Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Đệ nhất… leo dừa”

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Mười Hai luôn nở nụ cười lạc quan

Gần 30 năm qua, chị Nguyễn Thị Mười Hai (ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn rảo bước trên khắp các hang cùng ngõ hẻm kiếm sống bằng nghề hái dừa thuê. Với thành tích hái dừa chuyên nghiệp, chị được bà con thương mến tặng cho danh hiệu“Đệ nhất… leo dừa”.
Con gái làm nghề… “kỳ cục”!
Nghề này nếu sơ sẩy là mất mạng như chơi. Nhưng cũng nhờ nó mà gia đình tui mới có cái ăn, cái mặc như ngày hôm nay…” – chị Mười Hai cười hiền lành cho biết như thế!
Có thể nói, Thạnh Phú là xã có nhiều vườn dừa nhất của tỉnh Tiền Giang, không thua gì xứ dừa nổi tiếng Bến Tre. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, chị là con gái út nên ba mẹ đã lấy luôn thứ mười hai đặt tên cho chị. Hồi còn nhỏ, chị rất nghịch ngợm. Những trò chơi dành cho con gái như nhảy dây, bán đồ hàng không thu hút chị bằng trò chơi… thi leo dừa. Và lần nào, chị cũng là người thắng cuộc trong tiếng reo hò, sự ngưỡng mộ của đám con trai cùng ấp. Ba mẹ chị biết được đã la mắng, kể cả đánh đòn nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê “kỳ cục” này của chị. Những năm học cấp 2, mỗi lần về nhà các bạn chơi, ai cũng muốn uống nước dừa nhưng không dám leo vì thấy cây dừa nào cũng cao. Vậy là chị lại xung phong leo lên hái… Hồi đó, chị leo dừa đơn giản chỉ vì thích thể hiện bản lĩnh của mình chứ không hề nghĩ rằng nó sẽ trở thành cái nghề để cho mình mưu sinh sau này. Năm 20 tuổi, chị lấy anh Bùi Văn Lợi, gia đình cũng nghèo không thua gì chị. Hai vợ chồng bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi nghề nhưng cái nghèo vẫn không buông tha. Cả hai quyết định quay trở về quê nhà, tiếp tục làm thuê làm mướn kiếm sống. Một hôm, trong đầu chị nảy ra suy nghĩ: Tại sao công việc thu hoạch dừa, làm vệ sinh cây dừa trong xã luôn thiếu lao động mà mình lại không làm. Đem suy nghĩ này ra nói với mẹ, tức thì mẹ chị can ngăn: “Trèo cây là chuyện của đàn ông con trai, con gái chẳng ai làm chuyện… “kỳ cục” đó…”. Anh Lợi còn phản đối quyết liệt hơn vì bản thân anh không biết leo dừa và cũng vì lúc ấy, chị đang mang thai đứa con gái đầu lòng. Nhưng rồi thấy chị quá cương quyết, cả nhà đành phải chiều theo. Nhưng chị lại gặp một trở ngại khác, biết chị đang mang thai, nhiều chủ vườn không dám thuê vì sợ “rủi xảy ra chuyện gì thêm mang họa”. Bản thân chị phải cam kết: “Nếu có chuyện gì tui tự chịu” thì họ mới đồng ý mướn. Lúc đầu, chị chỉ leo những cây dừa thấp, sau đó đến những cây dừa cao hơn. Mỗi chục dừa, chị được chủ vườn trả tiền công với giá 2.000đ. Sau một thời gian, chị tích góp được một số vốn nên quyết định hái và mua luôn với giá 22.000đ/ chục. Khi mang ra chợ bán lại, mỗi chục dừa chị lời 4.000đ. Hiện tại, ở vùng Thạnh Phú, chị Mười Hai là người duy nhất có thể chinh phục được những ngọn dừa cao từ 20-40m.
Nghề nguy hiểm

