Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vợ chồng nhà giáo giữ kỷ lục hiến máu

Tạp Chí Giáo Dục

Vợ chồng thầy Sơn – cô Hương hạnh phúc với những đóng góp nhỏ của mình

Thầy 63 lần hiến máu, cô trên 30 lần, vợ chồng đồng lòng cùng đăng ký hiến xác cho khoa học. Đó là câu chuyện về gia đình nhà giáo Đoàn Văn Sơn – Nguyễn Thị Mỹ Hương (P.8, Q.4, TP.HCM) vừa được tuyên dương gương “Người tốt việc tốt” cấp thành phố.
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…”
Sinh năm 1947 tại Sài Gòn, được học tập trong môi trường nhà Phật nên từ nhỏ, cậu thiếu niên họ Đoàn đã mang trong người một trái tim nhân ái. Có lẽ vì vậy mà ngay từ những năm 1970, chứng kiến nỗi đau của các bệnh nhân bất hạnh, thầy Sơn đã âm thầm đi hiến máu gần 20 lần. Sau ngày giải phóng, từ khi có phong trào hiến máu (1976) đến nay thầy vẫn tiếp tục công việc cao cả đầy ý nghĩa đó như một tâm nguyện của cuộc đời. Thầy được xem là người giữ kỷ lục của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM với 63 lần hiến máu
Học hết cấp 3, thầy ra Quy Nhơn làm việc cho ngân hàng, sau ngày giải phóng, ngân hàng giải thể, thầy trở về Sài Gòn lăn lộn làm đủ nghề để sống. Mặc dù vậy, thầy vẫn đăng ký khóa học ngành ngữ văn tại Trường ĐH Tổng hợp. Và thời gian này, tình yêu của anh cán sự lớp và cô bí thư Đoàn nảy nở. Sau bao nhiêu trở ngại tưởng chừng như khó có thể vượt qua, họ đã nên duyên vợ chồng. Những ngày đầu mới cưới, với chiếc xe đạp mi ni, thầy vừa học vừa vất vả lăn lộn kiếm sống đủ mọi nghề. Lúc là công nhân tổ hợp làm chuối, khi là thợ rửa xe, lúc lại là công nhân tổ hợp thu mua phế liệu. Còn cô, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô về dạy bộ môn văn tại Trường THCS Nguyễn Huệ 2 (Q.4). Được 2 năm, cô đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận. Sau đó được chọn làm Tổ trưởng bộ môn khoa học xã hội rồi vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1991, thầy chuyển qua làm công tác hành chính tại Trường Tiểu học Kim Liên, Trường Tiểu học Vĩnh Hội rồi Trường Đoàn Thị Điểm (Q.4) cho tới năm 2007 thì nghỉ hưu.
Niềm vui lớn từ những đóng góp nhỏ
Lý giải về việc 63 lần hiến máu của mình, thầy Sơn tâm sự: “Thực ra chuyện cho máu cũng bình thường. Vốn là một giáo viên, cuộc sống không dư dả gì nên muốn tham gia công tác từ thiện xã hội thì chỉ có thể hiến tặng những túi màu hồng với ý nghĩa nhân đạo nào đó, bởi ai gặp tai nạn giao thông hay một bệnh nhân nào đó phải mổ xẻ thì túi máu này có thể giúp họ qua cơn nguy kịch, trở về với cuộc sống đời thường”. Trong những lần đi hiến máu, có một trường hợp đến nay thầy vẫn còn lưu giữ cảm giác trong người. Đó là lần đang ở trường, nghe tin em gái của một đồng nghiệp lâm vào tình trạng hiểm nguy khi mổ tim ở Viện Tim, cần được tiếp máu trực tiếp. Ngay lập tức, thầy và một số giáo viên đến bệnh viện để tiếp máu. Qua cơn hiểm nghèo, cô gái đó khỏe mạnh. Lúc ấy, trong người thầy bỗng có cảm giác vui và thanh thản đến lạ thường.
Không chỉ là người hiến máu, thầy Sơn còn tranh thủ thời gian rảnh để vận động đồng nghiệp và bà con trong khu phố mình cùng tham gia hiến máu. Trong “chiến dịch” vận động đó, trường hợp trở ngại lớn nhất đối với thầy chính là người vợ. Bởi trước khi vào ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Mỹ Hương chọn con đường phục vụ ngành y. Nhưng khi người ta chuyển bệnh nhân đến, thấy máu là cô tự nhiên xỉu. Nhưng “bị” chồng thuyết phục liên tục, đồng thời thấy được ý nghĩa của việc thầy làm, nên cô quyết định “tát biển” cùng chồng. Và cho đến nay, đã gần 30 lần cô vui vẻ chìa tay ra cho máu. “Lần đầu tiên cho máu, tôi rất hồi hộp và hơi lo âu, nhưng có chồng bên cạnh nên tôi cũng vượt qua một cách dễ dàng” – cô Hương cười bảo thế. Cô kể, một lần, lúc 11 giờ đêm, nghe điện thoại báo tin một đồng nghiệp sắp sinh đang gặp nguy vì thiếu máu, cần tiếp máu O trực tiếp, vậy là thầy tức tốc chở cô đến bệnh viện để tiếp máu. Xong việc nghe bác sĩ thông báo mẹ tròn con vuông, hai vợ chồng âu yếm nhìn nhau cùng cười hạnh phúc rồi lặng lẽ đèo nhau về trong đêm khuya vắng lạnh. Giải thích thêm về việc mình làm, cô nói: “Đó không chỉ xuất phát từ nhận thức, từ tấm lòng mà từ bản năng của con người vốn “Nhân chi sơ tính bổn thiện”…”.
Với những thành tích hiến máu, năm 2004, thầy Sơn vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng. Năm 2007, thầy tiếp tục nhận kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Y tế. Năm 2010, hai vợ chồng thầy được UBND TP tuyên dương gương “Người tốt việc tốt”.
Nói về thầy Đoàn Văn Sơn,bác sĩ Bùi Văn Thêm – Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM nhận xét: “Thầy Đoàn Văn Sơn là một trong những người hiến máu tiêu biểu, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong phong trào hiến máu nhân đạo của TP. Những lần hiến máu của thầy mang một ý nghĩa cao cả, xuất phát từ tấm lòng chân thành, vô hạn. Không những thế, dù hết tuổi, nhưng thầy vẫn còn tham gia bằng cách vận động bà con, hàng xóm cũng như đồng nghiệp tham gia. Thầy là tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo trong phong trào từ thiện của TP”.
Bài, ảnh: Thái Khuê

Không chỉ hiến máu, vợ chồng thầy Sơn đã đăng ký hiến xác cho khoa học: “Khi nhắm mắt xuôi tay thì không còn ý nghĩa gì, mình có thể là một công cụ cho ngành y phát triển thì cũng nên làm. Sinh viên ngành y có điều kiện thực tập nhuần nhuyễn các thao tác giải phẫu trên cơ thể của bệnh nhân sẽ tự tin chính xác. Sau cuộc sống là cái chết, nếu sống có ích thì chết cũng nên chết cho có ý nghĩa”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)