Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hành trình đi tìm mộ đồng đội

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Viết Quản đang xem danh sách các liệt sĩ ông tìm thấy. Ảnh: V.M

Trận chiến Tua Hai – Tây Ninh (năm 1972) có rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Và hơn 36 năm qua những người vợ, người con vất vả đi tìm hài cốt của chồng, của cha… nhưng tất cả đều rơi vào vô vọng. Rồi một hôm niềm hy vọng lại lóe lên khi họ hay tin có một đồng đội đã âm thầm đi tìm mộ liệt sĩ trong nhiều năm trời. Đó là ông Nguyễn Viết Quản, cán bộ công an về hưu ở số nhà 5A, Đồng Tháp, quận 5, TP.HCM.
Ở nơi đó có đồng đội tôi nằm
Tôi gặp ông Nguyễn Viết Quản trong căn nhà cấp 4 trên đường Đồng Tháp (Q.5). Với khuôn mặt phúc hậu, tính tình cởi mở của người lính già, khi nghe tôi hỏi về hành trình đi tìm mộ đồng đội, ông nói: “Đó là trách nhiệm, là chút tình cuối cùng của những người còn sống với đồng đội đã hi sinh. Chúng tôi phải đi tìm vì ở nơi đó có đồng đội tôi nằm”.
Ông Quản nhập ngũ năm 1968 thuộc Tiểu đoàn Đặc công số 8 (D8), Trung đoàn 429. Sau thời gian huấn luyện tại miền Bắc, đầu năm 1972, toàn bộ 300 chiến sĩ của D8 được lệnh đi B. Trải qua hơn 3 tháng băng rừng, lội suối vượt qua nhiều tỉnh của Việt Nam và các nước bạn Lào, Campuchia (đường Tây Trường Sơn) rồi tiểu đoàn cũng vào được chiến trường Tây Ninh. Trên đường đi do sốt rét, bệnh tật, rắn rết cắn và đạp phải bom mìn của địch, nhiều người phải nằm lại tại các trạm quân y dọc đường, nên khi tới địa điểm tập kết D8 chỉ còn khoảng 160 người. Ông Quản và nhiều đồng đội khác bị sốt rét nhưng đã cố động viên nhau và cuối cùng họ tới nơi tập kết an toàn. Do quân số còn quá ít, D8 đã được bổ sung thêm hơn 50 người, sau đó đổi tên thành Tiểu đoàn Đặc công miền Đông Nam bộ (D18), Trung đoàn 426 (E426).
Đến chiến trường Tây Ninh, sau thời gian nghỉ ngơi, D18 được lệnh tấn công cứ điểm Tua Hai (Tây Ninh). Trận đánh này, ông Quản được phân công làm đội trưởng đội một. Trong khi triển khai tấn công cứ điểm, một chiến sĩ giẫm phải mìn phát sáng của địch, kế hoạch bị bại lộ, trận chiến bất thành. Nhiều chiến sĩ hy sinh, trong số đó có liệt sĩ Đặng Quang Thắng (người đồng hương ở huyện Hưng Việt, tỉnh Hưng Yên với ông Quản). Sau đó, tiểu đoàn tổ chức quay lại tìm thi hài các đồng đội đã hi sinh, nhưng vì địch bố trí binh lực mạnh nên trong 3 đêm liên tiếp vẫn không tìm được. Chiến dịch liên tiếp diễn ra và ông Quản bị thương trong một trận đánh phải chuyển đi nơi khác điều trị. Sau đó ông và đồng đội nghe tin quân ngụy đã lấy hết xác của bộ đội ta chôn theo kiểu mộ tập thể nên không nghĩ đến việc đi tìm hài cốt nữa.
Sau năm 1975, ông Quản chuyển công tác sang ngành công an nên cũng không có thời gian đi tìm hài cốt đồng đội. Tuy vậy ký ức về đồng đội đã hi sinh luôn ám ảnh ông. Và đã nhiều lần ông đi tìm kiếm nhưng mọi thông tin vẫn rơi vào vô vọng. Cuối năm 2006, có đồng đội cũ của ông ở D18 đã xuất ngũ, tổ chức chuyến thăm lại chiến trường Tua Hai năm xưa. Khi các ông đến thăm nhưng không biết đồng đội ở chỗ nào, từ đây ông Quản hứa với lòng mình là sẽ đi tìm hài cốt những liệt sĩ thuộc D18 đã hy sinh trong trận đánh Tua Hai. Với suy nghĩ: “Nhiều đồng đội còn nằm lại nơi rừng thiêng nước độc để những người khác được sống. Không biết bây giờ đồng đội của mình đang nằm ở đâu? Và bao người thân của họ đang hàng ngày mong chờ thông tin”. Điều đó làm ông Quản luôn day dứt. Dù kinh tế eo hẹp, tiết kiệm từng đồng lương hưu, ông Quản đã quyết tâm lên đường tìm đồng đội.
Hành trình đi tìm đồng đội
Để có thông tin, ông Quản tìm gặp đại tá Vũ Hồng Ninh, nguyên Phó phòng Đặc công, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, trình bày ý nguyện đi tìm hài cốt đồng đội ở D18 đã hy sinh tại trận đánh Tua Hai. Ông Quản được đại tá Ninh giới thiệu sang Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Từ đây, ông Quản đã được cho xem hàng trăm cuốn hồ sơ lưu trữ tên tuổi của những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Rồi ông Quản đã tìm thấy tên của liệt sĩ Đặng Quang Thắng, tên tuổi thì đúng nhưng địa chỉ lại ghi sai tên xã và huyện. Khi có đủ thông tin về các liệt sĩ, ông Quản được các đồng chí trong Phòng Chính sách giới thiệu đến gặp Ban Chính sách Tỉnh đội Tây Ninh. Sau khi nghe ông Quản trình bày và xem danh sách tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ, cán bộ Đội quy tập liệt sĩ (Tỉnh đội Tây Ninh), khẳng định là những liệt sĩ này hiện được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoà Thành (Tây Ninh).
Đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Hòa Thành, ông Quản đã tìm thấy 20 bia mộ có khắc tên của những chiến sĩ D18 hy sinh tại trận đánh Tua Hai. Ông Quản nói: “Hơn mấy mươi năm xa cách không ngờ hôm nay tôi lại tìm được mộ đồng đội mình. Vì trong trận chiến đấu ở cứ điểm Tua Hai, đồng đội của tôi đều bị bọn giặc cướp mất thi hài”. Sau này ông Quản mới hay, sau trận đánh, các má hoạt động cách mạng quanh khu cứ điểm Tua Hai đã quyên góp tiền hối lộ cho quân ngụy để xin xác những anh em tử trận mang về mai táng. 
Sau khi đã xác định được đúng 20 ngôi mộ là của đồng đội cũ tại D18, ông Quản đã viết thư báo tin cho 20 gia đình của liệt sĩ và mong muốn được giúp đỡ trong việc di chuyển hài cốt đồng đội về quê. Theo yêu cầu của gia đình các liệt sĩ Đặng Quang Thắng, Trần Quang Yên, ông Quản và gia đình liệt sĩ đến nghĩa trang huyện Hòa Thành (Tây Ninh) xin Ban quản lý nghĩa trang để di chuyển hài cốt các liệt sĩ về quê. Ông Quản hứa: “Trong thời gian tới tôi sẽ đưa tiếp 18 hài cốt liệt sĩ vẫn còn đang nằm tại nghĩa trang huyện Hòa Thành về quê hương để an táng”.
Văn Mạnh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)