Chị Mười Hai đang chinh phục những ngọn dừa cao nhất xã

Quả là như vậy, chị Mười Hai cho biết: “Trời nắng thân dừa khô ráo nên dễ trèo, còn trời mưa rong bám đầy thân dừa, rất trơn, không khéo sẽ bị té như chơi…”. Mặc dù được mệnh danh là “Đệ nhất… leo dừa” nhưng chị cũng không tránh khỏi chuyện “tai nạn nghề nghiệp”. Chị kể: “ Lần ấy, cái thai đã đến tháng thứ 6, do phải tránh cái bụng bầu nên tui không dám ép chặt bụng vào thân cây. Chính vì vậy mà mới trèo lên được khoảng 5m, tui bị trượt chân té xuống đất bất tỉnh. Anh Lợi và chủ vườn sợ quá đưa tui đến Trạm y tế xã cấp cứu. Hơn một tiếng sau tui tỉnh lại, nghe bác sĩ bảo cái thai không bị ảnh hưởng, tui mừng đến rơi nước mắt. Nếu có chuyện gì xảy ra với đứa con đầu lòng, chắc tui ân hận suốt đời…”.
Lần khác, chị đang hái dừa trên cây thì mưa tới. Từ trước đến giờ, việc dầm mưa hái trái với chị là việc rất bình thường. Nhưng hôm ấy, cây dừa chị leo gần đường dây điện cao thế. Trời mưa lá dừa ướt, gió thổi phất phơ nhanh chóng bắt điện, xẹt lửa cháy sém tóc. Quá bất ngờ, chị buông tay té từ ngọn dừa xuống đất. Nhưng trời vẫn còn thương kẻ nghèo khó, nên lần ấy chị chỉ bị trật chân.
Trên thân thể chị còn chi chít những vết sẹo do bị ong ruồi, ong vò vẽ làm tổ trên ngọn dừa chích hàng trăm lần, bị rắn lục cắn không đếm hết trong suốt gần 30 năm qua. Chị cười bảo: “Nhờ có nhiều kinh nghiệm nên tui có thể “chiến đấu” với chúng. Nếu gặp rắn lục quấn buồng dừa hoặc tàu lá dừa thì tui lấy chiếc liềm cắt mạnh chúng ra làm đôi. Nếu phát hiện có tổ ong thì tui quay trở xuống đất tìm lá dừa khô bó thành đuốc rồi leo lên “hun khói” cho ong bay đi hết để hái dừa. Cách đây vài tháng, trong lúc hái dừa ở xã Long Hưng với độ cao hơn 20m, sém chút nữa tui bị con rắn hổ ngựa to bằng cổ tay cắn nếu không cả gan dùng liềm đánh nó rơi xuống đất cho bà con vây bắt…”.
Giờ đây, đã “lên chức” bà ngoại nhưng chị vẫn quyết theo nghiệp leo dừa kiếm sống, chị bảo: “Hơn nửa đời người sống bằng nghề này, nuôi được cha mẹ già và các con khôn lớn, giờ còn sức khỏe sao phải ngồi không để người khác nuôi!”. Và chị khoe: “Tui vừa mới lợp mái tôn thay cho mái lá, sửa sang lại căn nhà nát hết gần 10 triệu đồng bằng tiền dành dụm từ nghề này đó”.
Cũng nhờ leo dừa mà sức khỏe chị luôn dẻo dai, rất ít bị bệnh tật. Một kỳ tích khác, chị hiện là vận động viên điền kinh của huyện Châu Thành, 5 năm liền được xã cử tham dự giải việt dã truyền thống Báo Ấp Bắc (Tiền Giang) với ba giải nhì, một lần giải tư.
Song Minh

 

 

Gần 30 năm “hành nghề”, nếu tính trung bình mỗi ngày chị leo khoảng 50 cây thì đến nay, chị đã chinh phục được trên 46.000 lượt cây dừa. Gương mặt đen vì rám nắng, đôi chân khô cứng xơ xác, chai sần khắp vùng bụng và ngực, nhưng trên gương mặt khắc khổ ấy đôi mắt chị vẫn ngời ngời niềm tin vào cuộc sống, hy vọng vào tương lai của con cháu mình…

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)