đã 12 giờ trưa mặc cho cái nắng như đổ lửa nhưng đoàn người bán hàng rong vẫn tìm cách đeo bám khách du lịch mong kiếm được vài ngàn bạc từ một món đồ nào đó tại điểm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, một di sản thiên nhiên của thế giới ở tỉnh Quảng Bình. Trong đội quân đó có những đứa trẻ chỉ trên dưới 10 tuổi sau một năm học vội vàng rời sách vở ra đường kiếm kế mưu sinh.

Đội quân bán dạo trong khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng

Đội quân nhí bán dạo 
Khi trông thấy chúng tôi vừa bước chân vào quán cơm trong khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, một cậu bé khoảng độ 12, 13 tuổi vội chạy đến giúi vào tay du khách những chiếc đĩa CD miệng không ngớt lời rao: “Mua đĩa Phong Nha – Kẻ Bàng đi chú”, “Đây là đĩa ca nhạc Quảng Bình quê ta ơi hay lắm , cô lấy giùm cháu đi”. Tôi chưa kịp trả lới thì một vài đứa trẻ khác có cả trai lẫn gái cũng nhao nhao đồng thanh rao bán mặt hàng đặc sản của vùng đất nắng gió này. Thấy phía bên ngoài có một du khách chọn mua 2 đĩa CD thế là bọn trẻ “bỏ rơi” chúng tôi và vội vàng chạy đến tấn công “mục tiêu” mới mà nhóm trẻ khác đang sở hữu. Thế là cả khu vực trước quán cơm hỗn độn, nhao nhao cả lên. Người đàn ông đứng gần sạp bán quần áo đang hào hứng chọn mua 2 đĩa CD bỗng nhiên khó chịu khi bị đám trẻ bao vây, ông ta nhăn mặt nói vài câu gì đó rồi bỏ đi. Như bị mất “miếng mồi ngon” lũ trẻ ba chân bốn cẳng chạy theo tay giơ xấp đĩa CD ra trước mặt người đàn ông đứng tuổi nọ miệng cứ tiếp tục rao ra rả.
Trước đó, trong khi chờ xe tìm điểm đậu trong khu du lịch, tôi cùng nhiều người khác đứng chờ dưới bóng cây sát hàng rào của khu du lịch. Bỗng nhiên có một cái khều nhẹ sau lưng, tôi vội giật mình quay lại sau thì thấy một người phụ nữ đội chiếc nón kết miệng bịt khẩu trang nói lí nhí một câu gì đó rồi lấy tay chỉ chỉ vào cái giá bằng gỗ treo đầy mắt kiếng đủ loại. Thấy lạ tôi liền hỏi: “Muốn mua bán gì thì cứ vào trong hàng rào chứ đứng ngoài đó làm sao tôi mua được”. Lúc này người bán hàng cất tiếng: “ Chú thông cảm con không được vào đó, mua gì chú cứ nói con lấy cho luôn”. Khi người bán hàng bỏ chiếc khẩu trang ra tôi mới nhìn thấy người phụ nữ này chỉ là …. một cô bé mới khoảng 16, 17 tuổi thôi. Do mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình và nhìn nước da ngăm đen nên mới nhìn tôi cứ tưởng là một người phụ nữ đứng tuổi. Bị “chất vấn”, lúc đầu cô bé chỉ “giới thiệu” mình là học sinh lớp 10 của Trường THPT Sơn Trạch, sau mới nói tên là Hoa. 
