Bà Hồng Lam chụp hình kỷ niệm với Lê Hà Kiệt (lớp kỹ sư tài năng) ngày 22-4-2010 |
Người phụ nữ ấy dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng. Với nhịp sống tấp nập, hối hả hằng ngày, bà dễ dàng bị lẫn trong một đám đông nào đó. Nhưng với những đứa con trong tổ ấm này, bà là người mẹ nhân từ và tràn đầy nghị lực sống. Họ yêu kính và đặt tên cho tổ ấm bằng chính cái tên giản dị của bà: tổ ấm Hồng Lam.
Làm từ thiện… vì nghèo
Năm nay, bà đã gần 65 tuổi, cái tuổi đã không còn trẻ để rong ruổi thực hiện một việc làm kéo dài từ năm này qua năm khác. Vậy mà bà lại lựa chọn và coi đó là lẽ sống của đời mình. Mỗi năm một lần, người mẹ ấy lại vượt gần nửa vòng trái đất để tìm về với những người con thân yêu, thăm hỏi, động viên và trao học bổng cho những học sinh, sinh viên (HS-SV) nghèo tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Bà bảo: “Có sinh ra trong cảnh nghèo, đất nước chiến tranh mới hiểu hết nỗi lòng của con nhà khó”. Ba mất khi tuổi còn quá nhỏ, người mẹ tảo tần của bà phải làm nhiều nghề để nuôi hai con khôn lớn. Bản thân cô bé Hồng Lam cũng đã nhiều lần phải ăn những củ khoai chỉ to bằng ngón chân cái để tới trường. Trong suy nghĩ của bà, kí ức về thuở cắp sách đến trường vẫn nguyên vẹn như ngày nào. “Hồi đó, tôi chỉ ước mình có được một tấm tăng (tấm ni lông che mưa – NV) để che khi trời mưa, một chiếc áo ấm lành lặn để mặc khi trời rét, một chiếc bút máy như bao bạn bè khác để mỗi lần viết không phải chấm vào lọ mực. Lần nào đến trường, tôi cũng đều cố ngồi thu mình lại để bác lái đò không nhìn thấy mà thu tiền. Những hôm mưa to gió lớn, ba mẹ con tôi nằm vừa ôm nhau, vừa khấn cho nhà không bị đổ. Ngày ấy, tôi chỉ ước có một bà tiên mang phép mầu đến cho những học trò nghèo như chúng tôi được đến trường”, bà xúc động nhớ lại.
Cuộc đời bà trải qua nhiều sóng gió. Bà lấy chồng và đã từng là giáo viên của một vài trường tiểu học chế độ cũ. Đất nước giải phóng, bà lại tiếp tục đi dạy và sau đó đưa cả nhà sang định cư tại Úc. Thời gian cả gia đình đoàn tụ cũng là lúc bà phải bươn chải để nuôi đàn con khôn lớn nơi xứ người. Chính những năm tháng ấy, bà đã dạy các con mình phải biết sống nhân ái, biết yêu thương và hướng tới những người nghèo khổ hơn mình.
Xa quê hương, nhưng trong tâm trí của người phụ nữ ấy, kí ức tuổi thơ cùng hình ảnh những đứa học trò nghèo vẫn luôn hiện rõ. Ngày còn thơ bé, cô bé Hồng Lam đã luôn canh cánh trong mình mơ ước được trở thành “bà tiên”, mang giấc mơ tới những HS nghèo cùng hoàn cảnh với mình. Khi đàn con lớn khôn, bà lại trở về quê hương để thực hiện giấc mơ cháy bỏng ngày nào. Năm 1991, bà trở về đất Quảng để trao những phần học bổng đầu tiên cho học sinh nghèo Trường Lê Văn Duyệt (nay là Trường THPT Đức Phổ I). Nhưng ngay sau đó, việc làm của bà lại gặp phải trở ngại nơi chính quyền địa phương. Trong thời kì bao cấp, quan điểm chính trị còn chưa thông thoáng, họ không tin người Việt kiều ấy sẵn sàng bỏ tiền làm việc thiện mà không có một mục đích nào. Không ít lần, bà bị gọi lên Ủy ban xã để giải trình giữa lúc đi thăm gia đình các em học trò nghèo. Ít ai biết được rằng, để có tiền cho những đứa học trò nghèo tiếp tục theo đuổi giấc mơ kiến thức, ở nơi xứ lạ người phụ nữ ấy đã phải đi nhặt từng vỏ lon nước ngọt, tằn tiện những đồng tiền từ khoản tiền trợ cấp hàng tháng của mình để mang về giúp cho các em. Sau một thời gian bị gián đoạn việc trao học bổng, năm 2000, bà lại tiếp tục trở về, gặp gỡ và trao học bổng cho những HS-SV nghèo hiếu học và có thành tích xuất sắc trong học tập. Khác với nhiều người, những HS được bà giúp đỡ sẽ được nhận học bổng từ khi còn là HS THPT cho tới khi tốt nghiệp ĐH. Trước những việc làm thiết thực đó, bà đã nhận được lời xin lỗi của chính quyền địa phương về những sai sót trước đây. Cũng trong thời gian này, bà được nhận bằng khen của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân do có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Không chỉ giúp cho những HS-SV nghèo, “bà tiên” ấy còn phát gạo cho những gia đình khó khăn, kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm xây dựng bếp ăn tình thương dành cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện và Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi), xây một điểm trường cho Trường Tiểu học Hải Tân (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ).
