Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghệ sĩ múa Đàm Minh: “Tôi thương trẻ khuyết tật như con của mình”

Tạp Chí Giáo Dục

Nghệ sĩ múa Đàm Minh cùng học sinh khuyết tật tại Hội thao Người khuyết tật toàn quốc 2009

Là một trong những gương mặt nghệ sĩ múa nổi tiếng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, khi tuổi đã về chiều, nghệ sĩ Đàm Minh lại bắt đầu với nghề giáo. Cái tên Đàm Minh sẽ được khắc ghi mãi mãi trong ký ức của nhiều lớp học sinh khuyết tật. Đơn giản bởi cô thương các em như con của mình.
Cho các em cái nghề
Nghệ sĩ Đàm Minh nhớ lại: “Một buổi sáng, tôi đi ngang qua Trường khiếm thính Hy Vọng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đúng vào giờ các em ra chơi. Nghe các em ú ớ, tôi tò mò đứng lại nhìn mới biết đây là ngôi trường dành cho trẻ câm điếc. Bỗng nhiên tôi suy nghĩ, tại sao mình không làm một điều gì đó để phần nào chia sẻ nỗi bất hạnh cho các em”. Hôm sau, cô mạo muội đến trường trình bày với Hiệu trưởng về ước nguyện được dạy múa miễn phí cho các cháu. Xuất phát từ tình thương và lòng nhân ái bao la của nghệ sĩ Đàm Minh, nhà trường đã đồng ý.
Đến với học sinh khiếm thính, cô giáo Đàm Minh trải qua nhiều khó khăn. Mất một khoảng thời gian khá dài cho việc làm quen và “học” được ngôn ngữ của trò. Sau đó cô tự mày mò học phương pháp khẩu âm, khẩu hình (nhìn miệng phát âm) và ra dấu, gặp những tình huống khó diễn đạt thì cô lại dùng đến giấy bút. Khó khăn cũng đã qua đi, học sinh của cô có thể múa thành thạo các tiết mục múa dân gian như Bông hoa mùa xuân, Ánh trăng, Múa chúc mừng, Việt Nam quê hương tôi, Tiếng chày trên nương…
Có người bảo công việc của nghệ sĩ Đàm Minh không có gì đặc biệt. Song, họ lại quên rằng, chính cô đã mang lại cho các em một hơi ấm, sự sẻ chia và làm thay đổi suy nghĩ của các em theo hướng tích cực hơn. “Có cái duyên đặc biệt tôi mới gặp được các em. Nói thì dễ nhưng để dạy được các em phải có cái tâm, trái tim đồng điệu và luôn đặt mình trong hoàn cảnh của các em”. Nghệ sĩ Đàm Minh chia sẻ. Học sinh khiếm thính cảm nhận và diễn đạt âm nhạc qua động tác thể hình. Không chỉ dạy múa là để các em tự tin, có điều kiện hòa nhập cộng đồng mà nghệ sĩ Đàm Minh còn tạo mọi điều kiện để các em có thể mưu sinh bằng nghề đã học.
Sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cô và trò đã mang lại vinh quang không chỉ cho Trường khiếm thính Hy Vọng mà còn là niềm hãnh diện của người khuyết tật trong và ngoài nước. Đội múa do nghệ sĩ Đàm Minh dẫn dắt đã có nhiều tiết mục đạt giải cao trong các hội thi cấp quận, Hội thao người khuyết tật thành phố và toàn quốc. Không chỉ biểu diễn ở Việt Nam, đội múa còn được nhận lời mời biểu diễn trong các chương trình lớn ở nước ngoài.
Cô văn công “cưng” của Bác
Lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghệ sĩ Đàm Minh tự nguyện xin đi B. Những đêm thức trắng hành quân và biểu diễn đã tôi luyện tuổi trẻ của cô rắn rỏi, biết sống vì người khác và lòng trung thành với quê hương. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nghệ sĩ Đàm Minh là năm 1967, đoàn đi biểu diễn ở các chiến trường Lào. Đó là lần xuất ngoại biểu diễn thứ hai của nghệ sĩ Đàm Minh sau Cu Ba.
Ngày đi biểu diễn, đêm lại hành quân. Một lần đi ngang qua một khu làng vừa bị địch tàn phá, cô gặp một bộ đội Việt Nam bị thương rất nặng. “Người thương binh biết tôi là nghệ sĩ sang vừa biểu diễn vừa chăm sóc bệnh binh, anh ta năn nỉ được nghe tôi hát rồi có chết cũng cam lòng”.
Nghệ sĩ Đàm Minh may mắn có thời gian dài gần gũi với Bác. Chính nhờ vậy mà cô đã học hỏi được đức tính, lời nói và việc làm của Người. “Tôi thường được chọn biểu diễn cho Bác xem. Sau buổi diễn Bác thường mời tôi dùng cơm chung và dạy bảo: “Cháu không được gọi là vũ kịch mà phải gọi là hát múa, không nên sính tiếng nước ngoài. Một nghệ sĩ đàn violon trong đoàn văn công cùng biểu diễn hôm ấy, Bác biết anh ta đàn violon nhưng vẫn hỏi để nhắc nhở: “Cháu làm nghề gì?”. Sợ Bác phê bình là sính tiếng nước ngoài, anh ta liền trả lời: “Dạ, cháu kéo đàn nhị Tây””.
Dịp đi biểu diễn ở Cao Bằng, Lạng Sơn có Bác đi cùng. Khi đi qua đoạn suối sâu trơn trợt, mọi người ai cũng giành cõng Bác qua nhưng Bác một mực tự dùng gậy dò đường. Cũng trong dịp ấy, biết Bác thích ăn cá mè, khi đi qua hồ Ba Bể, một người bắt cá mè môi dày (cá mè ở đây thường bâm miệng vào đá nên môi dày – NV) về nấu. Bác vừa ăn vừa tấm tắc khen. Sau đó Bác hỏi: “Các cháu phải nói thật cá này ở đâu mà có”. Mọi người trả lời thì Bác lại bảo: “Thế thì Bác là vua chứ không phải Bác Hồ rồi. Lần sau không được làm như vậy, Bác ăn một con cá nhưng tốn công sức của biết bao người”.
“Qua những câu chuyện thật về Bác mà tôi từng được chứng kiến, được nghe, tôi học ở Bác sự từ tốn, nhẹ nhàng khi phê bình và ý thức kỷ luật. Tôi luôn quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn cũng như Bác hết mực thương dân”. Nghệ sĩ Đàm Minh nói thế.n
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)