Trong đội quân lưu động ở Phong Nha, tôi chú ý đến 2 bé gái chỉ độ 8, 9 tuổi. Các em cho biết đều là học sinh của Trường tiểu học Sơn Trạch nghỉ hè là rủ nhau ra đây bán hàng rong. Do “sức hèn tài mọn” nên các em không thể mang trên vai các mặt hàng như kính mát, quạt, ví, bóp… để đi bán dạo mà chỉ chọn mặt hàng đĩa CD hoặc vài tấm bưu ảnh. Sang kể: “Một đĩa CD lấy từ mối chỉ 5 đến 6 ngàn đồng nếu bán ra 10 ngàn đồng thì tụi con lời được 4 ngàn, nhưng gặp khách trả giá 7, 8 ngàn đồng / đĩa cũng bán luôn”. Một cô bé có lúm đồng tiền xinh xinh học lớp 6 trường THCS Sơn Trạch cho biết: “Tụi con bán cái này vì giá rẻ, dễ lấy và thấy du khách đến đây mua rất nhiều. Nếu bán được 10 đĩa cũng có được 30 ngàn đồng đưa về cho mẹ rồi”. Một vài đứa trẻ khác lại chỉ bán bưu ảnh về Phong Nha, giá 1.000 đồng/ một tấm để khỏi bị đụng hàng. 
Quên cả tuổi thơ
 Sau khi mua vài đĩa CD, tôi tìm cách trò chuyện với người bán hàng đang ở tuổi vị thành niên có nước da đen nhẻm, mái tóc cháy khét khô rang. Lúc đầu cậu ta không chịu nói tên mà chỉ khiêm tốn tự giới thiệu là học sinh lớp 7 Trường THCS Sơn Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình. Sau đó dùng “mưu kế” dụ mấy đứa trẻ khác, tôi được biết cậu ta tên Sang “nổi danh” nhất trong đội quân nhí này. Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, tôi thấy Sang có nhiều “lợi thế” hơn nhóm bạn: bự con, lớn tuổi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn… Có lẽ chính vì thế mà cậu ta hầu như làm chủ cả khu vực này. Nhà Sang nghèo, ruộng đất ít, cha mẹ có 6 anh em nên chuyện kiếm ăn hàng ngày của cả nhà rất vất vả. Tuy chưa biết làm ruộng nhưng ngoài 1 buổi đến trường Sang còn phải lên rừng chặt củi, xuống khe bắt cá, tới mùa đi mót lúa, mót khoai để phụ giúp cha mẹ. Cũng may do trọng chữ nghĩa, nên bọ mạ (cha mẹ – tiếng địa phương) của em không bắt em nghỉ học như nhiều đứa trẻ khác trong làng. Theo lời Sang kể, 2 chị gái sau khi học xong lớp 9 thì bọ mạ cho đi lấy chồng, một anh trai đi làm công nhân trong miền Nam, còn một anh theo người chú lái đò phục vụ khách du lịch Phong Nha trên dòng sông Son.
Hoàn cảnh của Hoa thì có chút đặc biệt hơn, ba không còn, nhà chỉ có một người mẹ và 2 đứa em trai. Hồi hơn 10 tuổi Hoa đã theo mẹ ra đây để kiếm sống như mấy đứa trong xóm rồi. Có khi một ấm nước chè xanh, một rổ trái cây cũng đủ tiền để hai mẹ con gom lại ngày mai đi chợ mua gạo, mua thức ăn. Lâu dần bán những thức đó bị ế, mẹ theo người ta bán hàng dạo như ví, kiếng mát, quạt, móc chìa khóa… Thế nhưng từ khi Phong Nha được quy hoạch thành khu du lịch, người ta không cho mẹ con Hoa vào trong đó bán nữa. Ai muốn mở kiốt để bán thì phải có đăng ký và đóng các khoản tiền theo quy định. Do nhà nghèo, lưng vốn không bao nhiêu mẹ con Hoa vẫn “thủy chung” với nghiệp bán dạo ở vòng ngoài. Em cho biết muốn bán chạy hàng thì không có cách nào hơn là tìm mọi cách “bán chui” qua hàng rào dù biết như vậy là sai quy định.
Do cuộc sống khó khăn mà các em phải bươn chải thêm để phụ giúp gia đình kiếm sống. Ngay cả những ngày hè trong lúc những đứa trẻ khác được theo ba mẹ đi chơi, du lịch từ nơi này sang chỗ khác thì những đứa trẻ ở vùng đất Phong Nha này vẫn hàng ngày đội nắng đi bán hàng rong như không hề biết đến tuổi thơ của chính mình.
Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)