Người mẹ của tổ ấm Hồng Lam
Cho đến bây giờ, bà cũng không thể nhớ được mình đã mang ước mơ đến cho bao nhiêu đứa học trò nghèo nơi vùng quê khắc nghiệt ấy. Mỗi đứa học trò đến với bà, được bà cưu mang đều có những hoàn cảnh thật đáng thương. Đó là em Nguyễn Hữu Quang (SV Trường ĐHSPKT TP.HCM) nhà có bốn anh em, ba mẹ mất sớm; là em Phan Thị Lựu (SV năm 2 Trường ĐH Hùng Vương) ba bị tâm thần, mẹ phải làm thuê nuôi ba chị em ăn học; là em Phương Lam, ba đi biển, mẹ bệnh nặng, từng dặn cô đừng tới nhà “vì nhà con không có một cái ghế để ngồi”. Và còn rất nhiều HS-SV khác đã được bà giúp đỡ. Với rất nhiều người, đó có thể chỉ là những khoản tiền nhỏ, không đáng để quan tâm. Nhưng với những cô cậu HS-SV, số tiền ấy đủ để thực hiện một ước mơ mà nếu không có bà, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Em Võ Xuân Thành (SV năm 1 Trường ĐHSPKT TP.HCM) tâm sự: “Nếu không có cô, có lẽ em đã không thể thi đậu vào ĐH và nếu có đậu đi chăng nữa cũng chẳng có tiền để mà đi học”. Thành là trường hợp duy nhất bà nhận đỡ đầu tất cả các khoản trợ cấp sinh hoạt hằng ngày bởi em có một hoàn cảnh thật đặc biệt: ba mẹ mất sớm, nhà đông anh em và bản thân anh chị của Thành cũng không thể nuôi em vì họ quá nghèo.
Không chỉ chia sẻ về mặt vật chất, bà còn dành cho những học trò nghèo tình cảm của một người mẹ. Nguyễn Đình Chinh, cựu SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã kể về ấn tượng ngày đầu tiên gặp người mẹ hiền ấy. “Đó là lần đầu tiên tôi đến nhà cô Lam. Sau khi trình bày và được cô hỏi han tình hình gia đình, học tập, tôi ra về. Cô mua trái cây, tiễn tôi ra gần đến bến xe buýt rồi để tôi tự đi một mình. Bất chợt, tôi ngoảnh lại thì thấy cô đứng nhìn tôi với ánh mắt thật hiền từ, giống như một người mẹ đang dõi theo từng bước chân của con mình. Ánh mắt ấy cứ dõi theo mãi cho tới khi xe đi khuất. Thật hiếm có người nào lần đầu tiên gặp gỡ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi đến vậy”. Gần gũi như mẹ hiền, đó không chỉ là cảm giác của một mình Chinh mà còn của hơn 60 HS-SV trong tổ ấm Hồng Lam này. Từ bà, họ học hỏi được nhiều điều. Đó là cách ứng xử, cách sống làm người, là sự cứng rắn, mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng có lẽ cao hơn cả đó là tình yêu thương con người, làm cái gì cũng phải nghĩ đến cái tâm trong sáng, bao dung. “Nhiều người hỏi tôi rằng: Ở tuổi của bà, tại sao lại phải đi làm những việc ấy? Với tôi, làm những điều đó để lòng mình được thanh thản, để không phải hối hận về những điều mình mong muốn mà không làm được. Càng cho đi, tôi càng thấy mình tràn đầy hạnh phúc. Trước khi đi ngủ, tôi luôn cầu chúc cho những đứa học trò của mình được thành đạt. Thành công của chúng không chỉ là được ra trường, tìm được vệc làm, ổn định cuộc sống mà còn phải biết chia sẻ tình yêu thương với tất cả mọi người”, bà Hồng Lam tâm sự.
Ngọc Anh
Với cái tâm ấy, bà đã giúp đỡ, mang tình thương đến cho rất nhiều người mà không mong họ trả ơn cho mình. Niềm vui của bà là được nhìn thấy từng “đứa con” của mình trưởng thành, ra trường và biết san sẻ yêu thương với những người có cùng cảnh ngộ. |
Bình luận (0)